Ngành Thủy sản với mục tiêu xoay trục
Trong vòng 2 năm qua, bài học từ chiếc thẻ vàng IUU đã tác động nhiều tới ngành Thủy sản nước nhà. Việc hàng loạt các doanh nghiệp đăng ký khai thác đánh bắt có trách nhiệm hay ngư dân không còn sử dụng những chiếc tàu giã cào để khai thác một cách tận diệt nguồn hải sản như trước đây… là những chuyển biến rõ nét.
Thời gian qua, ngành Thủy sản nước nhà đã rất nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU. Nguồn ảnh: Baodautu.vn.
Quá trình khắc phục thẻ vàng IUU (khai thác hải sản có trách nhiệm theo khuyến cáo của EC) đã tạo ra diện mạo mới cho ngành Thủy sản nước nhà. Không còn tình trạng đánh bắt khai thác hải sản theo hướng “tận diệt” bằng những chiếc tàu “giã cào”, ngược lại ngư dân, DN ngành thủy sản hướng đến mục tiêu phát triển bền vững cho ngành Thủy hải sản.
Thẻ vàng IUU đang dần được gỡ bỏ
Trung tuần tháng 11 vừa qua, đoàn kiểm tra của EC đã có cuộc quay trở lại làm việc với ngành Thủy sản Việt Nam liên quan đến việc ngành Thủy sản nước nhà nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng IUU. Kết thúc chuyến làm việc, bà Veronika Veits, Giám đốc Cơ quan Quản trị đại dương quốc tế và nghề cá bền vững -Tổng vụ Các vấn đề biển và thủy sản của EC, Trưởng đoàn cho biết, cá nhân bà và các thành viên trong đoàn ấn tượng với những kết quả Việt Nam đã đạt được trong thực hiện các khuyến nghị của EC.
Cụ thể, Việt Nam đã xây dựng được khuôn khổ pháp lý hoàn thiện, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về chống đánh bắt IUU, trong đó có Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
Cũng cần phải khẳng định, trong thời gian 2 năm qua, với sự nỗ lực của tất cả các cấp, ngành, các địa phương cũng như DN và ngư dân vùng ven biển, việc khai thác đánh bắt hải sản đã được thực hiện một cách quy củ, có trách nhiệm hơn rất nhiều. Dù vậy, vấn đề khai thác ngoài “vùng cấm” vẫn tồn đọng. Chính bởi vậy, Đoàn kiểm tra của EC cũng đề nghị Việt Nam quyết liệt hơn trong việc triển khai các giải pháp hiệu quả để chống tàu thuyền của ngư dân khai thác hải sản trái phép tại vùng biển các quốc gia khác, bởi đây là mấu chốt trong việc tháo gỡ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam. Muốn vậy, cần nhanh chóng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá, đặc biệt là các tàu lớn, có chiều dài trên 24m; đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với việc cố tình vi phạm các quy định về sử dụng thiết bị định vị.
Theo các chuyên gia ngành Thủy sản, việc khắc phục thẻ vàng IUU không phải là câu chuyện một sớm một chiều, và để có được những thành quả của ngày hôm nay, có thể thấy những nỗ lực lớn của toàn ngành cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, sự chung tay của DN và đồng thuận của nhiều ngư dân. Tuy vậy, việc vẫn còn tình trạng đánh bắt hải sản ngoài vùng biển quốc gia cho thấy, tư duy của một bộ phận ngư dân theo kiểu đánh bắt tự phát, lẻ tẻ vẫn còn tồn đọng.
Nhưng vẫn cần khẳng định, trong vòng 2 năm qua, bài học từ chiếc thẻ vàng IUU đã mang lại rất nhiều sự chuyển động mới cho ngành Thủy sản nước nhà. Việc hàng loạt các DN đăng ký khai thác đánh bắt có trách nhiệm hay ngư dân không còn sử dụng những chiếc tàu giã cào để khai thác một cách tận diệt nguồn hải sản như trước đây… là những minh chứng rõ nét.
Hướng đến mục tiêu trở thành ngành xuất khẩu chủ lực
Hội nhập kinh tế quốc tế, việc Việt Nam ký hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do cũng đặt ra những thách thức cho ngành thủy sản nước nhà. Chính bởi vậy, tấm thẻ vàng IUU cũng được coi là một áp lực để ngành Thủy sản định hướng lại hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN trong ngành hướng tới phát triển ngành một cách bền vững, thích ứng với sân chơi toàn cầu.
Theo ông Trần Đình Luân -Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ngành Thủy sản đang có những bước cải tiến mới, thay đổi diện mạo từng ngày. “Hiện, mỗi năm chúng ta có 1,3 triệu ha nuôi trồng thủy sản, và với kịch bản biến đổi khí hậu hiện nay thì thời gian tới sẽ tăng lên 1,5-1,7 triệu ha. Ngay cả những phụ phẩm thủy sản cũng sẽ trở thành nguyên liệu sản xuất cho một số ngành hàng khác… Đó chính là tiềm năng rất lớn để nâng cao giá trị của ngành thủy sản” – ông Luân nói.
Thời gian qua, thực hiện việc tái cơ cấu ngành thủy sản, Bộ NNPTNT đã tổ chức lại sản xuất, có những tổ hợp, HTX tăng lên từng ngày, những liên kết dọc, liên kết ngang trong ngành cũng đã mang lại những giá trị rất cao. “Đơn cử, trong ngành sản xuất cá tra, hiện tại với 5.400ha chúng ta đang sản xuất cá tra thì bà con đều có lãi với trên 80 sản phẩm từ cá tra thay vì 1-2 sản phẩm trước đây. Hay trong lĩnh vực tôm, số lượng HTX tham gia liên kết với các nhà máy chế biến cũng tăng lên rất nhiều. Điều đó minh chứng cho sự tái cơ cấu đang đi đúng hướng” – ông Luân cho biết. Đồng thời, theo vị này, việc áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất đang đem lại những kết quả tích cực cho toàn ngành.
Với những hướng đi đó của toàn ngành Thủy sản, cùng với sự nỗ lực trong việc tháo gỡ thẻ vàng IUU, dư luận kỳ vọng, mục tiêu hướng đến phát triển bền vững, trở thành lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của ngành hải sản là trong tầm tay.