Không chỉ là văn hóa công vụ

Dương Thanh Tùng 17/12/2019 07:00

Đùn đẩy trách nhiệm giữa Hải quan và Kiểm lâm tỉnh Quảng Trị trong vụ tạm giữ gần 50 cá thể động vật hoang dã những ngày qua, phản ánh thực tế rất khó chấp nhận về văn hóa công vụ.

Văn hóa công vụ không được đề cao vì lợi ích chung dẫn đến đùn đẩy và cũng là một trong nhiều nguyên nhân tạo nên “lỗ hổng trách nhiệm” của cá nhân, tổ chức, địa phương để xảy ra sai sót gây ra hậu quả. Có gì đó thật khó hiểu (thậm chí hài hước) khi 48 cá thể động vật hoang dã nằm chờ chết sau hàng chục ngày bị nhốt trong kho tang vật bít bùng còn Hải quan và Kiểm lâm của Quảng Trị vẫn loay hoay họp bàn, xin ý kiến.

Ngày 16/12 (13 ngày sau khi được Hải quan Quảng Trị tạm giữ), số phận của hàng chục cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) trong kho của Đội Kiểm soát Hải quan đóng trên địa bàn xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa (Đội KSHQ Tân Hợp) vẫn trong vòng bí mật.

Ngoài 3 cá thể Hon, 5 cá thể Dúi chết vào ngày 9/12 và 3 cá thể ĐVHD khác được cán bộ có trách nhiệm cho biết là chết trong ngày 3/12, dư luận không nhận được thông tin gì về số lượng, tình trạng sức khỏe của hàng chục cá thể ĐVHD còn lại trong kho tang vật Hải quan Quảng Trị.

Bất ngờ hơn, là vào ngày 15/12 khi trao đổi thông tin với báo chí, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị cho biết là đã chỉ đạo thả số ĐVHD còn lại về môi trường tự nhiên! Thông tin này gây cú sốc lớn đối với dư luận và các nhà hoạt động môi trường bởi ĐVHD bị bẫy, bị bắt nhốt, muốn được trở về với tự nhiên đều phải qua giai đoạn cứu hộ (phục hồi thể trạng, thích nghi dần với thiên nhiên hoang dã). ĐVHD bị nhốt hàng chục ngày trong kho kín của Hải quan, không được chăm sóc đúng phương pháp, nếu may mắn còn sống thì sẽ chết hoặc làm mồi cho thú hoang khác ngay khi được thả về rừng.

Dù không nhận được sự hợp tác của Hải quan và Kiểm lâm Quảng Trị nhưng chúng tôi cũng có trong tay các văn bản pháp lý liên quan đến vụ việc. Các văn bản này thể hiện rất rõ sự đùn đẩy trách nhiệm của 2 cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh là Hải quan và Kiểm lâm dẫn đến chỉ đạo không phù hợp. Theo công văn (số 1816/HQQT- CBL, ngày 5/12) của Cục Hải quan Quảng Trị gửi UBND tỉnh xin ý kiến chỉ đạo: Khoảng 14h ngày 3/12/2019, Đội KSHQ Tân Hợp của Cục Hải quan Quảng Trị phối hợp với Đội 2 (Cục Điều tra chống buôn lậu -Tổng cục Hải quan), Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm miền Trung (Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng), phát hiện ô tô tải biển kiểm soát 74B-004.33 lưu thông từ xã A Ngo huyện Đakrông ra QL 9 có dấu hiệu nghi vấn nên yêu cầu dừng lại để kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, trên xe tải có 20 cá thể Hon (tổng trọng lượng 55 kg); 26 cá thể Dúi (tổng trọng lượng 47 kg); 2 cá thể Chồn (tổng trọng lượng 4 kg), tất cả đều là ĐVHD còn sống.

Cùng với số ĐVHD còn sống nói trên, xe tải biển kiểm soát 74B-004.33 còn vận chuyển ĐVHD đã chết gồm 3 con Mang (trọng lượng 40kg); 5 con heo (tổng trọng lượng 180 kg); 6 con Nhím (tổng trọng lượng 34 kg) cùng 210kg gỗ xẻ thanh (nghi gỗ Cẩm lai).

Theo khai nhận ban đầu của ông Nguyễn Dư Hà, chủ xe tải biển kiểm soát 74B-004.33 thì ĐVHD (cả sống và chết) và 210 kg gỗ nói trên do một người đàn ông không quen biết, thuê chở từ khu vực km 50 QL 14 (nối QL 9 với Cửa khẩu quốc tế La Lay thuộc địa bàn xã A Ngo) về TP Đông Hà.

Đây là vụ vận chuyển trái phép ĐVHD và lâm sản, bị các lực lượng phối hợp phát hiện, bắt giữ nhưng công văn của Cục Hải quan gửi UBND tỉnh không đề cập đến địa chỉ cư trú của chủ xe cũng như danh tính người điều khiển phương tiện. Ngoài gần 50 cá thể ĐVHD còn sống, 14 cá thể ĐVHD đã chết cùng 210 kg gỗ rừng, công văn của Hải quan cũng không đề cập đến việc tạm giữ xe ô tô tải nêu trên.

Quá trình phát hiện, khám xét, tạm giữ tang vật không có sự tham dự tham gia của Kiểm lâm và đây có thể là nguyên nhân dẫn đến sự “bất hợp tác” của lực lượng này. Khi sự việc trở nên ồn ào, phát ngôn với báo chí, cán bộ có trách nhiệm của Kiểm lâm Đakrông (huyện Đakrông) cho rằng “Hải quan bắt thì họ xử lý!”. Chưa bàn đến đúng, sai nhưng để hàng chục cá thể ĐVHD bị nhốt nhiều ngày, thoi thóp chờ chết trong lồng sắt, cùng với việc tham mưu cho lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị thả hàng chục cá thể ĐVHD hoàn toàn kiệt sức về rừng; cho thấy thái độ, văn hóa công vụ của một bộ phận cán bộ ở địa phương này đang là vấn đề rất đáng quan tâm!

ĐVHD là linh hồn của thiên nhiên, cần được quản lý, bảo vệ bởi những cán bộ luôn đề cao tinh thần, văn hóa công vụ. Văn hóa công vụ không chỉ đặt trách nhiệm của tổ chức, cá nhân với nhiệm vụ lên trên hết, mà còn là động cơ thôi thúc từng cá nhân học hỏi, trau dồi chuyên môn để có thể quyết định sự sinh tồn hay diệt vong của các giống, loài ĐVHD được bảo vệ.

Ngày 26/2/2017, tiếp nhận thông tin về 2 cá thể Vọoc chà vá chân xám (danh pháp khoa học: Pygathrix cinerea - trong danh mục cực kỳ nguy cấp, nguy cơ tuyệt chủng mức CR)) được một chủ ga ra ô tô trên đường Lê Duẩn, TP Tuy Hòa (mua lại từ những người chuyên bẫy bắt) do PV báo Đại Đoàn Kết cung cấp; ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên chỉ đạo hạt Kiểm lâm TP Tuy Hòa làm các bước cần thiết để có thể bàn giao nhanh nhất 2 cá thể Vọọc chà vá chân xám nói trên cho tổ chức cứu hộ chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, đến rạng sáng 27/2, Voọc chà vá chân xám con đã lìa đời do cán bộ Kiểm lâm được phân công đến hiện trường không được trang bị kiến thức về loài linh trưởng đặc hữu, đặc biệt quý hiếm (chỉ còn khoảng từ 500 đến 700 cá thể tại các khu rừng của Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai).

Theo lời kể của nhân viên ga ra ô tô nói trên, khoảng 4h sáng Vọoc mẹ hôn tới tấp lên mặt Voọc con rồi nhẹ nhàng đặt xuống, kéo tấm bìa lót trong lồng sắt, phủ kín người Vọoc con và liên tục lấy tay lau nước mắt. Khi ấy mọi người mới biết Vọoc chà vá chân xám con đã chết. Có gì đó u uẩn trong đôi mắt loài Voọc và các giống loài hoang dại. Đấy không chỉ là những cánh rừng bị tận diệt, mà còn là thái độ, văn hóa ứng xử của con người với nhiệm vụ, công việc và với thiên nhiên hoang dã.

Dương Thanh Tùng