Bãi rác khổng lồ trên mặt hồ thủy điện
Sau trận lũ lịch sử xảy ra từ tháng 8/2018 ở Nghệ An, mặt hồ thủy điện Bản Vẽ (lớn nhất Nam Trung Bộ) bỗng nhiên xuất hiện một lượng rác phủ kín, bốc mùi hôi thối, gây khó khăn cho việc lưu thông bằng đường thủy của người dân.
Thời điểm đó, Công ty Thủy điện Bản Vẽ đã tiến hành vệ sinh, nhưng không hiểu vì sao khu vực đoạn qua xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) và xã Mai Sơn (huyện Tương Dương) hiện rác vẫn “tràn ngập” trên mặt hồ?
Rác ngập mặt hồ thủy điện Bản Vẽ, đoạn qua xã Mai Sơn (Tương Dương) và xã Mỹ Lý (Kỳ Sơn).
Mặt hồ ngập rác
Những ngày cuối tháng 11, có mặt trên thượng nguồn lòng hồ Bản Vẽ tại khu vực giáp ranh giữa 2 xã Mai Sơn, huyện Tương Dương và xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn, khúc sông trải dài hàng cây số vẫn ngập rác kín mặt hồ. Theo nhiều người dân địa phương, khu vực lòng hồ ngập rác gỗ này xuất hiện từ trận lũ lịch sử hồi đầu tháng 8/2018. Một lượng rác thải sinh khối (thực vật, xác gia súc, gia cầm…) theo lũ từ Lào trôi về và tập kết tương đối dày trên lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, đặc biệt là khu vực các xã Nhôn Mai, Mai Sơn, huyện Tương Dương.
Theo người dân sống quanh mặt hồ, đoạn qua xã Mai Sơn, huyện Tương Dương, tình trạng mặt hồ Bản Vẽ ngập rác xảy ra nhiều năm nay, nước dâng cao thì rác cũng dâng theo. “Vào mùa mưa, nước dâng, rác phủ kín mặt hồ, bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Không những vậy, việc di chuyển bằng thuyền cũng rất khó khăn” - một người dân địa phương cho biết. Những lần mưa lũ, đã cuốn theo nhiều cây gỗ lớn nhỏ đổ xuống lòng hồ thủy điện Bản Vẽ khiến hồ thủy điện này như một bãi rác khổng lồ. Một số địa điểm tập trung nhiều rác nhất như đoạn hồ ở xã Hữu Khuông, xã Mai Sơn, Nhôn Mai…, huyện Tương Dương.
Theo ông Lương Văn Hóa – Bí thư xã Mai Sơn, huyện Tương Dương - việc rác ngập mặt hồ thủy điện có từ lâu, nhưng không có ai xử lý, chỉ có người dân ra vớt để lấy củi. Còn ông Kha Văn Nghệ - Bí thư xã Mỹ Lý, huyện Tương Dương - cho biết: Diện tích mặt hồ bị ngập khoảng 2 km, hầu như năm nào cũng xảy ra, nó bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến người dân sống quanh hồ. Để xử lý tình trạng này, người dân thường ra vớt vừa làm củi, vừa giảm bớt rác chứ không có đơn vị nào về xử lý cho triệt để cả.
Nhiều hộ dân làm nghề chạy xuồng đưa khách từ hạ lưu lên thượng nguồn chia sẻ: Việc mặt hồ ngập rác khiến việc di chuyển theo đường thủy hết sức khó khăn, hiện tại khi đi vào khu vực Mai Sơn rất vướng, bởi ở đây rác trên mặt hồ đang nhiều. So với cuối năm ngoái, thì việc rác ngập mặt hồ chỉ còn ở mỗi khu vực xã Mai Sơn, Mỹ Lý. Theo ghi nhận, khi trời nắng lên, người dân sống quanh hồ đã tiến hành vớt lượng củi gỗ lẫn trong rác để làm nhiên liệu. “Chúng tôi tận dụng số rác trên mặt hồ để làm củi đốt, chứ lượng rác này ứ đọng đã lâu nay, đây cũng là cách để giải tỏa một phần rác phủ kín mặt hồ - anh Lương Văn Mai người dân đang vớt củi chia sẻ. - Bãi rác khổng lồ ngập tràn trên lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ gây ra rất nhiều hệ luỵ và khó xử lý. Bởi, nếu có thực hiện việc trục vớt hết, làm sạch mặt lòng hồ thì vào mùa mưa bão năm sau, củi, gỗ, rác từ vùng thượng Lào, từ nơi rừng sâu, núi thẳm lại ùn ùn đổ về ken cứng mặt hồ. Cái khó nữa, đó là nhu cầu củi đốt của người dân bản địa cũng không có nhiều, còn vớt củi để bán thì xa xôi quá, không có mấy người muốn mua. Do đó, câu chuyện ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nơi lòng hồ thuỷ điện Bản Vẽ sẽ khó được giải quyết nếu các ngành chức năng không cùng ngồi lại, tìm hướng giải quyết”.
Trách nhiệm vệ sinh của ai?
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn Kết về nội dung này, ông Tạ Hữu Hùng – Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết: “Về nội dung này, Công ty chúng tôi cũng đã được chính quyền xã Mỹ Lý thông báo rồi. Tuy nhiên, về cơ bản thì lòng hồ là do địa phương quản lý, chúng tôi chỉ quản lý ở phần sát đập, cách chân đập 500 m, vì trong sổ đỏ cũng chỉ thể hiện đến từng đó. Vậy nên, mọi cái khác như giao thông đường thủy, an toàn… đều do địa phương”.
Cách trả lời của ông Hùng rất thiếu trách nhiệm, vì rằng: Nguyên nhân dẫn đến việc rác ứ đọng trong lòng hồ là do việc xây dựng công trình thuỷ điện, ngăn sông, ngăn dòng chảy nên mỗi khi mưa lũ về, rác mới không có lối thoát và ứ đọng lại. Do vậy, cần phải có sự chung tay của tất cả các đơn vị liên quan, đặc biệt là Công ty thuỷ điện Bản Vẽ trong việc dọn rác. Chứ đẩy hết trách nhiệm cho chính quyền xã Mỹ Lý như ông Hùng nói thì e khó có thể giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.
Mặt hồ ngập rác, bốc mùi hôi thối, gây khó khăn trong việc lưu thông đường thủy và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.
Về sự việc nói trên, ông Đinh Sỹ Khánh Vinh – Chi cục phó Chi cục bảo vệ môi trường (Sở TNMT Nghệ An) - cho biết: “Hiện chưa nắm được việc mặt hồ thủy điện Bản Vẽ đoạn qua xã Mai Sơn ngập rác, nếu có hiện tượng như vậy thì để tôi cho anh em kiểm tra và chỉ đạo xử lý”.
Trong khi đó, nói về vấn đề này, ông Phan Đức Sơn – Chủ tịch UBND huyện Tương Dương - cho biết: Đối với báo chí, ông không trao đổi qua điện thoại, tuy nhiên ông Sơn cũng cho rằng, trước đây làm như thế nào thì giờ tiếp tục làm như thế. Trước đó, vào tháng 8/2018 Sở TNMT Nghệ An đã ban hành công văn số 4680/STNMT-BVMT về việc kiểm tra xử lý ô nhiễm môi trường vùng đầu nguồn lòng hồ thủy điện Bản Vẽ gửi UBND tỉnh Nghệ An. Tại công văn nói trên, Sở TNMT đã kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty CP Thủy điện Bản Vẽ phải thực hiện thu dọn sinh khối thực vật khu vực lòng hồ và các biện pháp bảo vệ môi trường, bởi việc để xảy ra ô nhiễm vùng đầu nguồn lòng hồ thủy điện thuộc trách nhiệm của Công ty. Tuy nhiên, thời điểm đó, Công ty Thủy điện Bản Vẽ chỉ thực hiện dọn rác cách chân đập thủy điện 500 m lên phía thượng nguồn. Riêng các khu vực thượng nguồn thì vừa không có kinh phí, vừa không thuộc diện quản lý của Công ty Thủy điện Bản Vẽ, nên chừng ấy năm lượng rác vẫn “phủ kín” lòng hồ.
Thiết nghĩ, việc rác thải sinh khối thực vật, xác gia súc, gia cầm… bị lũ cuốn trôi về lòng hồ thủy điện Bản Vẽ không chỉ khiến cho các phương tiện tham gia giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm trong lưu thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nước sông Cả khi lượng rác này ngâm nước lâu ngày và phân hủy. Riêng khu vực xã Mai Sơn, huyện Tương Dương và xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn hầu như không được vệ sinh, xử lý, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân nơi đây. Tuy nhiên, trách nhiệm trên vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra đảm nhận.
Chúng ta xây dựng công trình thuỷ điện vì lợi ích của doanh nghiệp, phục vụ lợi ích Quốc gia. Song doanh nghiệp đang được hưởng lợi từ chính công trình này cũng phải có trách nhiệm với xã hội chứ không thể thoái thác trách nhiệm rằng nó không nằm trong phạm vi quản lý của doanh nghiệp. Bởi mặc dù không thuộc phạm vi quản lý của Công ty Thuỷ điện Bản Vẽ, nhưng đây là vùng ngập lòng hồ chứa nước phục vụ cho việc phát điện của nhà máy thuỷ điện Bản Vẽ.