Tự quản để xây dựng cộng đồng dân cư an toàn, ấm no, hạnh phúc
Chiều 16/12, tại Hà Nội, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thực hiện mô hình tự quản góp ý vào việc xây dựng Đề án mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp có ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cùng các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thực hiện mô hình tự quản.
Phát huy tinh thần tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm
Báo cáo tóm tắt quá trình triển khai xây dựng và các nội dung chính của dự thảo Đề án, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, để triển khai xây dựng Đề án, Ban Chỉ đạo đã hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng các nội dung, biểu mẫu báo cáo về tình hình tổ chức thực hiện các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư, thôn, tổ dân phố.
Ban Chỉ đạo cũng tổ chức 5 đoàn khảo sát về thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố tại 10 tỉnh gồm: Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên, Hưng Yên, Thái Bình, Thanh Hóa, Quảng Bình, Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp. Song song với đó, Ban Chỉ đạo cũng tiến hành phát và tổng hợp phiếu điều tra xã hội học về các hoạt động liên quan đến việc tổ chức các mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố; xây dựng 10 chuyên đề nghiên cứu khoa học, thực tiễn liên quan đến hoạt động mô hình tự quản do một số bộ, ngành, đoàn thể liên quan thực hiện.
Đặc biệt trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án, Ban Chỉ đạo đã tổ chức 4 hội thảo về thực trạng, giải pháp và góp ý vào dự thảo tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Tháp, Hà Nam với thành phần tham dự là đại diện các ban, bộ, ngành liên quan ở Trung ương, đại diện cấp ủy, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến xã, phường, thị trấn, đại diện các tổ chức, mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư.
Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại cuộc họp.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng cho biết, Ban Chỉ đạo sẽ tiến hành xin ý kiến bằng văn bản của các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan về dự thảo Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố. Dự kiến, việc tiếp thu hoàn thiện dự thảo Đề án lần cuối để thông qua Ban Chỉ đạo vào cuối tháng 12/2019, để trình Ban Bí thư Đề án và các sản phẩm của Đề án thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố trong quý I-2020.
Góp ý vào dự thảo Đề án, Thứ trưởng Bộ Nội Vụ ông Trần Anh Tuấn cho rằng, vấn đề đặt ra là phải thay đổi tư duy về đối về tổ chức hoạt động đối với các mô hình hoạt động tự quản theo tinh thần tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Theo ông Trần Anh Tuấn, những người tham gia mô hình tự quản ở thôn, tổ dân phố phải là những người có tâm huyết, trách nhiệm với cộng đồng dân cư và phải có tinh thần tự nguyện, chính vì vậy, cần thay đổi cách hiểu, cách tiếp cận và xây dựng được khung về tổ chức hoạt động mô hình tự quản ở khu dân cư, không nên để quá nhiều mô hình tự quản hoạt động; “phải thống nhất trong sự đa dạng” để tránh sự dàn trải, trùng lắp trong quá trình triển khai.
"Đề án cần làm rõ việc mô hình tự quản phải đảm bảo đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đặc biệt là vai trò chủ trì hướng dẫn, giám sát của MTTQ các cấp đối với các mô hình tự quản", ông Tuấn nêu quan điểm.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.
Từ thực tế triển khai các mô hình tự quản ở khu dân cư, bà Trần Thị Hương, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho biết, hiện nay có rất nhiều mô hình tự quản của phụ nữ được thành lập nhưng khi có kinh phí thì mô hình tồn tại, nhưng khi hết kinh phí thì mô hình tự quản cũng ngừng hoạt động. Cùng với đó, có rất nhiều mô hình còn trùng lắp về nội dung và hình thức triển khai; việc đánh giá hiệu quả của các mô hình vẫn mang tính chung chung, chưa sát với thực tế.
Bà Trần Thị Hương cho rằng, Đề án cần đưa ra những mô hình điển hình, tạo sức lan tỏa trong xã hội. Bên cạnh đó cần có hình thức động viên như khen thưởng, tạo điều kiện cho những người quản lý mô hình đi học hỏi kinh nghiệm và có phân cấp rõ trong việc phân công thực nhiệm vụ tự quản ở cộng đồng dân cư.
Giảm gánh nặng về chi ngân sách
Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương Đảng khóa XII; Kế hoạch 07 ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, Ban Bí thư Trung ương Đảng giao Đảng đoàn MTTQ Việt Nam xây dựng Đề án “Thực hiện mô hình tự quản ở cộng đồng dân cư thôn, tổ dân phố” nhằm chuẩn bị một số nội dung trong việc ban hành các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
“Việc đưa ra các nội dung, giải pháp nhằm triển khai mô hình tự quản phải thực sự đáp ứng được mục tiêu mà các văn bản của Đảng, Nhà nước đã đề ra để hoạt động tự quản giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở nâng cao chất lượng quản lý, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương và đất nước; đồng thời là giải pháp quan trọng trong bối cảnh tinh gọn tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị, giảm được gánh nặng về chi ngân sách nhà nước, từ đó, phát huy vai trò chủ thể của người dân” Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn gợi mở một số nội dung, giải pháp của Đề án.
Để hoàn thiện Đề án, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, Tổ biên tập và Ban soạn thảo cần làm rõ nội dung những nội dung phù hợp và chưa phù hợp của những văn bản đã ban hành quy định về chủ trì, ra quyết định thành lập, hỗ trợ kinh phí, cơ cấu tổ chức, điều kiện được tham gia, nguyên tắc hoạt động...
Bên cạnh đó, Đề án cần chỉ rõ hình thức tổ chức và hoạt động của tổ tự quản có trùng lắp với hoạt động của Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Ban Công tác mặt trận, Tổ dân vận ở cơ sở hay không. Từ đó làm rõ: những hoạt động nào cần sắp xếp lại, hoạt động nào cần xây dựng mới. Bên cạnh đó, cần phải đánh giá được mô hình tự quản có giúp được bà con cùng nhau phát triển kinh tế, giúp nhau giảm nghèo vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh, trật tự…
Từ thực tế số liệu điều tra hiệu quả của mô hình tự quản, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng, Đề án cần phải đánh giá nguyên nhân, kết quả đạt được và nhu cầu thực tế của người dân khi tham gia mô hình tự quản; phải làm rõ được vai trò chủ thể của người dân, hộ gia đình, từ đó quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp cũng phải đạt yêu cầu đó.
“Đảng, Nhà nước, MTTQ, các tổ chức thành viên chỉ định hướng, góp phần thúc đẩy hiệu quả các hoạt động tự quản”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Gợi mở nội dung, giải pháp trong Đề án, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho rằng cần phải làm rõ nội dung lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ nhằm tạo cơ chế trong tổ chức, hoạt động và phải phát huy vai trò, trách nhiệm, khả năng của cá nhân, cộng đồng, tự quản để chăm lo tốt hơn cho chính mỗi người, mỗi gia đình và xây dựng cộng đồng dân cư an toàn, ấm no, hạnh phúc.
“Đề án cần mạnh dạn đề xuất vấn đề gì mới, không chỉ dừng lại ở mức độ tổng hợp, nhận xét, báo cáo và đề xuất những vấn đề cũ. Cao hơn nữa là có đề xuất đưa nội dung phát huy mô hình tự quản như thế nào trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII tới”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn đề nghị.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng yêu cầu, nội dung tờ trình về Đề án phải ngắn gọn, chắt lọc, phải có sự tham gia góp ý của các cơ quan liên quan để khi được thông qua, mô hình tự quản sẽ thực sự phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, để nơi nào có mô hình tự quản hoạt động, nơi đó sẽ là địa bàn vững chắc, huy động sự vào cuộc tích cực của người dân dân.