NATO, Mỹ mất gì nếu ra khỏi căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ?

Linh Chi 19/12/2019 08:00

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan mới đây cảnh báo có thể yêu cầu lực lượng Mỹ và NATO ra khỏi căn cứ quân sự Incirlik và Kurecik của họ, nhằm phản ứng trước các đòn trừng phạt của Washington.

NATO, Mỹ mất gì nếu ra khỏi căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ?

Hình ảnh bên trong căn cứ không quân Incirlik của Thổ Nhĩ Kỳ.

Căn cứ không quân Incirlik sở hữu một đường băng dài 3.048 m mà mọi loại phi cơ có thể hoạt động, trong đó có cả các máy bay ném bom chiến lược. Căn cứ này còn có đủ các khu vực sửa chữa, nhà kho, trung tâm thông tin liên lạc, hệ thống radio, chiếu sáng và thiết bị điều hướng...Mỹ hiện đang dự trữ 40 trái bom hạt nhân B61 của họ tại căn cứ này.

Incirlik cũng là trụ sở của Không đoàn 10 thuộc Bộ Tư lệnh không quân thứ hai của Thổ NHĩ Kỳ, và cả Không đoàn 39 của Không quân Mỹ. Theo ước tính, hiện có khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ đang đóng tại đây. Căn cứ không quân này còn chứa nhiều máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135 Stratotanker. Các máy bay này từng tham gia vào các chiến dịch trên không ở Syria và Iraq.

Không quân Mỹ đã sử dụng căn cứ Incirlik kể từ cuộc khủng hoảng năm 1958 ở Lebanon, và trong các chiến dịch Bão táp Sa mạc (1991), Cáo Sa mạc (1998) và trong khoảng thời gian chiến tranh ở Afghanistan (từ năm 2001), Iraq (từ năm 2003) và Syria.

Nếu Tổng thống Erdogan thực sự yêu cầu Mỹ rút khỏi căn cứ này, điều đó sẽ làm giảm khả năng hoạt động và tấn công của Không quân Mỹ tại Trung Đông. Theo giới chuyên gia, căn cứ Incirlik đóng vai trò rất quan trọng trong các chiến dịch mà Mỹ thực hiện tại nhiều quốc gia trong khu vực này, chưa kể tới tầm ảnh hưởng chính trị và quân sự của nó.

Bởi vậy, nếu Mỹ để mất căn cứ không quân Incirlik, khả năng phòng thủ cũng như tấn công của Mỹ chắn chắn sẽ giảm mạnh, đặc biệt là trong trường hợp giả định một mối đe dọa bắt nguồn từ lãnh thổ Iran. Ông Erdogan hiểu rõ tầm quan trọng của Incirlik, bởi vậy mới lấy nó ra làm chủ bài để đối phó với các lệnh trừng phạt của Mỹ.

Một tài sản quân sự quan trọng khác thuộc một phần của mạng lưới phòng thủ tên lửa của NATO - một hệ thống radar di động - cũng được lắp đặt tại căn cứ Kurecik, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ, cách không xa biên giới với Syria. Căn cứ này thuộc tỉnh Malatya, nằm trên một ngọn đồi cao 2.100 m so với mực nước biển, bởi vậy mà hệ thống radar trên có thể phát hiện các tên lửa đạn đạo từ khoảng cách 1.000 km. Để mất chỗ đặt radar thuận lợi như vậy có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng cảnh báo sớm của NATO.

Đối với các loại vũ khí hạt nhân được cho là của Mỹ đang cất giữ ở căn cứ không quân Incirlik, có khả năng cao là chúng không còn ở đó nữa.

Theo các chuyên trang về quân sự, Mỹ đã di dời các vũ khí hạt nhân của họ ở căn cứ Incirlik ngay sau cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2016. Bởi vậy, có khả năng là các khu nhà kho chứa bom hạt nhân B61 tại căn cứ Incirlik hiện đang trống rỗng.

Trong trường hợp ông Erdogan quyết định yêu cầu Mỹ rời khỏi các căn cứ của họ, Mỹ sẽ mất bao lâu để di dời hết khí tài của họ? Các máy bay của Mỹ có thể chỉ mất vài giờ đồng hồ. hệ thống radar AN/TPT-2 cũng có thể được vận chuyển nhờ máy bay chuyên chở Boeing C-17 Globmaster III.

Tuy nhiên, rất khó để ước tính khoản chi phí khổng lồ mà Mỹ đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở các căn cứ quân sự này, bởi các cơ sở hạ tầng đương nhiên không thể được di dời đi nơi khác. Sẽ là tổn thất lớn đối với Mỹ nếu họ phải từ bỏ các tài sản của mình tại căn cứ không quân Incirlik, bởi giá trị địa chính trị của nó rất lớn.

Tuy nhiên, Ankara và Washington cũng có thể giải quyết bất đồng thông qua một dạng thỏa thuận. Ngược lại, nếu Mỹ quyết định áp lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, họ có thể hứng chịu những hậu quả không thể đảo ngược, và tiếp tục trải qua mối quan hệ lạnh nhạt với Ankara.

Theo giới chuyên gia, chính quyền Ankara hiện đang tỏ ra hết sức phẫn nộ với Mỹ và NATO, bởi khối này không hề ủng hộ họ trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề quân sự và chính trị mà họ đang phải đối mặt. Đơn cử trong số đó là quan hệ căng thẳng với nước láng giềng Hy Lạp, hay tranh chấp các nguồn tài nguyên biển ở khu vực phía Đông Địa Trung Hải.

Linh Chi