Cà Mau muốn phát triển gì cũng phải giữ đất, giữ rừng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Cà Mau xác định tâm thế, năng lực, nhất là kế hoạch phát triển 5 năm cho tốt cũng như kế hoạch phòng chống thiên tai, giữ đất, giữ rừng, như vậy sinh thái Cà Mau mới còn, mới nghĩ đến du lịch và các dịch vụ khác. “Nếu ta mất đất, mất rừng thì khó có sự phát triển”.
Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc.
Sáng 11/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc về tình hình kinh tế - xã hội an ninh quốc phòng với tỉnh Cà Mau.
Năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Cà Mau đạt 7%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 47 triệu đồng. Thu ngân sách hơn 5.500 tỷ đồng. Ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu, 1 chỉ tiêu không đạt là kim ngạch xuất khẩu (1,1 tỷ/1,2 tỷ USD). Tỉnh tiếp tục đứng đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng nuôi tôm nước lợ (khoảng 280 nghìn ha, chiếm 1/3 diện tích của cả nước; sản lượng đạt 208,5 nghìn tấn).
Nhìn nhận một số hạn chế, lãnh đạo Cà Mau cho rằng, tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn thấp so với các tỉnh trong vùng ĐBSCL (tốc độ tăng trưởng chỉ đứng thứ 12/13); là một trong các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Yếu tố địa chất, nền đất yếu, hệ thống kênh rạch đan xen phức tạp dẫn tới suất đầu tư và chi phí xây dựng cao hơn các khu vực khác, giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư.
Lãnh đạo tỉnh Cà Mau có một số kiến nghị lên Thủ tướng như sớm bổ sung quy hoạch điện khí và hệ thống kho chứa khí vào Quy hoạch điện VIII; nâng cấp, mở rộng sân bay Cà Mau.
Nhấn mạnh về vai trò quan trọng của cảng Hòn Khoai là điểm kết nối tuyến hành lang trên biển từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, thời gian qua tỉnh Cà Mau tích cực mời gọi các nhà đầu tư có uy tín, năng lực, kinh nghiệm để tham gia đầu tư thực hiện Dự án cảng biển Hòn Khoai, đến nay cũng đã có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu, đề xuất thực hiện Dự án.
Tuy nhiên nếu địa phương kêu gọi đầu tư sẽ mạnh mún không đồng bộ, vì vậy Cà Mau kiến nghị Thủ tướng xem xét, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đưa Dự án cảng biển Hòn Khoai vào Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2020 để hỗ trợ tỉnh tìm kiếm những nhà đầu tư đủ tiềm năng; Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, lập Quy hoạch xây dựng Dự án cảng biển Hòn Khoai để làm căn cứ sớm triển khai Dự án...
Kết luận buổi làm việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại dư âm của 2 sự kiện có 1 không 2 diễn ra ở nơi cuối cùng của tổ quốc ngày 10/12, đó là được theo dõi, chứng kiến chiến thắng lịch sử của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam, giành Huy chương Vàng tại SEA Games 30 và khánh thành cột cờ Hà Nội và lễ khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Cà Mau 2019 tại Đất Mũi, sự kiện thu hút đông đảo người dân địa phương mà theo lời của Thủ tướng Chính phủ “chưa bao giờ Đất Mũi đông như thế”.
Trả lời trực tiếp những kiến nghị của Cà Mau, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tinh thần là Trung ương tiếp tục phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho địa phương điều hành quản lý tốt những dự án, chương trình đã giao. Tỉnh xác định tâm thế, năng lực, nhất là kế hoạch phát triển 5 năm cho tốt cũng như kế hoạch phòng chống thiên tai, giữ đất, giữ rừng, như vậy sinh thái Cà Mau mới còn, mới nghĩ đến du lịch và các dịch vụ khác. Nếu ta mất đất, mất rừng thì khó có sự phát triển”.
Đối với đề nghị nâng cấp, mở rộng sân bay Cà Mau, người đứng đầu Chính phủ, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đề xuất chủ trương quy hoạch, đầu tư sân bay một cách mạnh mẽ nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch, dịch vụ là hướng quan trọng với Cà Mau.
Với vị trí và tầm quan trọng của cảng Hòn Khoai, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho tỉnh chủ động xây dựng Dự án, Bộ Giao thông vận tải xem xét, góp ý kiến trên tinh thần đầu tư xã hội hóa. Thủ tướng tin rằng, có cảng này, Cà Mau sẽ cất cánh mạnh mẽ hơn, không có cảng, sân bay ở một địa phương xa xôi như thế này thì không thể phát triển được.
Quốc Trung