Để doanh nghiệp phát triển bền vững
Doanh nghiệp (DN) hội nhập, hiệu quả, bền vững- đó chính là mục tiêu và cũng là chiến lược phát triển của DN trong quá trình hội nhập sâu rộng.
Quang cảnh một hội thảo bàn giải pháp thu hút nguồn lực cho khởi nghiệp sáng tạo.
Trong giai đoạn 2016-2019, mỗi năm có trên 126.000 DN thành lập mới. Năm 2019, dự kiến đạt 136.000 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng. Như vậy tính đến nay cả nước đang có khoảng khoảng 760.000 DN, tiến sát mục tiêu 1 triệu vào năm 2020. Có thể coi đây là một sự bứt phá ngoạn mục. Tuy nhiên cũng phải sòng phẳng nhìn nhận lại rằng hiện nay sự phát triển của khu vực DN vẫn còn chưa thực sự hiệu quả và bền vững. Điều đó thể hiện ở việc số lượng DN thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ DN gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn còn ở mức cao. Tỷ lệ DN tạm ngừng kinh doanh và giải thể so với tổng số DN thành lập mới hằng năm trong giai đoạn 2017- 2019 trung bình khoảng 58,1%.
Trong bối cảnh chung đó cũng phải quan tâm đến “sức khỏe” hiện tại của DN nhà nước vốn được coi là những “quả đấm thép” của nền kinh tế, nắm giữ lượng vốn lớn nhưng tăng trưởng của khối này vẫn chưa xứng với kỳ vọng. Bởi dù đóng góp gần 30% tăng trưởng kinh tế, giữ tỷ trọng đa số hoặc chi phối một số ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế như ngân hàng, tài chính, tín dụng, năng lượng nhưng hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước thấp hơn so với hiệu quả đầu tư vốn của thành phần kinh tế khác. Và nguyên nhân của thực trạng này là do sự lúng túng giữa việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DN nhà nước theo cơ chế thị trường với việc tăng cường quản lý, giám sát của Nhà nước đã dẫn tới sự can thiệp hành chính vào DN nhà nước. Chính vì vậy vừa qua, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã kiến nghị, cơ quan chức năng cần tách bạch hoàn toàn đội ngũ cán bộ quản lý DN nhà nước ra khỏi chế độ công chức, viên chức nhà nước, thực hiện chế độ lương theo thị trường, hợp đồng lao động với tất cả chức danh điều hành DN nhà nước.
Nhìn thực trạng bức tranh về DN có thể thấy sự phát triển của khu vực DN vẫn còn chưa thực sự hiệu quả và bền vững, thiếu DN quy mô lớn và vừa, năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế, trình độ quản trị, khả năng liên kết còn thấp. Kể cả DN tư nhân hay DN nhà nước thì năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế, máy móc thiết bị còn lạc hậu, chưa mạnh dạn đầu tư cho ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ trong DN, đặc biệt công nghệ lõi, công nghệ tiên phong. Chưa kể đến, trình độ quản trị của DN còn thấp, thiếu tầm nhìn và chiến lược kinh doanh dài hạn. Các DN có khả năng liên kết yếu, năng lực cạnh tranh thấp để có thể xuất khẩu sang thị trường nước ngoài, tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Để DN tư nhân cũng như DN nhà nước phát triển rất cần vai trò “bà đỡ” của Nhà nước trong thiết kế chính sách. Nếu như thành quả đem lại sau phiên đối thoại lần thứ hai với DN được Thủ tướng thể hiện bằng hành động ký chỉ thị yêu cầu không được thanh tra, kiểm tra 1 năm quá 1 lần đối với DN đã đem lại một sự phấn khởi trong cộng đồng DN. Bởi nó được coi là sự “cởi trói” về mặt thể chế để xóa bỏ đi sự nhũng nhiễu, phiền hà với DN góp phần để năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều chỉ tiêu hoàn thành với những con số ấn tượng như: GDP, kim ngạch xuất nhập khẩu lần đầu tiên cán mốc 500 tỷ USD, chỉ số năng lực cạnh tranh của đất nước tăng 10 bậc, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều chuyển biến, cải cách thì tại hội nghị đối thoại lần thứ ba này điều được cộng đồng DN hy vọng nằm ở việc làm sao để DN phát triển bền vững hơn nhờ những chính sách mang tính đột phá về thể chế. Và đó cũng là điều cần phải được nhìn nhận rõ hơn và giải quyết quyết liệt hơn, ngay từ bây giờ.