Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong: Cha mẹ và quê hương là nền móng khởi nguồn cho ham thích nghệ thuật

Việt Quỳnh (thực hiện) 15/12/2019 08:00

Sinh ra miền núi Lai Châu, bố là người Mường và mẹ là người Thái Trắng, thiên nhiên, văn hóa con người Tây Bắc ẩn rất sâu trong tư tưởng của họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong. 20 tuổi bắt đầu nổi tiếng, từ năm 28 tuổi đến nay, các tác phẩm mỹ thuật của Thắm Poong xuất hiện tại nhiều triển lãm quốc tế và được nhiều nhà sưu tập lựa chọn vì tranh của chị mang quan điểm tư duy gần một triết học riêng biệt với những nỗ lực sáng tạo nghệ thuật không ngừng.

Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong: Cha mẹ và quê hương là nền móng khởi nguồn cho ham thích nghệ thuật

Họa sĩ Thắm Poong.

PV:Hội hoạ đã đến với chị bắt đầu như thế nào?

Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong: Hội hoạ đến với tôi từ bé tí khi tôi thích bắt chước các hành động của người lớn, tôi bắt chước việc vẽ pano sân khấu của cô hoạ sĩ ở đoàn văn công của mẹ tôi chẳng hạn. Mà thật ra việc thích vẽ của tôi khi bé cũng giống bao trẻ con vẫn thích vẽ... cũng không có gì đặc biệt dài dòng!

Chị chia sẻ về những bức tranh mà chị đã vẽ từ những ngày đầu tiên ấy?

- Tôi không còn giữ những bức tranh ngày nhỏ tôi đã vẽ, tôi thích làm một cái gì đó như điêu khắc, đục đẽo, thêu thùa… Tôi chỉ cố bắt chước những tranh tượng hoặc đồ vật được miêu tả và xem hình ảnh trong sách của cha tôi, nhưng tôi biết chắc là không giống được, vậy thì tôi làm theo cách của tôi thôi. Những điều đã xem trong sách vở thấy thật vĩ đại và tươi sáng. Tôi từng ước được cảm thấy hoặc làm được chút gì khác biệt khi tôi lớn, và những điều đó nâng sự khéo léo và kiên nhẫn của tôi lên dần khi tôi còn nhỏ. Người lớn khi đó rất dễ khen, họ thường khen tôi và thâm tâm, tôi nghĩ, họ chỉ thích động viên tôi mà thôi.

Chị bắt đầu nuôi dưỡng tình yêu với mỹ thuật như thế nào và con đường để bước chân vào Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam có khó khăn đối với cô bé đến từ vùng cao như chị không?

- Với một người như tôi lúc bấy giờ (từ năm 1987 đến 1993 là tính cả những năm luyện thi) khó khăn thì có đầy một gánh đủ nặng không mang hết. Mà thôi, kể khó khăn ngại lắm và không vui, tôi thích kể những thứ may mắn mà tôi đã gặp được trong thời điểm khó khăn đó hơn. Đầu tiên là cha mẹ tôi đều tỏ vẻ thích và khuyến khích tôi làm những thứ như nặn tượng nhỏ, đẽo gọt những cái cây, hay đọc sách. Cha tôi thì thích trao đổi với tôi và cùng hiểu những điều được cho là hấp dẫn tôi... Nhưng vừa vui lại vừa cực vì tính tôi hơi hăng, nhiều khi tranh luận với cha mẹ đến đoạn căng là kết cục không mấy êm ả lắm, toàn cáu kỉnh và khóc lóc (cười). Nhưng dẫu sao cái mục tìm hiểu và trao đổi đã nối dài được sự mong ước và kiên nhẫn của tôi. Khi biết tôi thực sự thích theo học môn Mỹ thuật, cha tôi đã đến nhờ bạn là vợ chồng Giáo sư Tô Ngọc Thanh. Hai bác đã hỏi và thu xếp cho việc xin học luyện thi ở trường Đại học Mỹ thuật của tôi. Những ngày luyện thi, chú Phạm Ngọc Sĩ là giáo viên trường đã từng công tác trên miền núi với cha mẹ tôi đã xin cho tôi được ở nội trú... Các bạn cùng học với tôi, các chị ở cùng nội trú với tôi đã giúp tôi nhiều, vậy mà khi tốt nghiệp Điêu khắc, tôi chưa thể khẳng định điều gì cho tương lai mình cả. Sau khi tốt nghiệp 5 năm, tôi mới có trưng bày nhỏ đầu tiên của mình bằng vẽ mầu nước trên giấy dó, lúc đó những sáng tác của tôi mới được công nhận và trả giá. Tôi thiết lập dần công việc của mình là sáng tác và sống bằng chính việc đó cho tới ngày hôm nay.

Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong: Cha mẹ và quê hương là nền móng khởi nguồn cho ham thích nghệ thuật - 1

Tác phẩm mỹ thuật của họa sĩ Thắm Poong.

Ai là người thầy dìu dắt chị trên con đường hội họa? Sự thành công của chị từ khi còn trẻ đã làm bên trong chị có những thay đổi gì?

- Thầy của tôi có nhiều lắm đấy! Là thầy cô giáo đã từng dạy tôi, là bạn bè đồng nghiệp, là cả những người không dành cho tôi sự ưu ái, họ chê trách, chỉ trích tôi, họ làm cho tôi muốn sửa chữa và thay đổi để vượt lên so với chính mình. “Thầy” tôi là cả những bức tranh khắc gỗ Nhật Bản hay tranh dát vàng từ Ấn Độ, còn gần đây là những tác phẩm của nhiều trường phái nghệ thuật hiện đại của phương Tây. “Thầy” của tôi là cả những nhân vật hư cấu trong dân gian. Tôi luôn nhớ đến câu châm ngôn của nhà Phật: “Vạn vật là thầy ta”.

Từ khi nào chị nhận ra rằng chị muốn sáng tạo khởi nguồn từ miền quê mình và giữ gìn bản sắc dân tộc của cha mẹ?

- Tôi không phải cố gắng lắm về việc gìn giữ bản sắc dân tộc của cha của mẹ. Vì tôi đã sống phần đầu của cuộc đời của mình trên hai vùng đất có tập quán văn hoá và bản sắc khác biệt, nên tự khẳng định là trước khi học những vấn đề về kiến thức ở trường thì cha mẹ và quê hương đã cho tôi phần nền móng khởi nguồn cho ham thích nghệ thuật và thúc đẩy cảm hứng cho những sáng tác của mình.

Việc lựa chọn chất liệu thể hiện của chị có phải để hài hòa thêm những ý tưởng mà chị muốn bày tỏ qua tranh?

- Chọn chất liệu đối với tôi là theo điều kiện khách quan thôi, không hoàn toàn chủ ý. Điều kiện cho phép sử dụng chất liệu gì thì tôi sẽ nghiên cứu cách dùng nó, và thể hiện vậy thôi.

Không hài lòng với những gì đã có, chị vẫn miệt mài tìm kiếm đổi mới và sáng tạo qua mỗi thời kỳ như thế nào?

- Tôi cứ làm việc theo ngày tháng thôi. Việc vẽ có từng giai đoạn, chắc cũng sẽ có, nhưng bây giờ không phải lúc tôi xem lại, nếu tính toán kỹ, tôi chả dám thong thả đi thì sao! Có đủ thời gian và điều kiện thì tôi thử sang chất liệu mới là sơn dầu, vẽ các chất liệu trong cùng khoảng thời gian đan xen nhau, thấy mình càng vẽ càng sảng khoái!

Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong: Cha mẹ và quê hương là nền móng khởi nguồn cho ham thích nghệ thuật - 2

Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong: Cha mẹ và quê hương là nền móng khởi nguồn cho ham thích nghệ thuật - 3

Tranh của chị ngả về trường phái siêu thực?

- Siêu thực, tôi nghĩ là giống như một lời thơ dân gian dùng để ví von. Lời ví von sẽ nâng sự tưởng tượng của ta lên và sát với cái thực tế nhưng là cái thực tế để hiểu, để hình dung là vậy! Siêu thực không phải là ảo tưởng, không là ám ảnh. Bởi chúng ta luôn có tâm thế đi tìm hiểu một cái gì đó theo một cách mới mẻ. Trò vui riêng đó thật âm thầm nhưng rất đáng cho tâm trí, tâm hồn!

Chị có thể chia sẻ về phương pháp kỹ thuật hay nguồn gốc nghệ thuật nào đã tác động tới công việc nghệ thuật của chị?

- Tranh của tôi là chất liệu mầu nước trên giấy dó. Ý tưởng và hình thức thể hiện của của tôi bị ảnh hưởng sâu nặng bởi tranh in khắc Ukiyo-e của Nhật Bản và trường phái siêu thực của châu Âu. Những thể hiện xuyên suốt trong hình thức của tôi là đồng hiện. Tôi vẽ hình ảnh chồng chéo nhưng đan kết bền chặt để không phần nào bị che khuất hoặc tràn hình, đó giống như tôi nghĩ về thế giới của nhiều sự lặp lại mà không thấy buồn nhạt và mỏi mệt... Cảm hứng sáng tác của tôi bắt nguồn chủ yếu từ một sự kết nối giữa Thiên nhiên và Con người. Những nhân vật tôi chọn là từ các câu chuyện truyền nối bằng chuyện kể trong dân gian. Họ mặc quần áo truyền thống, có đời sống ước lệ và đơn giản nhất giữa thiên nhiên. Con người trong tranh của tôi không có bộ mặt riêng như mắt mũi… Họ chỉ là khuôn hình tự do của mây, trời để đại diện cho nhân cách là một con người! Tôi vẽ những thứ mà tôi cho rằng đó là sự ví von mà tôi có thể diễn tả theo cách của mình trong ước muốn được thành hình hài mầu sắc! Quần áo là cái vẻ bên ngoài, nhưng qua việc vẽ quần áo tôi muốn thể hiện được chút gì bên trong nhân cách con người ta. Còn cây cối, các con vật trong thiên nhiên nữa, cứ nâng đỡ, hoà quyện với ta, vừa giằng kéo vừa toả sáng. Khi vẽ như vậy, điều tôi gửi gắm và nhắm đến là: mối liên kết tuyệt vời giữa cây cối thiên nhiên và con người luôn hỗ trợ nhau để phát triển, vậy thì giữa người và thiên nhiên là sự hoà đồng để cùng tồn tại. Như Phật nói tuỳ duyên! Gần đây tôi hiểu được điều đó như đã ở trong mình và bây giờ mình vỡ ra được vậy. Nghệ thuật không phải giá trị vật chất, ai cũng biết thế, mảnh giấy, mảnh toan bôi màu... sao gọi là vật chất có giá trị được nhỉ? Giá trị tinh thần ư? Tôi không đặt suy nghĩ của mình vào vấn đề cụ thể như thế, nó không phải toán học.

Họa sĩ Đinh Thị Thắm Poong: Cha mẹ và quê hương là nền móng khởi nguồn cho ham thích nghệ thuật - 4

Chị sẽ lựa tác phẩm nào nếu được lựa chọn những tác phẩm mà chị đã vẽ, vì sao?

- Cách tôi lựa chọn những bức tranh của mình nó là ý thích cá nhân, có thể có sự thiên vị, vì khi tôi vẽ, tôi hiểu mình xây dựng theo tuyến hình, tuyến màu, tuyến khởi đầu ý tưởng… chắc chắn nó sẽ khác với hiệu ứng đối với người xem. Tôi mượn và dùng ý kiến của nghệ sĩ khác giải thích là: “Mỗi người xem tranh sẽ thấy MÌNH ở trong tác phẩm”.

Chị muốn những tác phẩm đó được trưng bày thế nào?

- Nếu không phải không gian của mình thì tôi không có lời khuyên. Mỗi người bằng sự hiểu biết và ham thích cá nhân sẽ tự tìm ra cách để trưng bày phù hợp với mình nhất. Không gian chỉ cần một sự khô ráo, sạch và đủ chút ánh sáng là đạt rồi. Tôi sẽ để nó ở nơi bức tường với tranh to, tranh nhỏ thì giá hay kệ tủ. Đó là tôi nghĩ cho tôi thôi nhé!

Với con của mình, chị hy vọng để lại điều gì?

- Tôi hy vọng để cho con những điều tốt mà không dễ bị mất được, với vật chất, con tôi nếu trân trọng thì sẽ dùng, nhưng vật chất là thứ dễ mất và không chắc là thứ tốt nhất. Giống cha mẹ mình, tôi hy vọng để cho con tình yêu, sự nâng đỡ đủ để con tự thấy mình có tự hào, có trách nhiệm và tự lập với cuộc đời của chính con.

Cảm ơn những chia sẻ về nghệ thuật của chị!

Việt Quỳnh (thực hiện)