Thủ tướng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cùng đối thoại với nông dân
Ngày 10/12, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi đối thoại với nông dân với chủ đề “Tháo gỡ vướng mắc, liên kết 6 nhà, kiến tạo chuỗi giá trị nông sản”. Đây là lần thứ hai, Người đứng đầu Chính phủ đối thoại với nông dân sau buổi đối thoại thành công lần đầu tiên tại tỉnh Hải Dương vào tháng 4/2018.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi đối thoại.
Tham dự buổi đối thoại còn có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; ông Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Thào Xuân Sùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; ông Trần Quốc Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ cùng lãnh đạo các Ban, bộ, ngành ở Trung ương, lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố và 300 nông dân tiêu biểu trên cả nước.
Đối thoại với nông dân lần 2
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã có sự phát triển vượt bậc, ước tính năm 2019 cả nước thu hoạch được 43,6 triệu tấn lúa; 3,3 triệu tấn thịt lợn; 1,3 triệu tấn thịt gà; sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản đạt 7,6 triệu tấn… Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản ước đạt 41,3 tỷ USD; thặng dư thương mại đạt 9,5 - 10 tỷ USD. Cùng với đó, đời sống người nông dân cũng được nâng lên, nhiều gia đình đã thoát nghèo bền vững, bắt đầu xuất hiện khái niệm “tỷ phú nông dân” với những điển hình tiêu biểu về sản xuất giỏi.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung nguồn vốn, cho vay với lãi suất phù hợp. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã có gần 120 nghìn doanh nghiệp và một số khách hàng khác được giải ngân cho vay mới với doanh nghiệp giải ngân gần 520 nghìn tỷ đồng…
Chia sẻ tại buổi đối thoại, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay của nông dân chính là vấn đề tiêu thụ nông sản ổn định, đảm bảo nông dân có lãi. Để giải quyết được vấn đề khó khăn này cần có các giải pháp tổng thể, đồng bộ và xuyên suốt…
Buổi đối thoại đã ghi nhận rất nhiều câu hỏi từ nông dân, chuyên gia, doanh nghiệp trong nước gửi đến Thủ tướng, tập trung vào 3 nhóm vấn đề lớn gồm: Sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững, tiêu thụ nông sản; vấn đề đất đai, đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn; biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường...
Đề cập đến chủ đề sản xuất nông nghiệp sạch theo hướng phát triển bền vững, tiêu thụ nông sản, ông Trần Công Danh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ đề cập đến hiện tượng nông nghiệp được mùa nhưng lại mất giá đang diễn ra, chính vì vậy ông Danh mong muốn Chính phủ cùng các bộ, ngành liên quan cần có những chính sách cụ thể gì để khắc phục hiện tượng bất cập này, tạo niềm tin và động lực cho người nông dân hăng say sản xuất trên cánh đồng của mình.
Nông dân Nguyễn Hùng Thắng, đến từ Đồng Tháp, người phát minh ra hệ thống tưới cây tự động, trăn trở, đối với Dự án phát triển nông nghiệp áp dụng công nghệ 4.0 và tiến tới là công nghệ 5.0 có nhiều vấn đề bất cập trong việc nhận hỗ trợ từ chính quyền địa phương khi việc hỗ trợ không bắt kịp với sản phẩm công nghệ hiện hành. Chính vì vậy, đề nghị cần có quy định thời gian hỗ trợ cụ thể để người nông dân đàm phán với đối tác và cần có cơ chế tạo nguồn vốn cho dự án về khoa học công nghệ.
Đồng quan điểm về việc vay vốn để ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp, nông dân Nguyễn Thái Hòa ở tỉnh Hưng Yên bày tỏ, việc triển khai nông nghiệp 4.0 đòi hỏi nguồn vốn phải lớn nhưng chính sách tín dụng nông nghiệp ban hành nhiều mà nông dân làm nông nghiệp 4.0 thì không thể tiếp cận được vì thủ tục còn rườm rà, phức tạp, vì vậy Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ gì để nông dân có thể tiếp cận dễ dàng nguồn vốn vay này.
Đề cập đến hiện tượng ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường từ các sản phẩm thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu trên những cánh đồng ở ĐBSCL, nông dân Phan Văn Thụ đến từ An Giang đề nghị, Chính phủ cần có biện pháp cụ thể thúc đẩy ngành sản xuất và cần mạnh tay hơn nữa đối với những hộ gia đình sử dụng những sản phẩm thuốc độc hại trong sản xuất nông nghiệp, gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe của bà con.
Cũng đề cập đến sự lớn mạnh của các HTX, nông dân Nguyễn Chí Công cho biết, hiện nay HTX lại hoạt động như 1 công ty tư nhân với 1 chủ sở hữu đứng đầu, nếu như vậy thì quyền lợi của người nông dân không được đảm bảo. Chính vì vậy, ông Công mong muốn Chính phủ cần thắt chặt những quy định liên quan đến HTX để mô hình HTX phát triển nhằm liên kết người nông dân cùng tham gia sản xuất, bảo đảm đầu ra và giá cả xuất khẩu cho bà con.
Nhắc đến vấn đề liên kết 6 nhà hiện nay, ông Phan Văn Thế, người trồng vú sữa tím tại tỉnh Sóc Trăng cho rằng, vấn đề này đang gặp nhiều khó khăn, nhất là người nông dân khi sản xuất ra sản phẩm rất khó liên kết với doanh nghiệp, doanh nghiệp chưa thực sự chia sẻ với nông dân để tạo nên liên kết phải bền vững và giá cả được đảm bảo. Theo ông Thế, Chính phủ cần có giải pháp liên kết 6 nhà, tạo cơ hội cho người nông dân xuất khẩu được sản lượng lớn hơn nữa.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi đối thoại.
Mặt trận luôn đồng hành cùng “tam nông”
Lắng nghe ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, đây là một trong những cách làm trực tiếp, hiệu quả, nhằm tăng cường tiếp xúc, lắng nghe, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nông dân, góp phần giải quyết những khó khăn, bức xúc trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Nhấn mạnh tới những lợi thế trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của ĐBSCL, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, từ Nghị quyết liên tịch của Chính phủ và UBTƯ MTTQ Việt Nam về đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” cùng với kết quả của Hội nghị, thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm tới việc xây dựng thương hiệu nông sản chủ lực cho cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng, từ đó đảm bảo quyền lợi cho bà con, giúp bà con yên tâm sản xuất và tạo ra những có giá trị xuất khẩu cao.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Chính phủ cần chủ động công bố thông tin về diễn biến giá cả trên thị trường nông sản và đưa ra những dự báo kịp thời về nhu cầu của thị trường để bà con không còn hiện tượng được mùa, mất giá. Bên cạnh đó, cần thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng giống cây trồng và đưa các sản phẩm giống cây trồng có chất lượng cao từ các nước phát triển trên thế giới về với từng vùng nông nghiệp trong nước.
“Chính phủ và các bộ, ngành cần rà soát, đánh giá toàn diện các chính sách về đất đai, thuế, đào tạo nghề cho bà con vì chỉ khi có sự vào cuộc của nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì đất nước mới phát triển”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Trăn trở khi hiện nay kết cấu hạ tầng của ĐBSCL vẫn chưa đồng bộ, ứng dụng khoa học kỹ thuật chưa kịp thời, trình độ dân trí còn thấp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng cần phải có những chính sách cụ thể để giải quyết “bài toán” về đầu tư kết cấu hạ tầng; có kế hoạch đào tạo và nâng cao trình độ dân trí để kịp thời ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của bà con, từ đó nâng cao thu nhập bình quân và cải thiện đời sống của bà con.
Trả lời câu hỏi của ông Phạm Ngọc Thành đến từ tỉnh Quảng Nam, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, MTTQ Việt Nam hiện nay đang triển khai rất nhiều chương trình giám sát, trong đó thực hiện giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên ở chính quyền cấp xã, huyện đang được Mặt trận các cấp triển khai theo hướng công khai, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân cùng tham gia. Từ đó giảm thiểu những phức tạp trong giải quyết thủ tục hành chính và hiện tượng sách nhiễu tại các cơ quan thực thi công vụ.
“Với việc triển khai các chương trình giám sát và tiếp tục phát động Giải báo chí toàn quốc “Báo chí với công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí” lần thứ ba, Mặt trận các cấp sẽ cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân đẩy lùi tham nhũng vặt, đẩy lùi hiện tượng nhũng nhiễu và sẽ không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng, lãng phí”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cùng đại diện nhiều Bộ ngành dự buổi đối thoại.
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, liên kết tạo chuỗi giá trị nông sản
Ghi nhận các câu hỏi của nông dân, người đứng đầu Chính phủ kể: Tôi đã nhận được bức thư của GS Võ Tòng Xuân về những mong mỏi về việc phát triển vùng đất này, tôi rất cảm ơn GS đã tâm huyết, đấu tranh cho nông dân. Tôi đánh giá cao Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với TP Cần Thơ, các cơ quan có liên quan, Báo Nông thôn Ngày nay để tổ chức hội nghị này, rất có ý nghĩa, phong phú, nghiêm túc, có nhiều nội dung tốt.
Trước hết chúng ta đều biết nông nghiệp Việt Nam và nông nghiệp ĐBSCL đều đạt được những thành công quan trọng. Nói về ĐBSCL chúng ta xuất khẩu lớn như thế, và chúng ta đã đảm bảo được một mức lợi nhuận cho người dân. Tuy vậy, tại hội nghị này còn nhiều vấn đề bất cập, tồn tại trong sản xuất nông nghiệp đã được nêu ra.
Qua hội nghị hôm nay, tôi rất cảm ơn những vấn đề bà con nông dân quan tâm, đặt ra. Mục tiêu của hội nghị đối thoại này là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, liên kết 6 nhà, tạo chuỗi giá trị nông sản. Chúng ta đã trả lời được một cách cơ bản những vướng mắc. Liên kết 6 nhà còn nhiều bất cập, trở ngại. Đặc biệt vấn đề môi trường, dịch bệnh, tích tụ đất đai là vấn đề bà con rất quan tâm.
Về thị trường, các bộ ngành cần có dự báo, đặc biệt phải có cơ chế hỗ trợ đối với những sản phẩm nông nghiệp chủ lực liên quan đến công tác quy hoạch, thị trường, yếu tố đầu vào như vốn, vật tư nông nghiệp. Những cảnh báo về dịch bệnh, môi trường ở nông thôn là vấn đề rất lớn.
Sắp tới đây hội nghị về vấn đề môi trường ở nước ta, trong đó vấn đề về xử lý chất thải rắn, nhất là rác ở nông thôn, cần có thông điệp rõ ràng hơn. Cần cung cấp đầy đủ hơn những thông tin liên quan đến thị trường, tiêu chuẩn cần thiết để xuất khẩu.
Bà con cũng nêu cần giảm diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch. Năm nay chúng ta đã giảm 500.000 ha đất trồng lúa, và chúng ta giảm diện tích để chuyển sang các loại cây trồng, vật nuôi khác. Cần tiếp tục rà soát các loại thủ tục liên quan đến hỗ trợ của người nông dân, như thủ tục vay vốn, là vấn đề cần được quan tâm.
Khởi nghiệp cho nông dân là một vấn đề rất lớn. Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu sau hội nghị này các bộ ngành, địa phương phải có chính sách thuận lợi, tạo điều kiện cho bà con nông dân khởi nghiệp.
Các địa phương, nhất là ngành nông nghiệp hướng dẫn nông dân sản xuất theo chuỗi, ứng dụng công nghệ, đặc biệt là phát triển mạnh mẽ nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch. Tiếp tục xem xét yếu tố đầu vào để giảm giá thành, kiểm soát chất lượng để đảm an toàn thực phẩm. Và sẽ có những chủ trương mạnh mẽ, như liên kết vùng, khu vực.
Một câu hỏi lớn là nông dân phải làm gì để cùng nhà nước thực hiện câu nói của Bác: Nông dân nước ta giàu, nông nghiệp thịnh thì nước ta thịnh.
Và tại đây chúng ta kêu gọi đất nước ra cần một lớp nông dân đổi mới, không để đất đai manh mún nhỏ lẻ để phát triển nông nghiệp.
Nông dân Việt Nam cần nâng cao học vấn, và kiến thức khoa học công nghệ, kiến thức về thị trường. Đã đến lúc nông dân cứu mình trước khi đòi hỏi nhà nước cứu mình bằng một tinh thần tự lực, tự cường sẵn có.
Quang cảnh buổi đối thoại.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trần Thanh Mẫn tặng quà cho nông dân tiêu biểu.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thăm gian hàng của nông dân bên lề buổi đối thoại.