COP25 bế tắc, trái đất vẫn nóng lên
Trong các ngày 15 và 16/12, các nhà hoạt động đã dựng cảnh treo cổ tại Madrid, lên án các lãnh đạo thế giới không hành động đủ mạnh để chống biến đổi khí hậu. Trên thực tế, Hội nghị chống biến đổi khí hậu (BĐKH) lần này (COP25) đã không thể đồng thuận về cách thực hiện Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu. “Con gái tôi sẽ lớn lên trong một thế giới không có thức ăn, và điều đó làm tôi đau lòng”- một người biểu tình nói.
Theo Reuters, nước chủ trì COP25 là Chile (trước khi rút khỏi việc đăng cai vì bất ổn trong nước) bị chỉ trích là đã soạn thảo tuyên bố chung yếu ớt, có nguy cơ phá hỏng mục tiêu của Hiệp định Paris 2015, và là tuyên bố chung tệ nhất từ các hội nghị về khí hậu - theo các nhà hoạt động.
“Cách tiếp cận của Chile về tuyên bố chung cho thấy nước này lắng nghe những bên phát thải, chứ không phải người dân toàn thế giới”- Reuters dẫn lời Jennifer Morgan, Giám đốc điều hành một tổ chức hòa bình xanh.Trên thực tế, Hiệp định Paris về chống BĐKH bị ảnh hưởng nặng nề sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức rút khỏi Hiệp định vào tháng trước, tạo thêm lý do để các nước phát thải lớn khác chần chừ trong các cam kết.
Trong phiên khai mạc cấp cao COP25, ngày 10/12 tại Madrid (Tây Ban Nha), các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH đã ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế khẩn trương giải quyết cuộc khủng hoảng về khí hậu. “Họ cũng cảm nhận thấy việc các “ông lớn” không mặn mà gì với việc cắt giảm khí thải khiến Trái đất nóng lên, cũng như các Chính phủ không muốn rút hầu bao chi cho việc này”- R.Machilieur, một nhà hoạt động môi trường đưa ra nhận xét.
Trong khi đó, bà Patricia Espinosa- Thư ký điều hành của Công ước khung LHQ về BĐKH đã lên tiếng hối thúc chính phủ các nước đạt được một thỏa thuận trong năm nay nhằm “tạo ra con đường hy vọng cho năm 2020 và xa hơn thế”. Bà Espinosa nhắc tới một thỏa thuận cắt giảm khí thải carbon và cho rằng đây là rào cản lớn nhất mà các quốc gia đang đối mặt.
Ông Tijiaani Muhamad-Bande - Chủ tịch phiên họp lần thứ 74 của Đại hội đồng LHQ - đã hưởng ứng lời kêu gọi thế giới hành động khẩn cấp của bà Espinosa. “Lúc này chúng ta phải hành động và chúng ta phải hành động cho thế hệ mai sau. Tôi tin rằng chúng ta sẽ làm được”- ông Muhammad-Bande nói và cho rằng, Hiệp định Paris về BĐKH là thỏa thuận duy nhất mang tính ràng buộc trên phạm vi toàn cầu để giải bài toán biến đổi khí hậu, đánh dấu “một mốc quan trọng của chủ nghĩa đa phương” trong bối cảnh những đóng góp hiện nay của các quốc gia vẫn chưa đủ để giữ nhiệt độ Trái đất tăng dưới 1,5 độ C.
Nhưng, theo bà Teresa Ribera- Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Tây Ban Nha, COP25 chỉ tập trung đề ra nguyên tắc đối với các hành động chung là chưa đủ. Bà cho rằng, việc Chương trình Môi trường LHQ tuyên bố thế giới đã để lỡ 10 năm trong cuộc chiến chống BĐKH là điều đáng buồn. Song, thông điệp của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) dự báo thế giới còn 10 năm để tránh một thảm họa khí hậu đã mang đến hy vọng dù vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước.
Trên thực tế, COP25 dự kiến diễn ra từ ngày 2/12 và kết thúc vào ngày 13/12, nhưng rốt cục đã phải kéo dài thêm 2 ngày. Nhưng, điều đáng nói là Hội nghị không thu được kết quả như mong muốn. Mục tiêu chính của Hội nghị là nỗ lực hoàn thiện bộ quy tắc của Hiệp định Paris về BĐKH. Đây là các quy định mà nhiều quốc gia phải tuân thủ để đáp ứng các mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính theo Hiệp định Paris ký kết năm 2015.
Theo giới quan sát, COP25 đã không thu được tiến bộ gì đáng kể so với COP24 diễn ra 1 năm trước. Ngày 14/12/2018, tại Ba Lan, các quan chức tới từ gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đã đạt được sự đồng thuận về một cuốn sách với bộ quy tắc chuẩn nhằm thực thi Thỏa thuận Paris 2015 về chống BĐKH sau 2 tuần đàm phán căng thẳng. Theo đó, hiệu lực thi hành sẽ bắt đầu từ năm 2020. Trong đó, các nước phát triển đồng ý bắt đầu các cuộc thảo luận vào tháng 11/2020 về việc đặt mục tiêu tài chính mới nằm ngoài mục tiêu cung cấp 100 tỷ USD/ năm vào năm 2020 cho các nước nghèo mà họ đã đưa ra cam kết vào năm 2010.
Dù vậy, vấn đề “sống còn” này cũng đã không “nhúc nhích” khi mà COP25 đã hạ màn.