Chống tham nhũng trong đầu tư cơ sở hạ tầng
Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng được coi là “xương sống” cho tăng trưởng kinh tế và là động lực cho sự phát triển xã hội, tạo nền tảng quan trọng để Nhà nước cung cấp các dịch vụ công cơ bản đến với người dân.
Là một quốc gia đang phát triển cho nên nhu cầu đầu tư cho hạ tầng tại Việt Nam là rất lớn. Nhu cầu đầu tư cho cơ sở hạ tầng thông qua các dự án có quy mô lớn ngày càng tăng vọt trong những năm gần đây cũng kéo theo đó nguy cơ tham nhũng lớn trong các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đầu tư các dự án hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP) đang bộc lộ những kẽ hở qua đó tăng nguy cơ dẫn đến việc thất thoát, lãng phí. Việc công khai, minh bạch về danh mục dự án là yếu tố quan trọng trong việc tăng cường tính cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả công tác lựa chọn nhà đầu tư và hiệu quả dự án nhưng thực tế hiện nay qua thanh tra, kiểm tra cho thấy, đa số các dự án PPP không thực hiện công bố danh mục dự án theo quy định.
Theo ông Lê Quốc Đạt- Phó Chánh Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì tình trạng danh mục dự án PPP không được công khai là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt dự án chỉ định nhà đầu tư. Nguy cơ tham nhũng trong việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án PPP là rất rõ ràng.
Chống tham nhũng trong đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng là vấn đề đã được Đảng, Nhà nước quan tâm đẩy mạnh trong thời gian qua. Cũng vì lẽ đó mà tại các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trên cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng luôn yêu cầu các cơ quan chức năng quán triệt và đẩy mạnh PCTN trong lĩnh vực này. Qua đó làm sao để nguồn lực xã hội của đất nước vốn khó khăn nhưng phải đầu tư có trọng điểm, phát huy được lợi thế để các công trình sớm đi vào hoạt động nhằm phát huy được tính hiệu quả, phục vụ đời sống nhân dân.
“Hối lộ toàn cầu ước tính khoảng 1.000 tỷ USD và tham nhũng trên toàn thế giới lên đến 2.600 tỷ USD, chiếm 5% GDP hàng năm”- theo ông Francesco Checchi - Cố vấn khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương về PCTN đưa ra khi đến Việt Nam nhân Ngày quốc tế PCTN (20/12). Đó được coi là một lời “cảnh tỉnh” cho các quốc gia, nhất là những nước đang phát triển. Bởi trong bối cảnh hiện nay ngân sách của các nước đang phát triển bị mất đi do tham nhũng được Chương trình phát triển Liên hợp quốc ước tính gấp 10 lần giá trị viện trợ chính thức, và trên thực tế con số này có thể lớn nhiều lần. Do đó rất cần có sự chung tay với sự tham gia của toàn xã hội trong quá trình xây dựng, thực hiện và giám sát chính sách PCTN.
Mới đây, dự Hội nghị khu vực lần thứ 10 Sáng kiến PCTN trong các dự án cơ sở hạ tầng khu vực châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Việt Nam, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã khẳng định một quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về quyết tâm của Việt Nam trong việc cùng với các quốc gia trong khu vực thúc đẩy các giải pháp hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng, kịp thời phát hiện, phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng, hối lộ. Phó Thủ tướng yêu cầu: Thực hiện các biện pháp công khai minh bạch thông tin và xây dựng cơ chế giám sát quá trình thực hiện các nhiệm vụ có liên quan đến phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là quá trình đầu tư, triển khai các dự án. Qua đó, xây dựng môi trường xã hội, môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh, liêm chính, tạo điều kiện thuận lợi và bền vững cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài làm ăn và sinh sống tại Việt Nam.
Tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản có thể xảy ra ở hầu hết các khâu, từ lập dự án, khảo sát, thiết kế, đầu tư đến thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình. Sự yếu kém trong quản lý kinh tế, sự sơ hở và thiếu đồng bộ của hệ thống các văn bản pháp quy về quản lý, kiểm tra, giám sát trong đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó là vai trò của cơ quan chủ quản trong việc tuân thủ pháp luật, và trách nhiệm cũng như đạo đức nghề nghiệp của những người làm công tác xây dựng. Ðảng, Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo quan trọng nhằm ngăn chặn tình trạng thất thoát, tham nhũng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng. Nhưng có một yếu tố cần được lưu ý chính là phải đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; công khai, minh bạch và phải có sự giám sát của cộng đồng. Chỉ có như thế đối tượng có ý định tham nhũng mới chùn tay.