Giữ giấy tờ hay giữ xe vi phạm?
Theo Bộ Công an, từ năm 2013 đến tháng 9/2019,số lượng phương tiện giao thông đường bộ được công an các đơn vị, địa phương tạm giữ ngày càng tăng, với tổng số trên 4,3 triệu phương tiện. Một con số quá lớn. Hơn 4,3 triệu phương tiện bị thu giữ, điều này không chỉ gây khó cho người bị tạm giữ phương tiện mà còn lãng phí nguồn lực xã hội. Vậy, giải quyết như thế nào?
Câu chuyện phương tiện ô tô, xe máy nằm dãi nắng dầm mưa trong một khoảng thời gian rất dài mà không ai đến nộp phạt để nhận lại đã được báo chí đề cập từ nhiều năm nay. Ở Hà Nội nằm sâu trong con ngõ ở gần chân cầu Chương Dương (Long Biên, Hà Nội) là bãi tập kết phương tiện vi phạm Bồ Đề rộng khoảng 3 ha. Trên bãi đất trống nằm sát bờ ao, hàng nghìn xe máy tồn đọng từ nhiều năm qua gỉ sét, mục nát vì bị phơi sương, phơi nắng được chất thành đống. Nhiều chiếc trơ khung sắt và bị bụi, đất chôn vùi một phần. Thậm chí, có xe còn bị lá cây phủ kín, cỏ mọc um tùm xung quanh, rất khó nhận ra.
Việc này không chỉ có ở Hà Nội mà có ở hầu khắp các tỉnh thành. Việc gia tăng số lượng phương tiện quá thời hạn tạm giữ mà chưa xử lý được dẫn đến tình trạng quá tải ở bãi trông giữ.
Tại sao xe bị tạm giữ ngày càng gia tăng như vậy? Có một thực tế là rất nhiều trường hợp người điều khiển xe vi phạm Luật Giao thông đường bộ chỉ với những lỗi hành chính, như không đội mũ bảo hiểm, không mang giấy tờ xe... cũng bị tạm giữ. Chỉ bị lỗi hành chính chứ không phải những lỗi có dấu hiệu hình sự mà đã tạm giữ phương tiện, điều này góp phần làm gia tăng những chiếc xe bị tạm giữ.
Nhưng việc số xe bị tạm giữ ngày càng nhiều lên không chỉ nằm ở nguyên nhân số người bị phạt ngày càng nhiều lên mà chính là số xe bị phạt đã không có người đến nộp phạt để nhận lại chúng. Vậy thì vì sao phương tiện giao thông là nhu cầu thiết yếu của người dân mà người vi phạm không chịu đến nhận lại? Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do mức phạt cao hơn giá trị của xe bị tạm giữ, lại phải chịu thêm phí lưu giữ nên nhiều chủ xe đã bỏ lại tài sản. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, phương tiện đã được mua, bán qua nhiều chủ sở hữu hoặc mất giấy tờ, phương tiện bị tạm giữ có dấu hiệu vi phạm pháp luật nên người vi phạm không đến cơ quan chức năng giải quyết việc xử lý vi phạm...
Trong số những xe bị tạm giữ, đáng nói là hầu hết chúng đã bị hư hỏng nhưng do quy định về trình tự, thủ tục tịch thu sung công quỹ, bán đấu giá, thanh lý phương tiện bị tạm giữ lại còn nhiều bất cập so với thực tiễn nên chưa thể thanh lý được những chiếc xe này. Trong khi đó, quy trình đấu giá và sung công quỹ số phương tiện không có người đến nhận, quá trình xác minh mất nhiều thời gian, trải qua nhiều khâu như xác minh chủ sở hữu phương tiện, giám định, thông báo niêm yết, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo, niêm yết công khai... Quá nhiều thủ tục khiến các phương tiện bị tạm giữ cứ “trơ gan cùng tuế nguyệt” khiến lãng phí tiền của của xã hội.
Để giải quyết số xe tồn đọng do chủ sở hữu không đến nhận, Bộ Công an đề xuất sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính. Theo đó, đối với phương tiện quá thời hạn chấp hành quyết định xử phạt 10 ngày, nếu người vi phạm không tới nộp phạt, cơ quan có thẩm quyền thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng. Khi quá thời hạn 30 ngày mà chủ phương tiện không đến nhận, không có lý do chính đáng, cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, bán đấu giá phương tiện. Đồng thời mở rộng phạm vi áp dụng hình thức đặt tiền bảo lãnh để được giữ phương tiện vi phạm dưới sự quản lý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 10 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhằm hạn chế việc đưa các phương tiện về nơi tạm giữ.
Giải pháp rút ngắn quy trình thủ tục, và đấu giá, thanh lý với xe không có người đến nhận đã được sự đồng tình của dư luận, nhưng còn không ít băn khoăn. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nếu tạm giữ, tịch thu phương tiện làm không chặt chẽ thì đây sẽ là chỗ tiêu thụ xe gian, hợp pháp hóa xe lậu. Bởi “dư luận phản ánh có trường hợp xe lậu giá trị cao, cố tình vi phạm để bị tạm giữ, đến khi xe thanh lý thì tìm cách mua bằng được. Từ xe bất hợp pháp sẽ thành hợp pháp”.
Để tránh tình trạng xe bị tạm giữ ngày càng nhiều gây lãng phí tiền của của xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, khi phương tiện tham gia giao thông vi phạm với mức độ phải phạt tiền và tạm giữ phương tiện thì cảnh sát giao thông chỉ nên thu giấy phép lái xe của chủ phương tiện và tháo, thu biển số đăng ký xe, còn phương tiện thì giao cho chủ phương tiện đưa về bảo quản. Hết thời gian tạm giữ thì trả lại giấy phép lái xe và biển đăng ký của phương tiện cho chủ phương tiện để tiếp tục lưu hành. Nếu như chưa hết thời gian tạm giữ mà chủ phương tiện đưa phương tiện ra tham gia giao thông thì sẽ bị xử phạt ở mức cao hơn. Nếu tái phạm nhiều lần thì có thể bị tịch thu phương tiện. Chỉ giữ giấy tờ mà không giữ xe sẽ tiết kiệm được khoản tiền không nhỏ cho xã hội, lại tránh được những thất thoát có thể xảy ra.