Công bố một số luật mới
Ngày 16/12, Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố một số luật mới.
Đó là các luật: Bộ luật Lao động; Luật Thư viện; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Dân quân tự vệ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Luật Lực lượng dự bị, động viên; Luật Chứng khoán. Các luật nói trên đã được Quốc hội khóa XIV kỳ họp thứ 8 thông qua.
Trong các luật công bố lần này, Bộ luật Lao động được dư luận, nhất là người lao động quan tâm. Luật gồm 17 chương, 220 điều (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021; thay thế Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13), có nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung lớn như mở rộng đối tượng điều chỉnh đối với cả người lao động có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động; các quy định phù hợp với các nguyên tắc của kinh tế thị trường; bảo đảm phù hợp, tiệm cận với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Khoản 2, Điều 169 quy định về tuổi nghỉ hưu: “được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035. Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ”. Hay các quy định về chính sách tiền lương, để người sử dụng lao động quyết định. Theo Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung, Bộ luật ra đời có nhiều ý nghĩa, giải quyết được nhiều mục tiêu như công ăn việc làm, vấn đề già hóa dân số, bình đẳng giới, bảo đảm phát triển bền vững quĩ BHXH.v.v..
Công bố lần này có 4 luật mới đều có hiệu lực từ ngày 1/7/2020: Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam (8 chương, 52 điều); Luật Thư viện (6 chương, 52 điều; thay thế Pháp lệnh Thư viện số 31/2000/PL-UBTVQH 10); Luật Lực lượng dự bị động viên (5 chương, 41 điều; thay thế Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên ngày 27/8/1996); Luật Dân quân tự vệ (8 chương, 50 điều; thay thế Luật Dân quân tự vệ số 43/ 2009/ QH12). Riêng Luật Chứng khoán ( 10 chương, 135 điều; có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, thay thế Luật Chứng khoán số 70/2006/QH11 và Luật số 62/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán).
Một số luật sửa đổi, bổ sung được dư luận quan tâm: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam (sửa đổi 17 điều, bổ sung 3 điều của Luật số 47), trong đó có các quy định việc cấp thị thực điện tử và áp dụng giao dịch điện tử; hay miễn thị thực với thời hạn tạm trú 30 ngày cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển theo quyết định của Chính phủ khi đáp ứng đủ các điều kiện..v.v.; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức (sửa đổi, bổ sung 28/86 điều của Luật Cán bộ, công chức và 15/62 điều của Luật Viên chức). Nhiều nội dung được quan tâm như việc sửa đổi quy định về áp dụng ký kết hợp đồng làm việc xác định thời hạn từ 12 tháng đến 60 tháng đối với viên chức được tuyển dụng mới sau ngày 1/7/2020. Đồng thời quy định rõ 3 trường hợp: đã tuyển dụng trước ngày 1/7/2020; cán bộ, công chức chuyến sang làm viên chức; viên chức được tuyển dụng sau ngày 1/7/2020 nhưng làm việc tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì vẫn áp dụng chế độ hợp đồng làm việc không xác định thời hạn (Điều 25)…