Đoàn kết, dân chủ, đổi mới và phát triển, nhằm phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) 21/12/2019 15:05

Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra trong bối cảnh Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã 20 năm đi vào cuộc sống, (đã được sửa đổi, bổ sung cách nay đã 5 năm), đây thực sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân; là quá trình nâng cao nhận thức, hành động cách mạng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội của đất nước, đường lối chiến lược của Đảng về chính sách đại đoàn kết dân tộc và vai trò của MTTQ như các Nghị quyết của Đảng đã đề ra.

Đoàn kết, dân chủ, đổi mới và phát triển, nhằm phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc;Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước với các Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa IX. (Ảnh: TTXVN).

Cùng với kết quả thực hiện toàn diện công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được củng cố và tăng cường trong điều kiện mới; tinh thần dân tộc, lòng yêu nước được khơi dậy mạnh mẽ; mối quan hệ gắn bó và niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước không ngừng được củng cố; các tầng lớp nhân dân phát huy quyền làm chủ, đoàn kết sáng tạo thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong xã hội đang và sẽ tiếp tục tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp, hình thức sở hữu khác nhau về tư liệu sản xuất, song mối quan hệ giữa các giai cấp, tầng lớp dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự quản lý của Nhà nước đã, đang và sẽ tiếp tục thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đó là quan hệ hợp tác, chung sức chung lòng vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Truyền thống yêu nước, thương nòi, nhân nghĩa, khoan dung được MTTQ Việt Nam kế thừa và phát huy đã tạo động lực thúc đẩy các phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ thiện nhân đạo phát triển rộng khắp, trở thành phong trào toàn dân, toàn diện, toàn quốc, là nét đẹp văn hóa của con người Việt Nam.

Quan điểm, chủ trương về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện và cụ thể hóa bằng các chính sách, pháp luật được Ủy ban Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên tiếp tục triển khai rộng rãi, thể hiện ngày càng rõ nét trong cuộc sống. Dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy gắn với ổn định chính trị, đảm bảo an ninh xã hội. Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam với các tầng lớp nhân dân ngày càng ổn định và mật thiết.

MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên được củng cố về mặt tổ chức, từng bước đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân, tiếp tục hướng mạnh về cơ sở, quan tâm đến các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đã phối hợp với các ngành, các địa phương, tổ chức và động viên nhân dân tham gia các phong trào thi đua các cuộc vận động thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh; phát huy mọi nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tổ chức, động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; mở rộng đối ngoại nhân dân, tăng cường đoàn kết, hữu nghị, hợp tác quốc tế, góp phần cùng công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước củng cố môi trường hòa bình, hữu nghị hợp tác và phát triển để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Từ thành công và chưa thành công trong hoạt động của MTTQ Việt Nam qua hơn 30 năm đổi mới cho phép ta rút ra những bài học kinh nghiệm sau:

1. Thường xuyên quán triệt, thực hiện nghiêm túc tư tưởng Hồ Chí Minh và các chủ trương, đường lối của Đảng về đại đoàn kết dân tộc, về vị trí, vai trò của Mặt trận trong hệ thống chính trị nước ta là điều kiện kiên quyết để MTTQ hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trong giai đoạn hiện nay.

2. Đoàn kết phải gắn liền với dân chủ, kỷ cương, hài hòa lợi ích và công bằng xã hội. Ở đâu phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo tốt kỷ cương phép nước, thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ công dân, đảm bảo hài hòa lợi ích và công bằng xã hội thì ở nơi đó, lúc đó có sự đồng thuận xã hội cao và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường.

3. Chương trình phối hợp và thống nhất hành động giữa Ủy ban MTTQ với chính quyền cùng cấp chỉ mang lại hiệu quả thiết thực khi nó bám sát thực tiễn cuộc sống của địa phương và lấy lợi ích của người dân làm điểm xuất phát.

4. Việc xây dựng tổ chức, bộ máy và đội ngũ cán bộ phải gắn liền với việc tích cực đổi mới tư duy, đổi mới phương thức hoạt động. Phải coi cán bộ chuyên trách là nòng cốt, là người móc nối xây dựng mạng lưới các cộng tác viên, các Hội đồng Tư vấn để thu hút trí tuệ và sức mạnh của toàn dân nhằm hoàn thành những nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Nhiệm kỳ IX của MTTQ Việt Nam là nhiệm kỳ sẽ diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và dân tộc: Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 90 năm ngày truyền thống của MTTQ Việt Nam, 75 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Đây cũng là nhiệm kỳ tiến hành Đại hội lần thứ XIII Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XV và bầu cử Đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp. Cùng với quá trình đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, những sự kiện chính trị nêu trên đã, đang và sẽ đặt ra nhiều yêu cầu mới, quan trọng cho Mặt trận các cấp. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX MTTQ Việt Nam đề ra mục tiêu: “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam; tăng cường củng cố liên minh chính trị, xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận xã hội, thúc đẩy tinh thần thi đua sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh”.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu nêu trên, hoạt động của Mặt trận cần:

a -Tiếp tục thực hiện đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

b- Động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia các phong trào, các cuộc vận động yêu nước phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

c -Vận dộng nhân dân phát huy quyền làm chủ, tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận và các tổ chức thành viên trong việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội gắn với yêu cầu tăng cường sự đồng thuận xã hội.

d- Mở rộng đối ngoại nhân dân, tăng cường, đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước trên thế giới.

Phương hướng, nội dung, nhiệm vụ công tác mà Đại hội nêu ra sẽ không thể thực hiện được nếu không đổi mới phương thức hoạt động không củng cố, nâng cao chất lượng bộ máy chuyên trách, mở rộng các tổ chức tư vấn - cơ quan tham mưu cực kỳ quan trọng cho Ban Thường trực, không bổ sung phương tiện và điều kiện hoạt động cho Ủy ban Mặt trận các cấp; đặc biệt là đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với tư cách vừa là người lãnh đạo, vừa là thành viên. Với tính chất là một tổ chức liên minh chính trị, đổi mới phương thức hoạt động trước hết phải bắt đầu bằng sự phối hợp và thống nhất hoạt động giữa các tổ cức thành viên, giữa Mặt trận với chính quyền. Đây không chỉ là phương thức hoạt động mà còn là chức năng bẩm sinh và nhiệm vụ chủ yếu của MTTQ Việt Nam. Sự phối hợp và thống nhất hành động phải được tiến hành ở mọi cấp từ trung ương đến cơ sở.

Cùng với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, một nhiệm vụ lớn được Đại hội đặt ra là kiện toàn tổ chức, bộ máy và cán bộ ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Cụ thể:

- Đối với Ủy ban MTTQ các cấp cần cấu tạo sao cho hợp lý, đảm bảo tính đại diện, tính tiêu biểu, tính thiết thực, thể hiện rõ thực sự là một tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

- Về bộ máy chuyên trách của cơ quan Mặt trận các cấp cần xây dựng theo hướng tinh gọn, trọng chất lượng và hiệu quả, đủ sức làm nòng cốt và tham mưu cho Ủy ban Mặt trận các cấp trên mọi lĩnh lực hoạt động.

Sự nghiệp cách mạng càng phát triển thì hoạt động của MTTQ càng quan trọng. Vì vậy, hoạt động của Mặt trận không chỉ là hoạt động của bộ máy chuyên trách, mà phải là hoạt động của toàn dân, trong đó việc xây dựng các Hội đồng, các tổ chức tư vấn mạnh và đầy nhiệt huyết, và lực lượng công tác viên đông đảo là cực kỳ quan trọng. Đây chính là nơi tập hợp trí tuệ, kiến thức và kinh nghiệp của cán bộ kể cả đương chức lần về hưu giúp cho Mặt trận các cấp nâng cao chất lượng hoạt động của mình.

Nguyễn Túc (Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam)