Phố 'Pháp' ở Hà Nội
“Khu phố Pháp” ở Hà Nội vẫn được nhiều người quen gọi là khu phố “cũ” để phân biệt với khu phố “cổ”, hình thành và phát triển chủ yếu trong thời kỳ từ cuối thế kỷ XIX cho đến năm 1954, mang những dấu ấn, đường nét đặc biệt và là di sản quý của văn hóa Thủ đô.
Trụ sở Bộ Ngoại giao (nay).
Những giai đoạn phát triển và những công trình tiêu biểu
Từ cuối thế kỷ XIX đến năm 1920, người Pháp bắt đầu xây dựng các công trình công cộng, các biệt thự đầu tiên trong khu phố Tây đồng thời với cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất ở Đông Dương. Các công trình đầu tiên được thiết kế theo phong cách Tân cổ điển (cũng đang thịnh hành ở Pháp) - bố cục dựa trên quy luật đối xứng nghiêm ngặt, nhấn mạnh khu vực trung tâm và hai khối bên cạnh của toàn quần thể. Các công trình tiêu biểu thời kỳ này là Phủ Toàn quyền (xây dựng năm 1902) nay là Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn, Dinh Thống sứ, Tòa án Tối cao... Các công trình này được tạo dựng dưới bàn tay chỉ đạo của kiến trúc sư Henri-Auguste Vildieu. Ngoài ra có thể kể đến: Nhà học biệt thự sát hồ (xây dựng năm 1909) nay là trường Trung học Chu Văn An, Trường Trung học Albert Sarraut (xây dựng năm 1919) nay là Văn phòng Trung ương Đảng…
Trong giai đoạn sau, từ năm 1920 đến năm 1954, có thêm các công trình: Nhà thờ Cửa Bắc (xây dựng năm 1925), Nhà Tài chính và Trước bạ (xây dựng trong những năm 1925-1930) nay là trụ sở Bộ Ngoại giao, Câu lạc bộ thể thao Pháp (xây dựng năm 1930) rồi trở thành Câu lạc bộ Ba Đình, nay đã nằm trong khuôn viên khu Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long và không còn dấu tích hiện hữu trên mặt đất, các biệt thự là trụ sở của 11 Đại sứ quán các nước Xã hội chủ nghĩa trước đây, câu lạc bộ Thủy quân (xây dựng năm 1939) nay là trụ sở Tổng cục Thể dục Thể thao, v.v…
Khu phía Đông hồ Hoàn Kiếm có nhiều công trình kiến trúc có giá trị như: Tòa thị chính thành phố (xây dựng trong 10 năm, 1897-1906), nay là Ủy ban Nhân dân thành phố, Phòng Thương mại và Nông nghiệp (xây dựng từ năm 1897 đến năm 1907) nay là Bưu điện Quốc tế Bờ Hồ, các kiến trúc trên phố Paul Bert này là phố Tràng Tiền, Nhà hát Lớn (xây dựng từ năm 1901 đến năm 1910), Tòa án tối cao (xây dựng năm 1912), Dinh Thống sứ (Bắc Bộ phủ, xây dựng năm 1918), nay là Nhà khách Chính phủ... Ngoài ra còn có các công trình công cộng phục vụ cho bộ máy chính quyền như: ga Hàng Cỏ, xây dựng năm 1902, nay là Ga xe lửa Hà Nội; Công ty xe lửa Đông Dương và Vân Nam nay là Trụ sở Tổng công đoàn Việt Nam, Bệnh viện K-radium.
Khu phía Tây hồ Hoàn Kiếm có Nhà thờ Lớn (xây dựng từ năm 1883 đến năm 1891), tòa soạn báo Hà Nội mới (44 Lê Thái Tổ), trụ sở Công an quận Hoàn Kiếm và khu phố của bà con công giáo cuối thế kỷ XIX ở khu vực các phố Nhà Chung, Nhà Thờ.
Khu vực nhà ở dành cho công chức người Pháp và một số ít công chức cao cấp người Việt ở Hà Nội có đường nét cơ bản dễ thấy là những khu biệt thự riêng biệt, được quy hoạch trên các tuyến phố vuông vắn như bàn cờ. Phía Nam hồ Hoàn Kiếm có gần 100 biệt thự lớn trên các phố Trần Hưng Đạo, Phan Chu Trinh, Lý Thường Kiệt, Hai Bà Trưng, Ngô Quyền… là nơi ở của các quan chức cao cấp người Pháp, Việt, một số ít thương gia.
Ý tưởng kiến trúc và quy hoạch
Tổng diện tích khu phố Pháp có quy mô khoảng 800 ha với ba khu vực, chủ yếu nằm trên địa bàn hai quận: Ba Đình và Hoàn Kiếm. Về cấu trúc, khu phố Pháp được thiết kế theo hai trục cơ bản là Bắc - Nam và Đông -Tây. Những công trình công cộng lớn như Nhà hát Lớn, ga Hàng Cỏ, Đại học Dược, Ngân hàng Đông Dương được bố trí làm các điểm nhấn.
Trong quy hoạch tổng thể của “khu phố Pháp”, cây xanh và hồ nước là những điểm nhấn quan trọng. Các tuyến phố nằm trên trục Bắc - Nam kết nối các khu vực không gian lớn với nhau như hồ Hoàn Kiếm, hồ Thiền Quang. Trong vườn các khu biệt thự đều có cây xanh. Nhiều giống cây mới được nhập (cây xà cừ, cây phượng…) và trồng dọc các tuyến phố ở Hà Nội, ở quanh Hồ Gươm, hồ Trúc Bạch, hồ Tây, hồ Thiền Quang... đóng vai trò quan trọng để cân bằng môi trường sinh thái và làm đẹp cho thành phố.
Biệt thự để ở được xây theo lối kiến trúc Pháp có tường vàng, cửa sơn xanh là những gam màu tiêu biểu. Tường rào chạy thẳng hàng dọc theo hè phố. Bờ tường thấp có hàng rào sắt ở trên là một trong những đường nét đặc trưng khi ngắm nhìn các biệt thự trong khu phố Pháp. Khu phố Pháp trở thành một quần thể đô thị tương đối đồng nhất về phong cách kiến trúc. Những công trình được xây dựng trong thời kỳ đầu “có vẻ như” chưa thích nghi với các điều kiện khí hậu, thời tiết bản địa. Tuy nhiên, sự thống nhất và khá triệt để trong việc sử dụng phong cách cổ điển đã tạo ra cho Hà Nội những biến đổi căn bản về hệ thống các công trình công cộng và không gian đô thị. Những công trình xây sau trong khu phố Pháp được “nhiệt đới hóa” (phong cách Đông Dương) cho thích hợp hơn với khí hậu Hà Nội: nhà có tầng hầm, tường dày, mái có khoảng không lớn để tăng khả năng cách nhiệt, chống nóng...
Biến đổi, hư hoại và phục hồi một phần
Khi người Pháp chấm dứt sự hiện diện về hành chính và quân sự ở Hà Nội, khu phố Pháp thuộc sở hữu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Công sở trước kia của chính quyền thuộc địa nay được sử dụng là nơi làm việc của chính quyền mới. Một phần trong số các biệt thự được sử dụng làm công sở. Một phần khác được chia cho các cán bộ cao cấp dùng làm chỗ ở.
Trong các biệt thự được dùng làm nhà ở, theo thời gian, dân số tăng lên. Diện tích ở bình quân trên đầu người trong những khu biệt thự giảm dần. Các biệt thự cũ không còn đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của người sử dụng nó. Người ta buộc phải tìm nhiều cách khác nhau để cải thiện điều kiện ở của mình. Biện pháp đơn giản nhất là xây thêm những phần công trình mới trên khoảng không gian còn lại của khuôn viên biệt thự hoặc cơi nới thêm gác, tầng xép. Kèm theo việc xây dựng là việc lắp đặt thêm các thiết bị mới trong nội thất: máy điều hòa nhiệt độ, bồn tắm hiện đại, bình nước nóng lạnh. Các biệt thự bị biến dạng, méo mó, mất đi giá trị ban đầu.
Từ năm 1986 đến nay, do nhu cầu buôn bán, người ta phá đi một phần của khu biệt thự, những phần tiếp giáp với đường phố, để cải tạo thành cửa hàng. Nhiều bức tường bao quanh được phá đi và các khu vườn của các biệt thự được biến thành các cửa hàng, quán ăn, quán cà phê. Nhiều ngôi biệt thự bị phá đi hoàn toàn để xây những building hiện đại. Số lượng biệt thự dùng để ở ngày càng giảm vì quá trình phá dỡ, cải tạo này vẫn đang tiếp tục.
Nhiều ngôi biệt thự, bằng nhiều cách và nhiều con đường khác nhau, lại được sửa chữa, khôi phục lại hình dáng và cấu trúc ban đầu. Việc tu sửa này trước hết nhằm mục đích kinh doanh (cho thuê để mở các nhà hàng, khách sạn, văn phòng) với mức giá cao. Xu hướng này không rầm rộ như xu hướng thứ nhất, song cũng đã xuất hiện nhiều trên những đường phố thuộc quận Ba Đình và Hoàn Kiếm.
*
* *
“Khu phố Pháp” cần được nhìn nhận như một di sản văn hóa, đặc biệt là văn hóa kiến trúc và quy hoạch đô thị. Nó cần được bảo tồn trên nhiều phương diện - như người ta đã từng nhấn mạnh với “khu phố cổ”.