Công nghiệp chế biến thực phẩm hút vốn đầu tư

Thanh Giang 19/12/2019 08:00

Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển công thương (Cục Xúc tiến Thương mại - Bộ Công thương), ngành công nghiệp thực phẩm đang có tiềm năng phát triển nhờ dân số đông, thu nhập bình quân cao, xu hướng tiêu dùng nhanh. Đây chính là lý do giúp ngành này có sức hút đối với các nhà đầu tư.

Bà Lý Thị Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM cho hay, giá trị tiêu thụ thực phẩm hàng năm của Việt Nam ước tính chiếm 15% giá trị GDP, lượng tiêu thụ thực phẩm chế biến tại Việt Nam cũng tăng trung bình gần 10%/năm và có xu hướng tăng trong thời gian tới. Cho thấy đây là một trong số ít ngành công nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh, được đánh giá là ngành có tiềm năng lớn. Dự báo, đến năm 2020, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng tiêu dùng thực phẩm, đồ uống cao thứ 3 trong nhóm các nước châu Á (sau Philippines, Indonesia).

Nhờ lợi thế về nông, lâm, thủy sản, vì vậy doanh nghiệp ngành công nghiệp thực phẩm từng bước phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp có thương hiệu uy tín trong ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống Việt Nam tập trung chủ yếu ở TPHCM và số lượng doanh nghiệp kinh doanh ở lĩnh vực này tại thành phố tăng trưởng khá nhanh, bình quân tăng 13,7%/năm trong 5 năm qua.

Điều đáng nói, doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm đã chú trọng việc đầu tư mạnh vào hệ thống máy móc thiết bị, công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh. Sản phẩm thực phẩm Việt đang cạnh tranh tốt ở thị trường trong nước và từng bước mở rộng thị trường nước ngoài. Hiện tại Việt Nam đã và đang tham gia ký kết các Hiệp định Thương mại tự do (FTAs, CPTPP), điều này mở ra rất nhiều lợi thế về thị trường cho doanh nghiệp ngành này phát triển.

Bên cạnh sự phát triển công nghiệp thực phẩm trong nước, ngành này đang có sức hút mạnh đối với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư phát triển công thương, các dự án FDI vào lĩnh vực chế biến thực phẩm tập trung nhiều tại Hà Nội, TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An,… Tính hấp dẫn của ngành thực phẩm Việt Nam đối với các doanh nghiệp ngoại thể hiện rõ với những cuộc chuyển giao gần đây giữa các doanh nghiệp ngoại và doanh nghiệp Việt trong ngành thực phẩm. Cụ thể, Công ty CP Thực phẩm Cầu Tre chuyển nhượng 71,6% cổ phần cho Tập đoàn CJ Hàn Quốc, Công ty CP Tập đoàn Kido chuyển nhượng 100% cổ phần tại Công ty CP Kinh đô Bình Dương cho Tập đoàn Mondelez International (Mỹ), Công ty CP Sữa Việt Nam Vinamilk chuyển nhượng gần 20% cổ phần cho Nhóm công ty Fraser & Neave (F&N - Singapore),...

Mặc dù được đánh giá cao về tiềm năng phát triển, tuy nhiên các chuyên gia vẫn cảnh báo những khó khăn buộc ngành này phải vượt qua. Bà Lý Thị Kim Chi chia sẻ: “Công nghiệp thực phẩm là ngành có áp lực cạnh tranh cao và ngày càng gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Yêu cầu đặt ra, đòi hỏi hàng hóa Việt Nam đảm bảo về mặt kỹ thuật, an toàn thực phẩm, hình thức mẫu mã,… Bởi vì, doanh nghiệp trong nước sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng sản phẩm, giá cả, thương hiệu với các doanh nghiệp nước ngoài”.

Thanh Giang