Thi hào Nga Mikhail Lemontov: Sinh ra không để cho loài người
Đã 205 năm trôi qua kể từ ngày cất tiếng khóc chào đời, lễ kỷ niệm ngày sinh của Mikhail Lermontov năm nay vẫn được tổ chức trọng thể ở nhiều nơi trong nước Nga. Sự nghiệp văn học đồ sộ mà thi nhân đoản thọ để lại đã tạo dựng được một niềm vinh quang vĩnh cửu…
Tài hoa bạc mệnh
Năm 15 tuổi, Lermontov đã hoàn thành bản thảo đầu tiên của tác phẩm “Con quỷ”, năm 20 tuổi -“Vũ hội hóa trang”, năm 22 tuổi (1837) -“Cái chết của một nhà thơ”. Cũng từ thời điểm đó đã bất ngờ bùng lên niềm vinh quang bất tận của anh, dù chưa chính thức và chưa chính thống: những dòng thơ xuất hiện từ ngòi bút của thi sĩ trẻ trung tuổi đời nhưng già dặn tài năng này đã được chuyền tay bất tận: “có một sĩ quan đã làm thơ về cái chết của Puskin”. Anh lúc đó quả thực cũng đã là một sĩ quan, sau khi học hai năm trong trường võ bị ở St. Peterburg và rời khỏi đó năm 1834 (sau này, Lermontov nhớ lại rằng đó là “hai năm khốn khổ”). Trước khi vào học trường này, Lermontov đã hoàn thành bài thơ lừng lẫy của mình “Cánh buồm” với tư tưởng chủ đạo là chỉ tìm thấy bình yên trong bão tố…
Trước đấy, năm 1828, Lermontov đã vào học năm thứ tư của trường nội trú thuộc Đại học Tổng hợp Moskva và thi sĩ tương lai đã học cấp đại học tại đó hai năm, từ năm 1840, thoạt tiên là khoa đạo đức chính trị, rồi ở khoa ngữ văn. Cuối năm thứ hai, trong buổi thi thử về tu từ học, huy hiệu học và hóa tệ học, Lermontov đã thể hiện trình độ kiến thức đọc trong sách vở vượt quá mọi chương trình nhưng lại không biết tí gì về những bài học trên giảng đường của các ông thầy. Thế là nảy sinh mâu thuẫn giữa Lermontov với các thầy chấm thi và trong sổ ghi kết quả thi của trường đã xuất hiện dòng chữ Latin: consilium abeundi (nên thôi học) nên năm 1832 đã bị tống cổ ra khỏi Đại học Tổng hợp Moskva vì những tư tưởng tự do của mình. Và thi sĩ tương lai đã trở về St Peterbug. Trong một thời gian khá dài sau đó, anh không hề in gì cả, mãi sau mới xuất bản một tập thơ 28 bài và cuốn tiểu thuyết thiên tài “Một anh hùng của thời đại”. “Những suy nghĩ quá đà trắng trợn, còn hơn cả tội lỗi”, đó là lời kết tội của ông quan kiểm duyệt toàn năng Benkendorf đối với bài thơ “Cái chết của một nhà thơ”. Và thế là Lermontov đã bị tống giam. Ở trong tù, anh đã dùng bồ hóng, rượu và diêm viết thơ trên những tờ giấy gói. Tới lúc đó anh đã không thể nào không viết được nữa… Cũng vì bài thơ “Cái chết của một nhà thơ” mà Lermontov năm 1837 đã bị đưa đi phục vụ ở Cápcadơ.
Và ở Cápcadơ, Lermontov đã chết trong một trận đấu súng khi mới 26 tuổi…
Cậu bé bất hạnh
Mikhail Lermontov sinh ngày 15/10 (theo lịch Nga cũ là ngày 3/10) năm 1814 ở Moskva. Truyền thuyết gia đình kể lại rằng, khi Mikhail Lermontov cất tiếng khóc chào đời, bà đỡ đẻ đã nói gở ngay rằng, cậu bé này sẽ chết bất đắc kỳ tử…
Cha nhà thơ, Yuri Lermontov, vốn là một đại úy về hưu ở tỉnh Tula, thuộc một gia đình địa chủ thường thường bậc trung và không danh giá, mà theo những lời đồn đại, dường như xuất thân từ xứ Scotland xa xôi. Theo một giả thuyết khác, tổ tiên của Mikhail Lermontov chính là một thi sĩ kiêm nhà tiên tri mang tính nửa huyền thoại ở Scotland, sống ở thế kỷ thứ XIII, tên là Thomas Learmontt (1220–gần 1290). Năm 1613, một thành viên của dòng họ này là quân nhân đánh thuê cho quân đội Ba Lan Jeorg Learmonth đã bị đội quân của hoàng thân Dmitri Pozharsky bắt làm tù binh. Về sau, Jeorg Learmonth về phục vụ cho Sa hoàng Mikhail Fedorovich, chuyển sang Chính thống giáo và trở thành người khởi thủy ra dòng họ quý tộc Nga Lermontov. Công ty Anh Oxford Ancestors chuyên về gia phả nghiên cứu giả thuyết này về nguồn gốc dòng họ thi sĩ Nga bằng phương pháp phân tích ADN. Và họ không phát hiện ra sự tương đồng giữa những hậu duệ hiện nay trong gia tộc Anh Learmonth và con cháu của Mikhail Lermontov. Tuy nhiên, các chuyên gia của Oxford Ancestors đã phát hiện ra rằng, những đặc tính chung của nhiễm sắc thể Y ở hậu duệ thi sĩ Nga thích ứng với nguồn gốc Scotland của mình. Cũng có thông tin rằng, nhà thơ nổi tiếng Byron (1788-1824) của Scotland cũng là hậu duệ của Thomas Learmonth. Vì thế về mặt lý thuyết, có thể Lermontov và Byron cùng chung một tổ tiên…
Họ ngoại của nhà thơ là dòng dõi quý tộc lừng danh Stolypin. Cụ ngoại của nhà thơ, Aleksei Emelyanovich Stolypin, từng được bầu làm Thống đốc lãnh đạo giới quý tộc ở tỉnh Penza. Ông cụ có 11 người con. Bà ngoại của thi sĩ tương lai, Elizaveta Arsenyeva là chị cả. Một người em trai của bà từng là sĩ quan tùy tùng của nguyên soái Suvorov. Hai người em trai khác được phong quân hàm tướng, một người em trai là thượng nghị sĩ, hai người em trai khác nữa từng được bầu làm Thống đốc lãnh đạo giới quý tộc ở Saratov và Penza…
Bà ngoại của thi sĩ tương lai vì thế ngay từ đầu đã không thích cuộc hôn nhân không “môn đăng hộ đối” của con gái và nuôi ác cảm dai dẳng đối với anh con rể đẹp trai nhưng giăng hoa. Chính vì thế nên khi con gái mất, bà đã kiên quyết yêu cầu đưa cháu ngoại về cho mình nuôi. Và Mikhail đã là “cục cưng” của bà ngoại. Bà ngoại đã mong cho cậu lớn lên trở thành một quân nhân hoành tráng. Khi cậu cháu cất tiếng khóc chào đời, bà ngoại đã 41 tuổi. Một người phụ nữ xinh đẹp, cao lớn, tính cách vô cùng cứng rắn và có phần nào thô vụng, nhưng trí tuệ rất sắc sảo và tháo vát, quen chỉ bảo người khác và luôn thích nói thẳng ruột ngựa với bất kỳ ai và trong bất cứ tình huống nào - như người đồng thời nhận xét.
Ông ngoại của Lermontov đã tự sát bằng thuốc độc khi hay tin rằng chồng của tình nhân đã trở về sau chuyến công du dài ngày. Hay tin, người vợ bị phụ tình đã lạnh lùng thốt lên: “Đáng đời chó chết”.
Cặp vợ chồng trẻ này ở bên nhau không lâu: thân mẫu của thi sĩ tương lai chỉ sống được tới tuổi 22 rồi mất, khi cậu bé Mikhail mới trên dưới ba tuổi một chút. Ông bố trẻ của nhà thơ tương lai vốn là một gã trai thường xuyên “trêu ong ghẹo bướm” ở bên ngoài, lúc thì với cô bảo mẫu của con trai, lúc thì với các thiếu nữ nông thôn ở trong vùng. Khi một người vợ trẻ lên tiếng than trách về chuyện này thì bị ngay những trò thượng cẳng chân hạ cẳng tay rất tàn bạo từ phía phu quân. Thế là thân mẫu của Lermontov dần dần suy sụp rồi qua đời vì bệnh ho lao. Ông chồng góa vợ được bà nhạc đền bù cho một tấm séc trị giá 25 nghìn rub nên đã tự nguyện rời khỏi trang trại của gia tộc Stolypin tại Tarkhany ở tỉnh Penza. Elizaveta đã nhận về mình trách nhiệm chăm lo cho cậu cháu ngoại bất hạnh và dứt khoát không cho cậu gặp lại cha nữa. Elizaveta vô cùng yêu cháu, không hề tiếc tiền để Misha có thể được tiếp nhận một sự giáo dục tốt nhất (chỉ riêng tiền trả cho những người bảo mẫu một năm đã lên tới 4 nghìn rub, một khoản tiền rất lớn thời đó). Thậm chí bà ngoại từng lập ra gần trang trại Tarkhany một làng mới và đặt cho nó bằng cái tên của cháu mình là Mikhailovskoe, nay là Lermontov, thuộc tỉnh Penza...
Thi sĩ tương lai sớm cảm nhận được thân phận của mình khi ở “giữa hai làn nước”. Và mặc dù luôn tỏ ra rất kính yêu bà ngoại, luôn ký dưới các lá thư gửi bà “Đứa cháu ngoan ngoãn của bà”, cậu bé Mikhail vẫn âm thầm xót xa thương nhớ người cha đang ở nơi xa mà cậu hiếm khi có dịp được thấy mặt. Thân phận trớ trêu này của thi sĩ tương lai về sau được phản ánh trong những vở kịch mà ông viết thời trẻ như “Con người và dục vọng” (1830) và “Người kỳ cục” (1831). Một nhân vật trong vở kịch “Con người và dục vọng” là Yuri Volgin đã có lời thoại: “Bà ngoại tôi, người bảo hộ tôi, có cuộc đối đầu tàn nhẫn với bố tôi và mọi sự quýt làm cam chịu này tôi đều phải gánh”…
Có thể nói là ngay từ nhỏ, cuộc đời của Lermontov đã có thể trở thành nguồn tư liệu quý cho các nhà phân tích tâm lý học nghiên cứu. Được chiều chuộng vô độ bởi tình yêu đầy khắc nghiệt của bà ngoại, bất hạnh trong đời riêng và tình yêu buông xuôi mọi sự của người cha, cậu bé Mikhail đã lớn lên như một đứa trẻ đầy u ám, sầu bi, cô độc. Sức khỏe cậu không tốt vì căn bệnh tràng nhạc và trông bề ngoài thì cũng không bắt mắt lắm... Bù lại, cậu được trau dồi đủ mọi kỹ năng nghệ thuật: Mikhail chơi vĩ cầm và dương cầm, rất khá toán và cờ vua, biết ba thứ tiếng, vẽ đẹp (có tới 400 bức họa), ngay từ năm 10 tuổi đã sáng tác những vở diễn cho sân khấu gia đình...
“Chàng sinh ra không phải để cho loài người”, - Lermontov đã viết về nhân vật của mình như thế. Cũng có thể nói như thế về chính thi nhân.
Điền trang Tarkhany ở tỉnh Penza.
“Ba lần tôi yêu, ba lần tuyệt vọng”
Đó là thơ của Lermontov khi nhìn lại “tình trường” của mình. Ngoại hình “con nhà binh” không phải là một lợi thế của thi nhân. Một thiếu nữ 19 tuổi, sống cùng thời với Lermontov đã mô tả về anh như sau: “Cáu kỉnh và u ám, đôi mắt đen nhỏ ánh lên những tia lửa tối tăm, cái nhìn không thiện chí cũng như kiểu cười”. Anh vốn thấp bé nhẹ cân, xương xẩu, hành xử thường thô bạo, bất trắc và trông lúc nào cũng ra dáng một cậu bé quá được chiều chuộng nên yêu mình quá mức và ăn vận thì lôi thôi không thể nào hơn được. Anh đã không làm sao yên dạ vì trông mình xấu xí. Tâm hồn tràn trề hứng khởi của một thi nhân không thể bình lặng trong một thể xác chàng lùn. Trong các cuốn tiểu thuyết của mình, anh lúc nào cũng bất hạnh.
Cả ba tình yêu lớn trong đời Lermontov đều lên xe hoa với người khác - Ekaterina Sushkova, N.F.I (Natalia Ivanovna) bí ẩn và Varvara Lopukhina.
Mối tình lớn đầu tiên của Lermontov rất trớ trêu và… tàn nhẫn. Năm 10 tuổi, thi sĩ tương lai lần đầu tiên phải lòng con gái, đó là một cô bé 9 tuổi. Năm 16 tuổi, Lermontov phải lòng nàng Sushkova. Thế nhưng, trong mắt mỹ nhân, Misha chỉ là một cậu bé vụng về, mắt lúc nào cũng đỏ và cái mũi cứ hếch cả lên. Sushkova đã coi thi sĩ tương lai như một cậu bạn để cùng chơi những trò trẻ con. Còn Lermontov lại âm thầm viết tặng mỹ nhân bé bỏng những dòng thơ cay đắng trong trang trại Serednikov ở vùng ngoại ô Moskva. Càng yêu, Mikhail càng cảm thấy tủi thân... Và rồi sau đó 5 năm, thi nhân đã “báo thù” một cách ngoạn mục: khi Sushkova chuẩn bị lấy chồng, thi nhân đã nổi sóng ba đào tình ái làm tan đám cưới và Sushkova bỗng quay ra yêu chàng tha thiết. Thế nhưng chàng lại viết những lá thư nặc danh gửi cho người nhà mỹ nhân kể đủ chuyện xấu (giả và bịa) về chính chàng để họ thấy rằng chàng không xứng đáng với nàng một tẹo nào cả. Thực ra, Lermontov không hề có ý định lấy vợ và anh đã nói thẳng với Sushkova rằng anh không yêu cô và sẽ không bao giờ yêu cô. Mỹ nhân đã bị tổn thương sâu sắc…
Như được giải thoát
Trong “Vũ hội hóa trang”, Lermontov đã viết: “Tôi rất hay yêu, nhiều hơn là căm thù – nhưng hơn tất cả, tôi hay phải đau khổ!”. Đó là những lời tâm sự ở đúng tuổi 20. “Tôi đã thấy tất cả rồi, cảm tất cả rồi, biết tất cả rồi” – đó là tổng kết cuộc đời của một chàng trai 25 tuổi. Ai đó coi thế là làm dáng, học đòi theo kiểu Byron. Nhưng Lermontov, cũng như tất cả những thiên tài khác, là nhà tiên tri, là người huyền tưởng. “Hãy nói với họ rằng ta bị đạn xuyên thủng ngực” – những câu này thi nhân đã viết hai tháng trước khi chết. Quả thực anh đã bị chết vì một viên đạn xuyên thủng ngực trong trận đấu súng định mệnh ngày 27/7/1841 tại Piatigorsk. Lúc còn sống, có lần Lermontov đã tới gặp bà bói từng nói trước được về cái chết của Puskin. Bà ấy đã bảo: “Cậu sẽ không trở về từ Cápcadơ đâu và sẽ được yên nghỉ vĩnh hằng”. Khi ấy, anh đang nghỉ phép ở Peterburg và đã bật cười trước lời dự đoán này. Thế nhưng, đúng vào ngày hôm đó Lermontov đã phải cắt ngang kỳ nghỉ và lại phải đi biệt phái ở Cápcadơ. Sa hoàng Nikolai I đã ra lệnh phải đưa Lermontov tới “điểm nóng nhất”. Trong cuộc chiến đấu trên sông Valerik ở Chesnia, Lermontov đã tỏ ra dũng cảm tới mức được đề nghị trao tặng huân chương Thánh Vladimir và một thanh kiếm vàng, thế nhưng, Sa hoàng đã bác bỏ đề nghị này vì cá nhân ông ta rất hận thi nhân.
Lermontov rất hay nóng tính. Anh đã đấu súng lần đầu tiên với con trai đại sứ Pháp Ernest de Barante ngày 18/2/1840, nhưng bắn trượt ra ngoài. Rồi anh lại đấu súng dưới chân núi Mashuk với Leonid Martynov, chỉ vì một chuyện cỏn con. Martynov từng học cùng với Lermontov và theo chính lời thi nhân nhận xét, là một chàng trai chơi được. “Chàng trai chơi được” này là một thiếu tá đã về hưu, mặc bộ quân phục của xứ Cherkesia và đeo một lưỡi dao găm dài bên sườn nên rất hay bị thi nhân châm chọc một cách chua cay, thậm chí có lúc đầy phỉ báng. Một lần Lermontov đã quá lời châm chích Martynov trước mặt các mỹ nhân. Martynov nghiêm mặt và bình tĩnh cảnh báo để Lermontov không làm thế nữa. Và Lermontov trong cơn hứng khởi lại quá lời… Thế là cuộc đấu súng đã được tổ chức theo đúng luật một mất một còn, mỗi bên bắn ba viên, đến chết thì thôi. “Tôi không thể nhấc tay lên nhằm bắn anh!” – thi nhân nói. Và viên đạn của Lermontov đã bay lên không trung. Còn Martynov thì bắn không nương tay và đạn trúng ngay thi sĩ. Hôm ấy (ngày 27/7/1841) trời nổi cơn giông, bão tuyết, không sao tìm được bác sĩ và xác nhà thơ đã phải nằm ngoài mưa rất lâu…
Chết trẻ, nhưng Lermontov đã để lại một di sản văn học khổng lồ. Và mỗi khi cần nhắc tới các thi nhân hàng đầu của nước Nga, bao giờ sau Puskin, người ta cũng phải nhắc ngay tới Lermontov. Nhà phê bình vĩ đại Bielinsky đã nhận định: “Trong thơ của Lermontov là tất cả sức mạnh, là tất cả yếu tố để làm nên cuộc sống và thi ca: sức mạnh bền vững của tâm hồn, sự nhún nhường của than vãn, mùi hương của lời cầu nguyện, sự khích lệ như sóng gió ba đào, nỗi buồn tĩnh lặng, nỗi trầm tư dịu dàng, những lời thở than kêu hãnh, những tiếng kêu la tuyệt vọng, vẻ đằm thắm bí huyền của tình cảm, những ước mong táo bạo không thể ngăn kìm, sự trong trắng trinh nguyên, những bệnh tật của xã hội, những bức tranh của thế giới, những lời quở trách của lương tâm, sự hối hận đến mủi lòng, sự thổn thức của đam mê và những giọt nước mắt lặng lẽ rót vào sóng gió của con tim, sự hoan hỉ của tình, lo âu của ngày ly biệt, niềm vui của ngày gặp mặt, sự coi khinh vẻ đơn điệu của đời thường, sự khát khao điên cuồng của vẻ hân hoan, một lòng tin cháy bừng như ngọn lửa và nỗi khổ của sự trống vắng trong tâm hồn, tiếng kêu than xua đi cảm giác về một cuộc đời đang chết lặng, chất độc của phủ nhận, vẻ lạnh lùng của mối nghi ngờ, ác quỉ ngạo mạn và đứa bé hồn nhiên, vẻ ngang tàng của kẻ rượu chè và cô gái ngây thơ trong trắng – tất cả, tất cả trong thơ này: và bầu trời, và mặt đất, và thiên đàng, và địa ngục”.
Những điều thú vị về Lermontov
* Lermontov rất phàm ăn và rất dễ tính trong việc chọn các món ăn.
* Có lần nhà thơ bị bạn bè chơi khăm, cho mùn cưa vào bánh mì nhưng nhà thơ vẫn điềm nhiên ăn hết mà không hề nhận biết gì khác.
* Lermontov rất thích giải các bài toán.
* Khi còn sống, Lermontov chỉ in được độc một tập thơ.
* Lermontov bị đánh giá là một chàng trai táo tợn, rất hay trêu chọc những người khác.
* Nhà thơ không bao giờ e ngại về cách cư xử của mình.
* Tiếng cười của thi sĩ luôn vang rất to.
* Lermontov hay tới nghe các bà thầy bói phán.
* Tự bản thân Lermontov cũng đã không bao giờ coi mình là người đẹp trai.
* Lermontov thích phá đám hôn lễ của những người khác, khi họ chuẩn bị làm đám cưới, anh tới giả bộ như phải lòng cô dâu…
* Trong con mắt của những người đương thời, mọi khiếm khuyết trong tính cách của nhà thơ đều được nhìn nhận một cách khoan dung theo thuyết có tài thì phải có tật.
* Lermontov được đánh giá như một nhà hùng biện xuất sắc, giống như Puskin.
* Trong gia đình Lermontov, mọi người trò chuyện với nhau chủ yếu bằng tiếng Pháp. Chỉ tới năm 15 tuổi, Mikhail mới lần đầu tiên được nghe kể một câu chuyện cổ tích Nga và ý thức được rằng, Nga ngữ thực sự là một thứ tiếng rất giàu giai điệu.
* Thuở nhỏ, cậu bé Mikhail rất hay ốm vặt.
* Hầu như trong mọi tác phẩm của Lermontov đều có hình bóng của xứ Cápcadơ. Lần đầu tiên nhà thơ tương lai tới Cápcadơ khi mới 10 tuổi.
* Lermontov có vốn hiểu biết sâu sắc về văn hóa châu Âu.
* Gogol đã gọi Lermontov là “một vì tinh tú bất hạnh làm sao ấy”