Trung tâm xã đặt ở đâu sau sáp nhập?
Ngày 17/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, cấp huyện, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, sau khi cân nhắc, thảo luận và nghe ý kiến giải trình của Chính phủ, chính quyền địa phương, Ủy ban Pháp luật tán thành việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đối với 11 tỉnh, gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An; và ban hành Nghị quyết về việc thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa và thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.
Theo ông Tùng, 11 tỉnh đề nghị sắp xếp lần này, số lượng các ĐVHC sau sắp xếp mà chưa đạt tiêu chuẩn theo quy định là khá lớn (76 đơn vị). Vì vậy, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu Chính phủ lưu ý, quán triệt trong quá trình chuẩn bị Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải hướng dẫn địa phương xây dựng phương án bảo đảm đạt tiêu chuẩn theo quy định, tránh trường hợp phải sắp xếp tiếp trong giai đoạn sau, gây ảnh hưởng, xáo trộn, mất ổn định của ĐVHC.
Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, chính quyền địa phương các tỉnh nỗ lực, quyết tâm triển khai thực hiện đề án sắp xếp ĐVHC, hỗ trợ ngân sách, huy động các nguồn lực đầu tư để các ĐVHC mới được sắp xếp phát triển mọi mặt về kinh tế- xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng trên địa bàn. Đồng thời, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức trên địa bàn có thời gian cho công tác chuẩn bị, rà soát, hướng dẫn việc thay đổi tên gọi, con dấu, giấy tờ có liên quan. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của địa phương để có biện pháp kịp thời tháo gỡ, khắc phục.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc sắp xếp phải thận trọng, không nên nóng vội vì còn liên quan đến vấn đề an ninh quốc phòng, phong tục tập quán, dân tộc, và địa thế của các xã vùng núi khi sắp xếp. Bên cạnh đó việc sắp xếp cũng liên quan đến công tác cán bộ. Do đó muốn làm tốt công tác cán bộ phải làm tốt công tác tư tưởng đối với cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách. Trong sử dụng cán bộ cần quan tâm chế độ chính sách hợp lý gắn với quy hoạch cán bộ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Sau sáp nhập các xã, vậy trung tâm xã đặt ở đâu?. Bởi theo tiêu chí hiện nay, đường ô tô đến trung tâm xã phải được cứng hóa. Rồi tất cả tài sản liên quan đến xã như trụ sở, trạm y tế, trường học, văn hóa sẽ sắp xếp như thế nào?
“Phải làm rõ vấn đề này, nếu không sẽ lãng phí lượng tài sản rất lớn. Việc sáp nhập gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới như thế nào?” - ông Hiển nêu vấn đề từ đó cho rằng, với những nơi diện tích rộng, dân số đông vậy công tác quản lý Nhà nước như thế nào? Nếu không chi tiết cụ thể sẽ lúng túng cho cơ sở.
Qua biểu quyết, 100% các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng tình thông qua Nghị quyết về sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã đối với 11 tỉnh, gồm: Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An; và ban hành Nghị quyết về việc thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa và thành phố Gia Nghĩa, thuộc tỉnh Đắk Nông. Nghị quyết sẽ bắt đầu có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.