Thủ tướng và nhiều Bộ trưởng đối thoại với thanh niên
Sáng ngày 12/12, trong phiên làm việc thứ 4, cũng là phiên bế mạc Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VIII, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đối thoại với gần 1.000 đại biểu đại diện của thanh niên Việt Nam với chủ đề “Khát vọng thanh niên Việt Nam - Vì Tổ quốc giàu mạnh và văn minh”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi đối thoại.
Cùng tham gia đối thoại có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân...
Giáo dục lý tưởng cách mạng cho thanh niên
Trả lời câu hỏi đầu tiên về giáo dục lý tưởng cách mạng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, câu hỏi này hết sức cần thiết. Theo Thủ tướng, sau khi luật Thanh niên được ban hành, Chính phủ có chỉ đạo các bộ, các ngành tạo điều kiện cho thanh niên; ban hành những đề án, chỉ thị, nghị định, đặc biệt là đề án về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp...
“Nói chung văn bản thì nhiều. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ đã triển khai khá đồng bộ, nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Chính phủ sẽ rà soát lại và ban hành các nội dung mới hơn, tốt hơn. Tôi lắng nghe ý kiến này để kịp thời điều chỉnh những chính sách tạo điều kiện cho sinh viên”, Thủ tướng nói.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nhấn mạnh, hai bên đều phải chủ động vì sự phát triển đổi mới của đất nước. “Thời đại hiện nay, yêu cầu về sự nhanh nhạy, kịp thời đặt ra rất lớn. Sau khi Đại hội này, chúng tôi sẽ có đề án mới kịp thời hơn, tốt hơn, mang hàm lượng trí tuệ, khoa học, tạo điều kiện cho sinh viên đóng góp, xây dựng đất nước”.
“Một số việc chúng ta đã làm, tôi cho là các bạn đã hết sức cố gắng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, việc hỗ trợ của các cơ quan nhà nước, nhưng chính các bạn là quyết định. Các bạn phải chủ động vươn lên. Nội tại là quyết định, ngoại lực thì chúng tôi sẽ phối hợp với các bạn. Tại đây, tôi đã gặp một số sinh viên có hoàn cảnh rất khó khăn, nhưng các bạn đã vươn lên trong cuộc sống. Cũng giống như các vận động bóng đá nữ đã đá vượt trên 100% sức lực của mình”.
“Như ông Park Hang-seo đã gọi Đoàn Văn Hậu về, để đánh đầu vào lưới đội bạn 2 quả. Nhà nước tạo điều kiện phát huy như vậy. Chính phủ sẽ đồng hành, chúc các bạn thành công”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trò chuyện với các đại biểu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Duy Quân, Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên TP HCM, về giải pháp giúp thanh niên có thể tiếp cận các kiến thức, thông tin về lý luận, chính trị dễ hiểu hơn và theo hướng thu hút, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, lý tưởng cách mạng, "nôm na" là hồng và chuyên. Chúng ta yêu nước, chúng phải kiên định truyền thống dân tộc, con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng đã chọn.
Bạn hỏi có cách nào để thu hút tâm huyết hơn để học các kiến thức, thông tin về lý luận, chính trị, tôi hỏi chính các bạn, các bạn đã tâm huyết chưa?. Chính phủ đã quy định về chương trình giáo dục từ lớp một trở lên đều lồng ghép các nội dung giáo dục lý luận, chính trị, trường nước ngoài cũng phải theo, lồng ghép các nội dung đó.
Tới đây, đổi mới phương thức giảng dạy. Nhưng vấn đề chính các bạn. Chính phủ đã có nhiều giải pháp rồi nhưng có thêm một giải pháp, cần nâng cao trách nhiệm của Hội Sinh viên và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của của anh Trần Đình Trung, Phó chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ TP Đà Nẵng, liên quan tới Chính phủ đã có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ các tổ chức của thanh niên tham gia hơn nữa vào chương trình Sức khỏe Việt Nam, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục đặt câu hỏi ngược lại: Các bạn, hàng sáng dù ốm cũng tập thể dục chưa?
"Tôi sinh ra sài đẹn, ốm còi, nhưng đến giờ này ốm hầm hập tôi vẫn tập thể dục. Tôi vui vì Thủ tướng hôm qua gặp 2 đội tuyển bóng đá nói các bạn đá hơn 100% sức lực nên giành chiến thắng, các bạn vui, vỗ tay. Còn tôi nói rằng, các bạn hãy dành 100% chưa cần hơn cho việc rèn luyện đức, trí, thể mỹ. Hỏi ngược lại các bạn, làm gì tới đây đáp ứng khát vọng của dân tộc này. Việt Nam muốn giàu lên cần giúp đỡ, hợp tác nước ngoài nhưng quan trọng nhất là chính chúng ta. Nhà mình bẩn không thể nhờ hàng xóm đến quét sạch được", ông Đam nói.
Anh Ngô Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn Thái Nguyên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh Thái Nguyên hỏi Thủ tướng về những giải pháp nào để “tiếp sức” cho Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và hỗ trợ cho thanh niên?.
Đại đức Thích Chánh Thuần, trụ trì chùa Phúc Lâm (xã Cao Xá, huyện Thường Tín, Hà Nội), Đoàn đại biểu Hà Nội, nêu câu hỏi câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đề nghị cho biết, sắp tới Bộ sẽ làm gì để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp góp phần phát triển văn hóa ứng xử giao tiếp của thế hệ trẻ nói riêng và người Việt nói chung có bản sắc, giàu tính truyền thống, nhân văn và văn minh?...
Theo Thủ tướng, “người ta thường nói không phải thanh niên phải làm gì cho Tổ quốc chứ không phải Tổ quốc làm gì cho thanh niên. Chúng tôi đến Đại hội để nói rằng các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp phải tạo điều kiện cho thanh niên có điều kiện phát triển tốt nhất, tạo môi trường cần thiết cho thanh niên”.
"Nó cũng như bóng đá chiến thắng thôi, chúng ta thắng được bởi vì ý chí của đội bóng, từng vận động viên, tài năng của huấn luyện viên. Đằng sau bóng đá là ý chí dân tộc, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chúng ta", Thủ tướng nói.
Thủ tướng cho rằng, các đại biểu đề nghị Chính phủ, bộ, ngành việc này việc khác ông rất hoan nghênh. Ông và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, cùng các bộ trưởng sẵn sàng trả lời các câu hỏi.
"Có gì cần nói các bạn cứ nói để tạo không khí thân thiết hơn. Hãy nói điều gì các bạn cần nói với Thủ tướng, bộ, ngành. Chúng ta chân thành để tạo không khí thân mật cho cuộc đối thoại hôm nay", Thủ tướng nói thêm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng Đại hội Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam khóa VIII.
Thanh niên luôn đi đầu, xung kích
Sau khi được Thủ tướng khuyến khích hỏi những câu không có trong kịch bản, người điều hành phiên đối thoại đã cho biết: “Từ bây giờ chúng tôi sẽ không dùng app nữa mà đề nghị các đại biểu giơ tay để hỏi”.
Thủ tướng tiếp tục đề nghị các đại biểu thanh niên “phải đặt câu hỏi cho mấy ông Bộ trưởng trực tiếp ấy, ông giải quyết việc làm, ông chính sách kinh tế, ông chính sách tín dụng... Đặc biệt là ông Nguyễn Mạnh Hùng (Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông) và ông Chu Ngọc Anh (Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ). Hỏi xoáy vào mấy Bộ trưởng này, để họ giải đáp những điều trực tiếp các bạn thấy là vướng mắc”.
Sự thay đổi đáng chú ý đến tiếp sau đó là người điều hành đã mời “đại biểu ngồi hàng đầu” và đề nghị giới thiệu tên trước khi đặt câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Phong, Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai, đặt câu hỏi với Thủ tướng về việc Quốc hội đã thông qua Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số và vùng khó khăn, khiến người dân rất vui mừng. Vậy, thanh niên có dáng dấp trong đề án đó không, đâu là những chính sách cụ thể cho thanh niên?.
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết: “Đề án về chính sách dân tộc miền núi là một chính sách quốc gia. Đây là giải pháp Đảng, Nhà nước đưa ra để giảm khoảng cách phát triển giữa miền xuôi và miền núi. Chúng tôi đã đưa ra các đề án thành phần, trong đó có đóng góp của thanh niên. Đây là vấn đề đang xây dựng, anh Nguyễn Chí Dũng sẽ nói rõ thêm, nhưng trong bất kỳ đề án nào thanh niên cũng là đi đầu, xung kích”.
Mỗi thanh niên là một đại sứ trong giữ gìn truyền thống tốt đẹp
Tiếp tục trả lời câu hỏi của anh Trần Duy Quân, Ủy viên Ban Thư ký Hội Sinh viên TP HCM, về giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống cho thế hệ trẻ, ông Nguyễn Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo, cho hay hiện Bộ Giáo dục - Đào tạo đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương dưới sự chỉ đạo Ban Bí thư đang tích cực rà soát, xây dựng chương trình giáo dục lý luận chính trị mới trong cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, nhiều nội dung, phương pháp môn học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ đổi mới để lôi cuốn người học hơn. "Hiện cơ bản đã làm xong việc này và ban hành chương trình mới trong thời gian sắp tới", ông Nguyễn Văn Phúc cho hay.
Nói rộng về vấn đề liên quan tới giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống, ông Nguyễn Văn Phúc cho hay, Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo đã nhấn mạnh dạy chữ đi song song với dạy người. Toàn bộ hệ thống giáo dục đào tạo đã nhấn mạnh nội dung này.
"Vừa qua, sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29, Ban Bí thư cũng nhấn mạnh phải tăng cường nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống. Để xây dựng đất nước giàu lên thì phải có văn hóa, giữ gìn truyền thống tốt đẹp thì mới thực sự xây dựng đất nước hạnh phúc. Mong Hội Liên hiệp Thanh niên, mỗi đại biểu là một đại sứ trong việc này vì đây là trách nhiệm chung của chúng ta. Bộ Giáo dục - Đào tạo, Chính phủ cố gắng hết sức nhưng mỗi bạn phải cùng chung tay góp sức vào, đi đầu gương mẫu để đất nước chúng ta khi giàu có thì văn minh, hạnh phúc", Thứ trưởng Phúc nói.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại phiên bế mạc.
Mong thanh niên là tấm gương để xây dựng một xã hội văn minh
Bà Trịnh Thị Thuỷ, Thứ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, trả lời câu hỏi của đại biểu về giải pháp để xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh.
Theo bà Thuỷ, giải pháp đã triển khai rất nhiều, có nhiều văn bản hướng dẫn và quy định của pháp luật như đã có Nghị quyết 33 về xây dựng con người Việt Nam, trong đó có văn hoá ứng xử trong gia đình. “Chúng ta có nhiều chương trình, đề án và bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình Việt Nam. Theo tôi, đấy là một giải pháp quan trọng, vì phải bắt nguồn từ giáo dục đạo đức lối sống từ gia đình”.
Bên cạnh đó là giáo dục đạo đức lối sống trong trường học; giáo dục ứng xử trong cộng đồng xã hội. "Chúng ta cũng đã có chiến lược và toàn dân xây dựng đời sống văn hoá, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh… Tuy nhiên, cần ý thức được trách nhiệm của mỗi cá nhân và vị trí trong việc thực hiện”, bà Thuỷ nói.
Theo bà Thuỷ, vai trò của thanh niên rất quan trong, những việc làm, ứng xử của thanh niên có tác động mạnh mẽ đến toàn xã hội. Mong thanh niên là tấm gương để xây dựng một xã hội văn minh.