Chống 'Diễn biến hòa bình': Không thể bôi đen bức tranh sinh động về quyền con người ở Việt Nam
Trong suốt chiều dài lịch sử, loài người luôn đấu tranh nhằm giải phóng con người, xây dựng xã hội tiến bộ vì con người. Nhưng có một thực tế là tuy nhân quyền là giá trị thiêng liêng mà mọi quốc gia, dân tộc đều hướng tới, nó lại luôn là chủ đề bị lợi dụng vì động cơ xấu.
Thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam được cả thế giới công nhận.
Hành động can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của một quốc gia
Ngày 10/12 năm nay, thế giới kỷ niệm 71 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền. Nhìn lại quá khứ, chúng ta có thể tự hào về những nỗ lực và thành tựu đáng ghi nhận mà đất nước đạt được trong lĩnh vực quyền con người. Thế nhưng, không ít đối tượng có tư tưởng thù địch lại tìm mọi cách xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Không khó khăn gì để hiểu âm mưu của các thế lực này. Với ý nghĩa xã hội rộng rãi, liên quan trực tiếp đến cuộc sống, hoạt động hằng ngày của con người, lại có khả năng tác động đến nhận thức cảm tính, khiến con người có thể bộc phát suy nghĩ, hành vi, nên nhân quyền khi bị lợi dụng sẽ dễ dàng biến thành công cụ để các thế lực này chống phá Việt Nam.
Trước hết, chúng tập trung xuyên tạc vấn đề nhân quyền tại Việt Nam; chỉ trích quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam; vu cáo Việt Nam “vi phạm dân chủ, nhân quyền”, “không có tự do báo chí, tự do tôn giáo”... Một số tổ chức quốc tế như HRW (Theo dõi nhân quyền), FH (Ngôi nhà tự do), RSF (Phóng viên không biên giới), CPJ (Ủy ban bảo vệ nhà báo); một số cơ quan truyền thông nước ngoài như đài RFA, BBC, VOA, RFI cũng thường xuyên cung cấp thông tin thiếu khách quan, xuyên tạc tình hình thực tế ở Việt Nam.
Dưới chiêu bài “dân chủ, nhân quyền”, các thế lực thù địch quảng bá mình như là những người có “sứ mệnh cao cả” đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền Việt Nam. Họ ngang nhiên cho mình quyền “can thiệp nhân đạo”, quảng bá cho các quan niệm mơ hồ, lệch lạc như “nhân quyền không biên giới”, “nhân quyền cao hơn chủ quyền”, “lợi ích cá nhân cao hơn lợi ích cộng đồng, lợi ích quốc gia” để phủ nhận quyền của các dân tộc, nhất là quyền tự quyết định vận mệnh hay tự lựa chọn con đường phát triển của các dân tộc, trong đó có Việt Nam.
Chưa dừng ở bịa đặt, nói xấu, một số tổ chức quốc tế công khai đòi đưa Việt Nam vào diện những nước cần đặc biệt quan tâm về nhân quyền, tôn giáo. Dưới lý do mà chúng tự dựng lên như Việt Nam “đàn áp người dân tộc thiểu số”, “đàn áp tôn giáo”, chúng kêu gọi chính phủ các nước gắn vấn đề viện trợ, hợp tác kinh tế với Việt Nam với các điều kiện về dân chủ, nhân quyền theo kiểu phương Tây.
Những hành động trên đã can thiệp thô bạo công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền như Việt Nam, đi ngược lại Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Đây là điều hết sức phi lý, bởi các quốc gia đều bình đẳng về chủ quyền và công việc nội bộ của mỗi quốc gia phải do quốc gia ấy tự quyết định, không thể có quốc gia nào đó tự coi mô hình phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của mình là khuôn mẫu, rồi đem áp đặt khuôn mẫu đó lên các quốc gia khác.
Việt Nam luôn hướng mọi chủ trương, chính sách đến mục tiêu vì con người
Nhưng dù các thế lực thù địch và một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam cố tình xuyên tạc, vu khống Việt Nam thế nào, thì có một thực tế không thể phủ nhận là Việt Nam đã đạt được những thành thành tựu to lớn trong bảo đảm quyền con người được thế giới ghi nhận.
Ngay từ khi ra đời, Nhà nước Việt Nam đã đặt nhiệm vụ bảo đảm quyền con người vào vị trí trung tâm. Trong bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”.
Trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước sau này, Đảng và Nhà nước cũng luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều hướng đến mục tiêu cao nhất vì con người, cho con người.
Quan điểm nhất quán đó được thể hiện rõ trong các bản Hiến pháp qua các thời kỳ. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 dành hẳn một chương riêng về “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân”. Quyền con người ở Việt Nam đã thực sự trở thành quyền hiến định. Tiếp đó, chỉ trong vòng 4 năm (2014-2018), Việt Nam đã thông qua hơn 90 văn bản quy phạm pháp luật liên quan quyền con người. Đây là những nỗ lực hết sức có ý nghĩa, tạo khuôn khổ pháp lý cho việc bảo đảm trên thực tế quyền con người, quyền công dân.
Đi vào thực tế, chủ trương tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người được thể hiện xuyên suốt trong các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, Chiến lược cải cách tư pháp cũng như trong quá trình triển khai các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của Việt Nam, trong đó có các khuyến nghị Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) mà Việt Nam trình lên Liên hợp quốc.
Có thể nói Hiến pháp và pháp luật Việt Nam bảo đảm đầy đủ các quyền cơ bản của con người trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, dân sự, đến kinh tế, xã hội, văn hóa. Hệ thống pháp luật của Việt Nam phù hợp với thực tế đất nước và tương thích với các chuẩn mực quốc tế được quy định trong Tuyên ngôn Nhân quyền và các Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam tham gia.
Sự phát triển của Việt Nam mang tính “nhân bản”
Chính nhờ chủ trương, định hướng trên cùng những nỗ lực không không mệt mỏi, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong trong việc đảm bảo quyền con người trên các lĩnh vực. Có thể đưa ra nhiều ví dụ.
Phát biểu trong cuộc họp công bố Báo cáo phát triển con người năm 2019, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức tại Hà Nội ngày 9/12 vừa rồi, bà Caitlin Wiesen- Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, đã đánh giá: “Việt Nam đã kiên định chọn hướng phát triển lấy con người làm trọng tâm và sự bình đẳng trong các chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”.
Với tốc độ tăng trưởng trung bình của Chỉ số phát triển con người (HDI) ở mức 1,36% trong gần 30 năm qua, Việt Nam được xếp vào nhóm các nước có tốc độ tăng trưởng chỉ số HDI cao nhất trên thế giới. Các tiêu chí quan trọng để xác định chỉ số HDI của Việt Nam như tuổi thọ trung bình, thu nhập bình quân tính theo đầu người tăng, tỷ lệ biết chữ…đều tăng lên. Đây là bằng chứng cho thấy sự phát triển kinh tế nhanh chóng ở Việt Nam đã được chuyển hóa vào chất lượng sống của đa số người dân Việt Nam.
Đặc biệt trong nỗ lực xóa đói giảm nghèo, Việt Nam được coi là mô hình thành công của thế giới. Nếu so sánh mức thu nhập bình quân tính theo đầu người của Việt Nam với một số nước cùng nhóm về HDI, con số của Việt Nam có thể thấp hơn, nhưng chỉ số HDI của Việt Nam lại cao hơn. Nó cho thấy sự quan tâm của Việt Nam đối với con người trong quá trình phát triển. Đánh giá về thành tựu xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam, báo chí quốc tế từng ca ngợi: “Sự phát triển của Việt Nam mang tính “nhân bản” cao bởi số người thoát khỏi đói nghèo cao gấp đôi mức trung bình trong khu vực”.
Việt Nam cũng có kết quả tốt về khía cạnh bình đẳng giới. Chỉ số phát triển giới ở mức 1,003 đã đưa Việt Nam vào nhóm dẫn đầu trong số 5 nhóm gồm 166 nước trên toàn thế giới. Đặc biệt, với tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội 26,72%, Việt Nam nằm trong nhóm các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ này.
Nói đến chế độ dân chủ và quyền con người thì không thể không nói đến quyền sử dụng internet và mạng xã hội. Trong lĩnh vực này, nỗ lực của Việt Nam cũng được thế giới ghi nhận. Chính thức nối mạng internet năm 1997, chỉ sau hơn 20 năm, số người Việt Nam sử dụng internet đã lên tới 64 triệu người. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Hiện nay, số người Việt Nam sử dụng mạng xã hội facebook là 60 triệu người, zalo là 40 triệu người. Có thể nói Việt Nam là một quốc gia internet.
Đi liền với sự bùng nổ của mạng xã hội và dịch vụ internet là sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống báo chí. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 6/2018, cả nước có 857 cơ quan báo chí với 1.119 ấn phẩm, trong đó có 184 kênh của đài phát thành và truyền hình trung ương và địa phương; số lượng bản báo phát hành khoảng 650 triệu bản/năm.
Qua internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận thông tin từ các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như: AFP, AP, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times...Ở Việt Nam cũng có tới 75 kênh truyền hình nước ngoài online, trong đó có các kênh nổi tiếng, như: CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg... Hiện có tới 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi.
Đó là bức tranh sinh động cho thấy những thành tựu đáng ghi nhận của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người.
Nói đến chế độ dân chủ và quyền con người thì không thể không nói đến quyền sử dụng internet và mạng xã hội. Trong lĩnh vực này, nỗ lực của Việt Nam cũng được thế giới ghi nhận. Chính thức nối mạng internet năm 1997, chỉ sau hơn 20 năm, số người Việt Nam sử dụng internet đã lên tới 64 triệu người. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực châu Á. Hiện nay, số người Việt Nam sử dụng mạng xã hội facebook là 60 triệu người, zalo là 40 triệu người. Có thể nói Việt Nam là một quốc gia internet.