Yêu cầu di lý ông Nguyễn Hữu Tín vào TP HCM
Để phục vụ cho công tác xét xử, TAND TP HCM đã yêu cầu cơ quan điều tra di lý bị can Nguyễn Hữu Tín từ Hà Nội vào TP HCM.
Yêu cầu di lý ông Nguyễn Hữu Tín vào TP HCM.
Theo dự kiến ngày 26/12, TAND TP HCM sẽ mở phiên tòa xét xử bị can Nguyễn Hữu Tín (62 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM) và các đồng phạm liên quan đến vụ giao đất ở 15 Thi Sách cho doanh nghiệp.
Nguyễn Hữu Tín bị truy tố về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định tại Khoản 3, Điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015, có khung hình phạt từ 10-20 năm tù.
Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà Phó chánh tòa Hình sự, TAND TP HCM làm chủ tọa phiên tòa và kéo dài đến ngày 30/12. Hiện nay, có 3 luật sư bào chữa cho bị can Nguyễn Hữu Tín trong phiên tòa sắp tới.
Trong vụ án này, bị can Nguyễn Hữu Tín và bị can Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP HCM) đang bị tạm giam tại trại giam T16 (Hà Nội), các bị can còn lại đang được áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Để phục vụ cho công tác xét xử, TAND TP HCM đã yêu cầu cơ quan điều tra di lý bị can Nguyễn Hữu Tín, Đào Anh Kiệt từ trại giam T16 vào trại giam T17 (huyện Củ Chi, TP HCM).
Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, Vũ “nhôm” đã lợi dụng danh nghĩa công ty là tổ chức bình phong của Tổng cục Tình báo Bộ Công an, ký nhiều văn bản hoặc đề xuất lãnh đạo Bộ Công an ký nhiều văn bản gửi UBND TP HCM đề nghị hỗ trợ, tạo điều kiện để được thuê, giao chỉ định nhà đất số 15 Thi Sách nhằm phục vụ công tác nghiệp vụ của ngành công an.
Sau khi được UBND TP HCM cho thuê nhà đất số 15 Thi Sách, Vũ "nhôm" đã hợp tác triển khai thực hiện dự án nhằm mục đích thu lợi cá nhân.
Khu đất số 15 Thi Sách (quận 1) gồm 2.700 m2 nhà và hơn 2.300 m2 đất, được TP HCM cho công ty TNHH MTV Phim Giải Phóng thuộc Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch thuê từ nhiều năm. Đến ngày 23/6/2014, Bộ Công an có công văn đề nghị Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch để công ty Bắc Nam 79 thuê lại khu đất "để phục vụ an ninh", bồi thường gần 30 tỉ đồng. Bốn tháng sau, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Việt Tân gửi công văn cho UBND TP HCM xin thuê đất.
Khi được chấp thuận, công ty Bắc Nam 79 nộp ngân sách chi phí bồi thường tài sản, vật kiến trúc trên đất với số tiền gần 7 tỉ đồng, nhưng được khấu trừ vào tiền thuê đất phải nộp.
Đến tháng 6/2015, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín ký quyết định cho công ty Vũ thuê với thời hạn 50 năm để xây dựng văn phòng làm việc, trả tiền thuê hàng năm. Tuy nhiên ngay sau đó, Vũ đã lập dự án bổ sung chức năng với chiều cao 83 m bao gồm 115 căn hộ, 72 văn phòng và 88 phòng khách sạn.
Vũ sau đó đã ký văn bản thoả thuận với một công ty bất động sản đầu tư xây dựng, sau khi trừ các khoản chi phí thì lợi nhuận sẽ chia đôi. Đến 8/12/2015, Bộ Công an lại có văn bản "đôn đốc" do Thứ trưởng Trần Việt Tân gửi UBND TP HCM đề nghị hỗ trợ, hoàn tất thủ tục cho công ty Bắc Nam 79 để đưa dự án vào triển khai đúng tiến độ.
Dù chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng Vũ Nhôm cùng đối tác đã xây công trình 18 tầng. Cuối năm 2018, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự trung ương kết luận, khu nhà đất này có giá hơn 760 tỉ đồng. Tuy nhiên, trong thời gian chờ phê duyệt giá, các sai phạm liên quan đến Vũ "Nhôm" bị phát hiện nên UBND TP HCM phong toả tài sản này.
Cơ quan điều tra không xác định thiệt hại do chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà chỉ căn cứ vào thiệt hại của Nhà nước là gần 7 tỉ đồng - số tiền Vũ Nhôm được khấu trừ trái pháp luật vào tiền thuê khu đất trên.
Theo cơ quan điều tra, các bị can thừa nhận hành vi phạm tội, có nhiều thành tích trong công tác, không vụ lợi cá nhân nên đề nghị cơ quan tố tụng xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự khi đưa ra xét xử.
Liên quan đến những sai phạm trong việc chuyển giao dự án này, Phan Văn Anh Vũ đã bị TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên phạt mức án 15 năm tù về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ông Trần Việt Tân lãnh 36 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.