Di sản sau vinh danh
Ngày 12/12/2019 theo giờ địa phương Bogota- Colombia (3 giờ 23 phút ngày 13/12/2019 giờ Việt Nam), UNESCO đã chính thức công nhận nghi lễ Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Phạm vi di sản gồm 11 tỉnh: Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu.
Thầy Then đang thực hiện nghi lễ. (Ảnh hồ sơ đệ trình UNESCO).
Như vậy, tới nay chúng ta đã có 13 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, đưa Việt Nam lên hàng cường quốc di sản.
Việc UNESCO vinh danh nghi lễ Then là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại một lần nữa khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đối thoại giữa các cá nhân, cộng đồng, dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Nghi lễ Then (hay còn gọi là thực hành Then, không đơn thuần là hát) trong đời sống xã hội của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam trên thực tế đã hình thành từ rất lâu đời, góp phần giáo dục đạo đức, lối sống nhân đạo và bảo vệ các phong tục, truyền thống văn hóa ở Việt Nam. Sức sống của Then truyền lại bởi các cá nhân, gia đình hoặc cộng đồng, những người mời thầy Then đến làm lễ cầu sức khỏe, cầu an và cầu mùa. Đó là một nghi lễ được tôn trọng và trao truyền như một dòng chảy văn hóa không đứt đoạn.
Tới nay, UNESCO đã vinh danh 13 di sản văn hóa phi vật thể tại Việt Nam, gồm: Nghi lễ Then, Bài Chòi Trung Bộ, Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, Kéo co, Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh, Đờn ca tài tử Nam Bộ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Hát xoan (Phú Thọ), Hội Gióng tại đền Sóc và đền Phù Đổng (Hà Nội), Ca trù, Dân ca Quan họ, Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Nhã nhạc cung đình Huế.
Là một quốc gia đa dân tộc, đa dạng văn hóa, giàu bản sắc văn hóa, thời gian đã lắng đọng những giá trị thực sự căn cốt, thực sự đặc sắc. Chúng ta tự hào được thừa hưởng những giá trị văn hóa tinh thần vô cùng quý giá ấy, đồng thời cũng nhận thức được trách nhiệm lớn lao bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, trong đó có di sản văn hóa phi vật thể. Đất nước chưa giàu có nhưng mỗi người Việt Nam đều có quyền tự hào về nền tảng văn hóa đặc sắc của mình.
Tuy nhiên, như đã nói, sau vinh danh, điều quan trọng là bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế nào. Có làm di sản lung linh hơn hay lại làm nó biến dạng, không loại trừ để nó biến mất. Những gì tiền nhân trao truyền thì phải phải có trách nhiệm gìn giữ, chứ không phải là hủy hoại bởi chính minh.
Thách thức đầu tiên chính là sự vơi hụt nhanh chóng những “báu vật nhân văn sống”- đó là những nghệ nhân dân gian. Sau rất nhiều năm, cuối cùng thì những “báu vật sống” ấy cũng đã được xét trao danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân ưu tú. Mừng, nhưng cũng thật quá muộn màng khi thời gian không đợi ai cả, nhiều cụ đã ra đi. Các vị ra đi cũng có nghĩa là đã mang theo những gì tinh túy, những gì nguyên bản mà không kịp trao truyền cho con cháu khiến cho việc phục dựng sau này vừa mất công lại vừa sai lệch.
Điều đó dẫn tới thách thức kế tiếp là di sản gốc tồn tại trong cuộc sống đương đại thế nào. Nó có còn hồn cốt xa xôi hay là bị thêm vào nhiều biểu hiện mới theo cách nghĩ của người hôm nay; trong đó việc sân khấu hóa di sản là điều dễ thấy nhất. Nó làm méo mó giá trị cốt lõi của di sản văn hóa phi vật thể, kể cả về hình thức trình bày.
Lâu nay, nhiều ý kiến lấy làm lo ngại trước việc biến dạng của di sản văn hóa khi nó được coi như một sản phẩm du lịch, nhưng lại được hiểu một cách méo mó thiên về tính thương mại. Tại không ít điểm du lịch, di sản văn hóa phi vật thể được ghép vào một cách đơn điệu, lặp đi lặp lại khiến người ta ái ngại khi được biết đó là di sản cấp quốc gia hay là tầm thế giới. Cách trình bày nó khiến người ta cảm nhận, hiểu biết rất thiếu chính xác về một di sản văn hóa phi vật thể.
Cách khai thác di sản văn hóa phi vật thể trong du lịch như vậy vừa thiếu sót vừa lãng phí. Muốn bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong nhịp chảy gấp gáp của đời sống hôm nay thì không thể không kết hợp chặt chẽ giữa du lịch và quản lý di sản, dựa trên những hiểu biết đúng đắn về văn hóa. Chỉ có như vậy di sản văn hóa phi vật thể mới trở nên lung linh, có sức sống rồi từ đó quay trở lại làm cho du lịch hấp dẫn hơn. Không thể cứ được vinh danh là xong, mà thực chất hơn, nó phải được bảo tồn với tất cả sự trân trọng, hòa mình vào dòng chảy thời cuộc với đúng những gì là tinh túy đã được thời gian và cộng đồng chắt lọc còn lại cho tới ngày nay.