Không để nông dân 'tự bơi'
67% dân số cả nước hiện đang sinh sống tại khu vực nông thôn. Nông nghiệp được coi là trụ đỡ của nền kinh tế, vai trò của nông dân vì thế rất quan trọng. Cơ cấu lại nông nghiệp, chấm dứt “điệp khúc được mùa rớt giá” cũng như đem lại cuộc sống vật chất, tinh thần tốt hơn cho người nông dân vì thế là mục tiêu chiến lược, không để nông dân “tự bơi”.
Ngày mùa. Ảnh: Phước Nguyễn.
Tam nông là vấn đề trọng yếu của đất nước khi 67% dân số đang sinh sống tại khu vực nông thôn. Không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, nông nghiệp còn là “trụ đỡ” của nền kinh tế, tránh những “cú sốc” do tác động của kinh tế thế giới đối với nền kinh tế Việt Nam. Khi đối thoại với hơn 300 nông dân, đại diện cho nông dân Việt Nam trên cả nước hồi đầu tuần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt vấn đề “Nhà nước đã quan tâm nhưng nông dân phải tự đổi mới”. Nhưng một trong những điều quan trọng là trong tình hình thị trường đã thay đổi, để nông dân phát triển có vai trò rất lớn của Nhà nước trong thiết kế chính sách gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Quy hoạch dựa trên dự báo thị trường
Thời gian qua, tình trạng “được mùa rớt giá” nhiều loại nông sản thường xuyên lặp lại như một “điệp khúc” buồn. Những nguyên nhân chủ quan từ phía người nông dân cũng đã được đề cập tới như: Tình trạng sản xuất manh mún, thiếu tập trung theo kiểu tự phát, không chủ động trong khâu phân phối sản phẩm sau thu hoạch; sản xuất lúa thiếu tính bền vững, sử dụng vật tư đầu vào chưa hiệu quả, thất thoát sau thu hoạch còn lớn. Nguyên nhân chủ yếu được các chuyên gia kinh tế xác định nằm ở việc quy mô nông hộ nhỏ, cơ giới hóa khó khăn, mối liên kết “4 nhà” còn lỏng lẻo. Riêng về thể chế, chính sách cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao đang còn những lực cản, nhất là chính sách về hạn điền, do đó cần những cơ chế để hỗ trợ giúp nông dân cởi bỏ những” nút thắt”, tạo điều kiện cho người nông dân vươn lên để nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Thào Xuân Sùng, một trong những khó khăn, vướng mắc hiện nay của nông dân chính là vấn đề tiêu thụ nông sản ổn định, đảm bảo nông dân có lãi. Để giải quyết được vấn đề khó khăn này cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ và xuyên suốt. Tất cả các giải pháp đó sẽ tập trung cho việc xây dựng các chuỗi giá trị nông sản đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật, số lượng, chất lượng cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng thấy đang còn nhiều vướng mắc trong xuất khẩu. Cụ thể, sản lượng đạt rất lớn nhưng năng lực cạnh tranh chưa ổn định do quy mô sản xuất nhỏ, không ổn định, chưa tổ chức sản xuất tốt, không có biện pháp điều hành mùa vụ tốt nên câu chuyện được mùa mất giá thường xuyên xảy ra, do đó cần tính đến tổ chức lại sản xuất, nhân rộng mô hình hợp tác xã, ổn định quy mô, đảm bảo phát triển thị trường. Ngoài ra, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, thời gian tới, công tác nghiên cứu, dự báo về thị trường cần đẩy mạnh; một số chính sách về đất đai cần đẩy mạnh để tạo ra nguồn lực lớn hơn, giúp công nghiệp chế biến được nâng cao cạnh tranh, đảm bảo chất lượng sản phẩm, bảo vệ thị trường nội địa trước sự cạnh tranh hàng hoá ngoại nhập. Đồng thời, bản thân người dân phải đổi mới, tiếp cận thị trường để chủ động tái cơ cấu lại.
Khi đề cập đến vấn đề nông nghiệp, làm sao để nông nghiệp phát triển bền vững vì sau nông nghiệp là người nông dân, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng: Cần khuyến khích mô hình tập trung ruộng đất, liên kết các mảnh đất khác nhau của nhiều người để cùng khai thác. Đây là mô hình tiến bộ, nhân bản nhất, giải quyết tâm lý sở hữu đất của nông dân. Nông dân có thể yên tâm vì mình vẫn sở hữu đất, trong khi có thể tập trung canh tác quy mô lớn. Cho nên cần khuyến khích mô hình tập trung ruộng đất theo quy mô phù hợp năng lực, trình độ sản xuất hiện nay do một nông dân, hợp tác xã đứng lại thuê để canh tác. Do đó, Nhà nước cần có chính sách đặc thù, ưu đãi cho loại hình này. Bởi nếu rào cản này được tháo gỡ sẽ tác động lớn đến nông nghiệp như giúp dễ tiếp cận công nghệ mới, tập trung ruộng đất, sản xuất giá trị cao.
ĐBQH Mai Thị Ánh Tuyết. Ảnh: Quang Vinh.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, bà Mai Thị Ánh Tuyết - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – nêu vấn đề: Cần đẩy nhanh tiến trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu ngành nông nghiệp khi ngành nông nghiệp nước ta chậm chuyển dịch so với xu thế chung của nông nghiệp thế giới hiện nay. Vì vậy, Chính phủ cần sớm có giải pháp tháo gỡ, có quy hoạch định hướng dựa trên dự báo thị trường để tránh người dân đổ xô trồng thanh long, dưa hấu và đang đổ xô trồng cam, xoài dẫn tới nguy cơ phải “giải cứu”, tháo gỡ tình trạng khó tiếp cận đất đai của doanh nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị thích ứng với thị trường, phù hợp với điều kiện, khả năng, trình độ của Việt Nam.
“Tái cơ cấu” lại quy định về bảo lãnh tín dụng
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú, năm 2017, Chính phủ đã có nghị định để chỉ đạo, sau đó ngành ngân hàng có văn bản triển khai chủ trương này. Xác định đây là vấn đề rất lớn, chính vì thế cam kết là có 100.000 tỷ đồng cho vay tín dụng công nghệ cao theo chỉ đạo của Thủ tướng. Đây là gói tín dụng lớn nhất từ trước đến nay, sau đó có 8 ngân hàng thương mại sẵn sàng cho vay gói này. Gói này trước hết là lãi suất giảm so với lãi suất cho vay thông thường, kể cả ngắn và trung, dài hạn, từ 1-1,5%. Sau đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản quy định như thế nào là dự án, chương trình ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo đúng đối tượng ưu đãi.
Ông Đào Minh Tú cũng cho biết: Đến nay với chính sách ưu đãi như vậy đã có doanh số 53.000 tỷ đồng, dư nợ 38.000 tỷ đồng cho 17.000 khách hàng vay vốn liên quan ứng dụng công nghệ cao; trong đó tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 90%. Riêng lĩnh vực tín dụng ngân hàng hiện nay tổng dư nợ của cả nước là khoảng 8 triệu tỷ đồng, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là 2 triệu tỷ đồng. Như vậy lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được ưu tiên tập trung vốn tín dụng một cách tích cực và nhanh hơn các lĩnh vực khác.
Bộ đội gặt lúa giúp dân trong mùa mưa bão.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói với PV Báo Đại Đoàn Kết: “Người nông dân tùy thuộc vào những biến động của thị trường, lúc được mùa mất giá, được giá lại mất mùa, cho nên việc Chính phủ cần “đặt hàng” cho người nông dân trong sản xuất nông sản, thực phẩm, hải sản thì họ mới có sơ sở để sản xuất theo đúng đơn “đặt hàng” và bảo đảm đời sống của họ ổn định hơn.
Tuy nhiên việc “đặt hàng” cần đi kèm với hỗ trợ về mặt tài chính, bởi trước đây Chính phủ đã có gói tín dụng 50.000 tỷ đồng cho nông nghiệp, sau đó nâng lên thành 100.000 tỷ đồng. Bây giờ cần tiếp tục triển khai hiệu quả các gói tín dụng hỗ trợ người nông dân có vốn để nuôi trồng, sản xuất và chế biến, đặc biệt phải tái huấn luyện người nông dân trong sử dụng đồng tiền như thế nào, vì người nông dân ít quan tâm đến tài chính nên đó là thiếu sót nên người nông dân cần được trang bị những kiến thức về tài chính để quản lý dòng tiền. Trong các chương trình hỗ trợ có bảo lãnh tín dụng nhưng các Quỹ bảo lãnh tín dụng tại địa phương hoạt động không hiệu quả, những Quỹ đó cần được tập trung trên Trung ương sau đó phân bố xuống các tỉnh. Vì nếu để địa phương thành lập các Quỹ bảo lãnh tín dụng trong khi tiền không có nên chỉ bảo lãnh 2-3 vụ là hết quỹ, cho nên Quỹ cần tập trung thông qua việc sửa đổi lại Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó cần “tái cơ cấu” lại quy định về bảo lãnh tín dụng”.
Nhà nước phải thể hiện vai trò “dẫn dắt”
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng: Để người nông dân không phải “tự bơi”, Nhà nước cần có cơ chế “đặt hàng” đối với người nông dân nằm ở quy hoạch “tín hiệu thị trường” để người nông dân sản xuất. Bởi Nhà nước có vai trò dẫn dắt, nên cần có quy hoạch trên cả nước, phân vùng để liên kết các sản phẩm với nhau, không nên để người dân phát triển tự phát, “tự bơi”. Hiện nay đang có việc người nông dân thấy thị trường phát triển thì bỏ cây này trồng cây khác, bỏ con này nuôi con khác, do đó cần phân bố quy hoạch vùng sản phẩm trên cả nước. Người nông dân phải quan tâm tới thị trường, song Nhà nước phải định hướng thị trường cho người nông dân. Vì người nông dân không thể biết rõ thị trường nên trên cơ sở những mặt hàng chủ lực Nhà nước cần có định hướng tác động không để nông dân tự phát, mạnh ai nấy trồng. Đồng thời các bộ, ngành, địa phương cần tác động khoa học kỹ thuật vào các cây con chủ lực, đang định hướng để tập trung vào nuôi trồng một cách trọng tâm, trọng điểm. Tái cơ cấu phải gắn với doanh nghiệp theo chuỗi xây dựng thương hiệu, người dân công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Phải đồng bộ mới phát huy được hiệu quả, song vai trò Nhà nước rất quan trọng trong dẫn dắt, có chính sách thu hút doanh nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết.