Người tử tế bị lợi dụng
Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện không ít tin xấu, sai lệch. Đáng chú ý, nó lại “bám” vào tên tuổi người có uy tín, được xã hội thừa nhận, để rồi gán cho họ những phát ngôn xấu. Chính vì thế, mức độ lây lan là rất lớn, vì nhiều người tin.
Không tin sao được khi chính người tài, người tử tế nói ra.
Nhưng còn “kinh” hơn khi những thông tin sai lệch ấy mà người trong cuộc (tức là đối tượng bị phỉ báng) lại tin chắc rằng họ đang bị chính những người tài năng, uy tín nói ra. Như thế làm gì mà chẳng đau lòng.
Mới đây, một cầu thủ đội nam của ta đã buộc phải “trải lòng” trên Facebook, kèm đó là sự tủi hờn pha lẫn hoang mang. Chỉ vì anh bị những người có học hàm học vị hẳn hoi, cả nhà văn nhà thơ, cả Tổng Biên tập báo “dẫn lời” anh, mà lại dẫn không đúng. Người ta đọc thấy thì tin ngay rằng anh nói thế thật, và dĩ nhiên là anh phải “lãnh gạch đá”, chí ít là của cộng đồng mạng, trong đó có những người vốn tin anh, yêu quý anh.
Dĩ nhiên, là người tử tế thì sự thị phi không dễ gì làm hại được. Nhưng cũng không phải là không “sứt mẻ”.
Cũng chuyện này, ngay đến ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cũng bị “dân ngáo mạng” đem ra tung hứng. Nói về chuyện xe công, họ cắt xén câu chữ, làm như ông Kiên ủng hộ sự lãng phí, đặc quyền đặc lợi của lãnh đạo. Khi nói về nợ công quốc gia, Trạm thu phí BOT, các dự án BOT, giá xăng dầu… ông Kiên hoàn toàn có quyền phát biểu về những việc ấy, và đương nhiên là chịu trách nhiệm về phát ngôn của mình với vị trí công việc của ông. Nhưng nó cũng lại bị cắt xén câu chữ, khiến người ta nghe mà giật mình. Chẳng lẽ một vị “quyền cao chức trọng”, một chuyên gia sâu trong lĩnh vực lại nói như thế?
Thủ thuật cắt xén câu chữ (nhắm vào những người có chức quyền, uy tín, nổi tiếng) rồi tung lên mạng có lẽ không chỉ nhằm mục đích câu like, chứng tỏ sự sắc sảo của mình… mà còn nhắm đến cái đích xa hơn: Nhiễu loạn đúng sai, phải trái, hạ uy tín, bôi bẩn người khác. Hạ uy tín, bôi bẩn người bình thường thì không ăn ai, phải kéo người có chức có quyền, người nổi tiếng vào mới “hiệu quả”.
Xin được nói lại, điều đó làm loạn mạng xã hội, tác động xấu rất khó lường hết.
Đáng tiếc là những người bị lợi dụng ấy lại khó nói lại, vì có nói lại rành rẽ đi chăng nữa thì cũng đã bị bôi bẩn mất rồi. Có khi lại là “mồi” cho những đối tượng khác đang giương bẫy lên để tiếp tục ném đá.
Nhưng, cũng không thể để tình trạng xấu xí ấy tồn tại, hoành hành ngang ngược mãi trên mạng xã hội. Nhân đây, cũng cần nhắc lại: Theo quy định tại Ðiều 37 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì “Danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ”. Còn tại Điều 611 của Bộ luật này đã quy định cụ thể người xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ phải chịu những chế tài thích đáng của pháp luật, trong đó phải bồi thường vật chất khi quyền lợi vật chất của người đó bị xâm phạm; cũng như phải bồi thường “một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu”.
Đã đến lúc không thể “mặc kệ” thị phi, lợi dụng, làm mất uy tín của người nổi tiếng để cầu lợi cho riêng mình, làm nhiễu loạn mạng xã hội. Một mặt, người bị lợi dụng rất cần phải lên tiếng để bảo vệ mình; mặt khác cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải vào cuộc, ra tay xử lý. Nếu không, hôm nay người này bị bêu riếu, thì ngày mai ngày mốt lại thêm nhiều người khác vạ lây.