Ô nhiễm không khí kéo dài: Bộ Y tế khuyến cáo
Trước tình hình chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại Hà Nội và một số nơi khác được dự báo là đang ở mức nguy hại, Bộ Y tế cùng Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam vừa đưa ra hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nhiều tuyến đường Hà Nội ô nhiễm vì bụi mù.
Theo Cục Quản lý môi trường Y tế (Bộ Y tế), người dân cần thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố.
Người dân nên hạn chế ra khỏi nhà, cũng như hạn chế vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). Vệ sinh mũi, xúc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt là sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Người hút thuốc lá nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút, người không hút nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Cục Quản lý môi trường khuyến cáo người dân cần thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống; hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga; trồng cây xanh trong và quanh nhà để ngăn bụi và làm sạch không khí.
Người mắc bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu cần hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Người dân cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa. Trong thời điểm này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch,…người dân cần đến khám tại các cơ sở y tế để điều trị kịp thời.
Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, đây là đợt ô nhiễm không khí nặng đối với một số tỉnh miền Bắc và Hà Nội. Có nơi chỉ số chất lượng không khí ở mức 219, rất xấu, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người dân. Còn theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ- Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường, giảng viên ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội) thì Hà Nội đang ở giai đoạn đầu mùa đông, cộng với các điều kiện thời tiết khí hậu bất lợi nên đây là giai đoạn không khí kém nhất năm. Buổi sáng sớm là lúc chất lượng không khí thường kém nhất do nhiều nguồn phát thải hoạt động cùng lúc và trời chưa có nắng, lưu chuyển không khí thấp.
Theo dự báo của trang quan trắc chất lượng không khí Đại sứ quán Mỹ, thì chất lượng không khí tại Hà Nội trong tuần tới vẫn duy trì ở mức kém, xấu. Trong đó, ngày 16/12 (thứ 2), chất lượng không khí trung bình có thể lên mức nguy hại (dao động 217-248 đơn vị).
Dự báo này trùng với đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên Môi trường TP Hà Nội), chất lượng không khí thủ đô vẫn sẽ xấu trong thời gian tới, nhất là trong giai đoạn cuối năm và sẽ khá dần khi sang xuân, khi độ ẩm tăng và có mưa nhiều hơn. Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cũng khuyến cáo người dân nên hạn chế ra ngoài. Nhất là với nhóm nhạy cảm là người già, trẻ em và người mắc bệnh về đường hô hấp, phụ nữ mang thai. Trong trường hợp bắt buộc, phải đeo khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn. Trong thời gian này, cần hạn chế, dừng các hoạt động đun nấu bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, đốt rác...