Giải bài toán chống hàng giả
Cộng đồng doanh nghiệp (DN) nhận định, lâu nay chỉ cố gắng phòng nạn hàng giả nhưng thực tế hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn đang là vấn nạn. Vì vậy, trong khi chờ đợi các cơ quan thực thi vào cuộc, DN buộc phải tự cứu bằng cách đầu tư công nghệ hiện đại,tem chống hàng giả, mã vạch, treo giải thưởng...
Tiêu hủy sản phẩm giả, sản phẩm vi phạm sở hữu trí tuệ.
Doanh nghiệp than phiền
Ông Trần Giang Khuê - Đại diện cục sở hữu trí tuệ tại TP.HCM khẳng định: Mức độ vi phạm hàng giả ngày càng tinh vi từ những vật dụng nhỏ cây kim, cuộn chỉ đến sản phẩm lớn như điện thoại, máy tính. Theo một số cơ quan chức năng, hàng giả đang được bày bán từ các chợ vùng sâu, vùng xa, cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống, trung tâm thương mại và kể cả thương mại điện tử. Hệ lụy của hàng giả, hàng nhái hàng không có nguồn gốc xuất xứ đã ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, DN chân chính, sức khỏe người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Minh Trí -Tổng Giám đốc Công ty TNHH điện tử Minh Tuấn than phiền, công ty có hơn chục năm kinh doanh trong lĩnh vực loa âm thanh với nhãn hiệu BMB nổi tiếng của Nhật. Thời gian gần đây, công việc kinh doanh trở nên khó khăn do thương hiệu giả BMB tràn lan trên mạng, giá chỉ bằng một nửa hàng thật. “Cách bán hàng online đối với hàng giả là có đầy đủ hình ảnh sản phẩm, thông số kỹ thuật… sản phẩm của hàng thật. Giá hàng giả cũng bằng giá hàng thật, nhưng lại giảm giá 50% để thu hút người tiêu dùng và khi giao hàng thì giao hàng giả. Cạnh tranh giá như vậy, làm sao hàng thật chịu nổi”, ông Nguyễn Minh Trí lo ngại. Theo vị này, từ đầu năm đến nay công ty này thiệt hại khoảng 40 tỷ đồng. Chia sẻ “nỗi đau” hàng giả, bà Phạm Thị Đào – Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Anh Đào cho biết, rất nhiều sản phẩm của công ty bị làm giả, làm nhái, thậm chí người làm hàng giả sản phẩm của đơn vị sát bên nhà. Đại diện DN này cho rằng, DN gặp nhiều khó khăn trong khâu phát hiện và xử lý hàng giả. Vì vậy, trong khi chờ đợi các cơ quan chức năng vào cuộc DN buộc phải tự cứu lấy mình bằng cách đầu tư công nghệ hiện đại, tem chống hàng giả, mã vạch,... Ngoài ra, công ty còn tự cứu mình bằng cách treo thưởng với mức 600 triệu đồng cho người nào phát hiện hàng giả nhãn hiệu của DN.
Đồng cảm với nỗi khổ của cộng đồng DN, song theo cơ quan chức năng tình trạng hàng giả lộng hành như hiện nay có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, phía DN ít thông tin về hàng giả. Không phải DN không có mà do DN sợ thông tin hàng giả làm cho sức mua giảm xuống. Thứ hai, có những DN quên đăng ký sở hữu trí tuệ trong và ngoài nước, nếu không đăng ký cơ quan chức năng không thể can thiệp và xử lý được. Thứ ba, DN thờ ơ với công nghệ chống hàng giả.
Nhà nước, doanh nghiệp, người tiêu dùng phải cùng vào cuộc
Trước nạn hàng giả gia tăng trên thị trường như hiện nay, cộng đồng DN nhận định, tất cả chỉ mới đang phòng hàng giả chứ chưa chống hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Lý do, cơ sở sản xuất hàng giả công khai nhưng cơ quan quản lý địa bàn lại không hay biết, không kiểm tra, không xử lý. Mức phạt 30 triệu đồng đối với hành vi vi phạm sản xuất, kinh doanh hàng giả là quá nhẹ. Chế tài chưa đủ liều nên các đối tượng nộp phạt rồi vi phạm tiếp. Rõ ràng, công tác chống hàng giả cần sự phối hợp chặt chẽ đồng bộ của các lực lượng, cơ quan ban ngành từ trung ương đến địa phương. Ông Ngô Bách Phong – Phó Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM chia sẻ: “Suy cho cùng, bài toán để giải quyết hàng giả vẫn là cơ quan quản lý nhà nước, DN, người tiêu dùng. Khi phát hiện hàng giả, cơ quan quản lý nhà nước phải nhanh chóng giải quyết vụ việc hạn chế thiệt hại người tiêu dùng và rủi ro cho DN. Đối với doanh nghiệp, cần quan tâm và tự bảo vệ sản phẩm thông qua việc áp dụng công nghệ, phối hợp chặt với cơ quan nhà nước chống hàng giả. Người tiêu dùng cũng phải có trách nhiệm chống hàng giả. Đừng bao giờ có suy nghĩ, dùng hàng nhái cũng được”.
Nhằm giải quyết tốt công tác chống hàng giả, ông Trần Văn Dũng – Phó Tổng Cục Quản lý thị trường thông tin, sắp tới quản lý thị trường cũng sẽ mở một trang mạng để tăng cường kết nối giữa DN, người tiêu dùng với cơ quan quản lý thị trường để DN và người tiêu dùng nắm được thông tin hàng giả. Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường thường xuyên kiểm tra, phát hiện và xử lý những vụ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Theo lãnh đạo Tổng Cục Quản lý thị trường, song song với phương pháp truyền thống Tổng cục Quản lý thị trường triển khai phương pháp mới. Nghĩa là, toàn ngành áp dụng báo cáo số. Với kế hoạch đề ra, Tổng cục Quản lý thị trường yêu cầu, bất cứ một đoàn quản lý thị trường nào đi kiểm tra, vài giờ phải đưa thông tin lên cổng thông tin nội bộ. Từ đó, Tổng cục Quản lý thị trường nắm được thông tin về hàng giả trong cả nước xảy ra như thế nào. Sau đó phối hợp với các đơn vị liên quan để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chống hàng giả. Tiếp đó sẽ có đánh giá, nhận định, phân tích những nhóm hàng nào, mặt hàng, đối tượng nào, khu vực nào bán và làm hàng giả để có chỉ đạo sát sao hơn.