Gỡ vướng cho 'tàu cá 67'
Kể từ khi Nghị định số 67/2014/NĐ – CP (Nghị định 67) của Chính phủ về phát triển thủy sản có hiệu lực, đến nay cả nước đã phát triển được 1.030 tàu cá công suất trên 800 CV bằng chất liệu sắt, composite và gỗ. Thủ tướng cũng chỉ đạo 28 tỉnh, thành phố tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định 67 và trong tháng 12 này, Chính phủ sẽ đề ra giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân. Thực tế cho thấy, sau 5 năm thực hiện Nghị định 67, vướng mắc lớn nhất là nợ xấu của ngư dân với ngân hàng, bảo hiểm tàu cá và tư duy đánh bắt của ngư dân.
Tàu cá vỏ sắt nằm bờ tại các địa phương miền Trung.
Nghị định 67 ra đời, tạo luồng sinh khí mới cho hoạt động đánh bắt của ngư dân trên cả nước nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ những vướng mắc cần tháo gỡ, dẫn đến tình trạng hàng chục tàu cá vỏ thép công suất lớn ở 6 địa phương duyên hải miền Trung từ Quảng Trị đến Ninh Thuận phải nằm bờ, không thể ra khơi. Để phát huy hiệu quả của tàu cá vỏ thép công suất lớn, ngày 29/8/2017, tại TP Đà Nẵng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ NN&PTNT, UBND TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội thảo “Sửa đổi Nghị định 67 - Những vấn đề cần đặt ra, nhằm tháo gỡ khó khăn bất cập về chính sách và thực tiễn”.
Tại Hội thảo này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho rằng, cùng với đầu tư hạ tầng (cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão) chưa đồng bộ; chính sách tín dụng vẫn còn những hạn chế, bất cập, doanh nghiệp bảo hiểm không tiếp tục thực hiện bảo hiểm theo Nghị định 67 nên nhiều tàu cá vỏ thép đang đóng mới (hoặc đã đóng xong) nhưng không có bảo hiểm nên không đi biển được.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng chia sẻ, trước đây, ngư dân Quảng Trị đóng tàu vỏ gỗ, mỗi tháng thu về hàng trăm triệu đồng, mỗi năm thu vài tỷ đồng rất nhẹ nhàng nhưng khi vay khoản tiền lớn lên đến vài chục tỷ đồng đóng tàu vỏ thép lại phải gồng mình trên từng chuyến biển để lo trả lãi ngân hàng.
Vì vậy rất cần phải có chính sách phù hợp đi kèm, chẳng hạn như kéo dài thời gian hoàn vốn lên đến 20 năm. Cùng với đó, các khu hậu cần dịch vụ, hạ tầng neo đậu cũng phải đầu tư đồng bộ.
Chính sách chưa sát với thực tiễn cũng được nhiều đại biểu dự Hội thảo này nhìn nhận, là cơ hội để doanh nghiệp đóng tàu “trục lợi”. Ngư dân Đinh Công Khánh, đại diện cho các ngư dân đóng mới tàu vỏ thép ở Bình Định dẫn chứng, ông vay ngân hàng 18,7 tỷ đồng để thuê Công ty Nam Triệu đóng tàu vỏ thép, thay thế tàu vỏ gỗ truyền thống. Trong các năm 2015, 2016 ông Khánh phải 8 lần từ Bình Định ra Hải Phòng để theo dõi việc đóng tàu. Tháng 9/2016 khi đưa con tàu vừa đóng mới mang số hiệu BĐ 99086 TS ra đánh bắt tại vùng biển Trường Sa thì xảy ra sự cố hầm đá không bảo đảm làm ông lỗ 280 triệu đồng. Tháng 3/2017, tàu mới ra khơi cách bờ 10 hải lý thì hỏng máy, nằm bờ luôn đến bây giờ. Từ chỗ đi tàu vỏ gỗ thu nhập bình quân 1 tỷ đồng/năm, ông Đinh Công Khánh phải lơ lửng trên đầu món nợ ngân hàng không biết bao giờ mới trả được do gặp phải doanh nghiệp đóng tàu làm ăn gian dối.
Nợ xấu sau khi đóng tàu cá công suất lớn theo Nghị định 67 tiếp tục là vấn đề được các đại biểu Quốc hội làm nóng lên tại nghị trường trong phiên chất vấn ngày 6/11/2019. Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng: Nợ xấu chiếm 33% trong tổng dư nợ 10.500 tỷ đồng cho vay theo Nghị định 67. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ cùng Bộ NN&PTNT và Bộ - ngành liên quan, hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu.
Phần lớn tàu cá công suất lớn nằm bờ, hư hỏng hiện nay, kéo theo nợ xấu của ngư dân với ngân hàng, là tàu vỏ sắt. Theo thông tin mới nhất từ Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tính đến tháng 11 năm nay, cả nước có 40 tàu cá vỏ sắt hư hỏng, trong đó có 21 tàu hư hỏng nặng cần nhiều thời gian khôi phục mới có thể ra khơi trở lại.
Nợ xấu của tàu cá đóng mới theo Nghị định 67 không chỉ là bài toán nan giải của các ngân hàng mà còn khiến nhiều ngư dân lâm vào hoàn cảnh bế tắc. Đà Nẵng là địa phương phát triển mạnh về kinh tế biển nhưng trong số 9 tàu cá được đóng mới theo Nghị định 67 thì có 7 tàu không thể vươn khơi. Chủ của các tàu cá vỏ sắt này đều là những ngư dân lão luyện nghề đi biển nhưng đành phải ngậm ngùi nhìn con tàu đóng mới bằng hàng chục tỷ đồng vốn vay, trở thành đống phế liệu theo thời gian.
Gỡ vướng cho tàu cá theo Nghị định 67 cũng cần đi kèm với giải pháp thay đổi tư duy quản lý và thói quen đánh bắt bao đời nay của ngư dân. Hàng vạn ngư dân từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái không thể một sớm một chiều thích nghi ngay với con tàu có tải trọng, công suất lớn. Khi đặt ngư dân (trong đó có cả những ngư dân lão luyện) lên con tàu lớn, thì cũng cần có cơ chế đào tạo để họ không chỉ trở thành thuyền trưởng, nhà hàng hải đúng nghĩa mà còn là nhà quản lý, quyết định thành công, thất bại sau mỗi chuyến ra khơi.