Tìm hướng phát triển chiến lược sách quốc gia
Ngày 18/12, tại Hà Nội, NXB Chính trị quốc gia Sự thật đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xây dựng chiến lược sách quốc gia Việt Nam”.
Sách dành cho thiếu nhi hiện vẫn thiếu.
Chỉ 4 nhà xuất bản có lãi
Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, dù chưa như kỳ vọng nhưng tính đến hết năm 2019, nếu tính cả lượng sách nhập khẩu (khoảng 45 triệu bản), bình quân đã đạt 4,6 bản/người/năm, gấp 1,6 lần so với năm 2004. Doanh thu toàn ngành khoảng 2.600 tỉ đồng, gấp 6 lần về quy mô so với 2004. Lực lượng in, phát hành hành sách phát triển mạnh với gần 2.000 cơ sở in, 14.000 cơ sở phát hành, trong đó có trên 1.800 công ty phát hành, gần 300 đơn vị tham gia vào hoạt động liên kết xuất bản...
Tuy nhiên, những năm vừa qua, hoạt động xuất bản nước ta còn bộc lộ không ít hạn chế, yếu kém. Số lượng tên sách được xuất bản hàng năm đã có bước phát triển nhưng chưa bền vững. Mức hưởng thụ bình quân sách/đầu người của nước ta tuy đã có bước tiến mạnh nhưng còn thấp so với yêu cầu, không thực hiện được mục tiêu đạt 6 bản/người vào 2010. Cơ cấu sách còn bất hợp lý. Sách giáo khoa, giáo trình, tham khảo chiếm 84,9% về số bản sách. Trong khi đó, sách chính trị, pháp luật chiếm chỉ 1,2% về số bản sách; sách văn hóa, xã hội, nghệ thuật, tôn giáo chiếm 5,8% về bản; sách văn học chiếm 1,9% về bản sách; sách thiếu niên, nhi đồng chiếm 5,3% số bản sách... Với một quốc gia xây dựng kinh tế tri thức, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì với cơ cấu sách mất cân đối như trên thực sự vấn đề quan ngại. Không những vậy, chất lượng một số mảng sách chưa cao. Đơn cử như sách văn hóa - xã hội, văn học, nghệ thuật còn rất thiếu các công trình nghiên cứu, các tác phẩm có giá trị đỉnh cao. Sách điện tử phát triển chậm không như kỳ vọng, chưa có sự chuyển dịch phù hợp, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa đọc trong thời đại kỷ nguyên số. Tính đến tháng 12/2019, tổng số bản sách điện tử vào khoảng 2.400 tựa sách nhưng lượt truy cập cũng mới chỉ ở mức 1,5 triệu lượt (nếu tính lượt truy cập tương đương 1 bản sách thì sách điện tử chiếm khoảng 0,4% số lượng bản sách/năm). Hiện chỉ có 6/59 nhà xuất bản được cấp xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử...
Về lợi nhuận, toàn ngành đạt trên 200 tỷ đồng, trong đó chỉ có 4 nhà xuất bản lãi trên 10 tỷ đồng/năm, phần lớn lãi dưới 2 tỷ đồng hoặc kinh doanh kém hiệu quả và không có lãi.
Tìm hướng đi
Tại Hội thảo, các đại biểu đều cho rằng cách đây 15 năm, Chỉ thị 42 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã nêu chủ trương “xây dựng chương trình quốc gia xuất bản các loại sách thiết yếu về chính trị - xã hội và văn hóa”. Đó là nhiệm vụ song cũng là định hướng lớn cho xuất bản phát triển. Trong bối cảnh hiện nay, nhiệm vụ này cần được thực hiện với một tinh thần mới. Từ những chương trình sách riêng lẻ của Trung ương, của bộ, ngành và địa phương, đã đến lúc không chỉ dừng lại ở một chương trình sách quốc gia cho một hoặc một số loại sách; mà cần có một chiến lược sách quốc gia với tầm nhìn cho 10, 20 thậm chí 30 năm nữa.
Theo Giám đốc Công ty Sách Omega Việt Nam Vũ Trọng Đại, cần cởi mở hơn nữa đối với hoạt động xuất bản điện tử. Muốn có sự đột phá trong công nghệ xuất bản, đi đôi và hỗ trợ cho nó phải là tháo gỡ về cơ chế, sự tạo điều kiện và ủng hộ của các cơ quan quản lí nhà nước trong lĩnh vực xuất bản và truyền thông, nhất là với các startup non trẻ. Sự thay đổi có thể từ từ, cẩn trọng nhưng là một xu thế không tránh khỏi. Bên cạnh đó, phát triển văn hóa đọc không nên chỉ là trách nhiệm của ngành xuất bản. Việc đọc, không giới hạn là sách giấy mà rộng hơn là đọc/nghe nội dung kiến thức trên nhiều loại hình công cụ khác nhau (máy tính, Ipad, điện thoại...), cần phải được đưa vào chương trình giáo dục tại nhà trường và hoạt động cộng đồng của các khu dân cư.
Dẫn chứng từ việc xuất bản sách dành cho thiếu nhi, TS Đặng Mỹ Hạnh- Khoa Xuất bản (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho rằng, mặc dù loại độc giả này chiếm một “phân khúc nhỏ” trên thị trường sách, nhưng việc xây dựng kế hoạch Sách Quốc gia không thể không quan tâm đến các em. Điều đó vừa thể hiện tính nhân văn của xã hội, vừa góp phần thúc đẩy sự bình đẳng của xã hội với các em - điều mà hiện nay, xã hội ta còn yếu. “Xây dựng kế hoach chiến lược sách quốc gia là một việc cần thiết, hướng tới việc xây dựng con người Việt Nam vừa giữ được bản chất tốt đẹp vừa truyền thống vừa hiện đại, năng động, sáng tạo. Việc xây dựng này không thể làm theo ý kiến chủ quan, cảm tính mà cần được xây dựng từ các cơ sở nghiên cứu khoa học công phu. Và để thành công, bên cạnh những gởi mở về giải pháp, chúng ta không thể không đề cao một công việc có tính “soi đường, chỉ lối”, đó là việc xác định mục tiêu chiến lược cho tầm nhìn về sách của quốc gia”-TS Đặng Mỹ Hạnh nhấn mạnh.