Đổi mới đánh giá học sinh lớp 1: Chú trọng phẩm chất và năng lực người học

Minh Quang 21/12/2019 08:00

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Bộ GDĐT đã tổ chức hội thảo hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (GDPT mới), với khoảng 100 giáo viên đến từ các địa phương trên cả nước tham dự.

Đổi mới đánh giá học sinh lớp 1: Chú trọng phẩm chất và năng lực người học

Đổi mới cách đánh giá học sinh lớp 1 theo hướng chú trọng phẩm chất và năng lực.

Thay đổi cách thức đánh giá

Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, Bộ đang rất tích cực triển khai Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông; trong đó, tinh thần cốt lõi là chuyển nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục chú trọng phát triển toàn diện về phẩm chất, năng lực người học. Thời gian qua, Bộ GDĐT đã xây dựng Chương trình GDPT mới thay thế Chương trình phổ thông hiện hành. Trong đó, chương trình hiện hành là theo cách tiếp cận nội dung, yêu cầu đầu ra là chuẩn kiến thức, kĩ năng, thái độ; còn chương trình GDPT mới yêu cầu đầu ra là phẩm chất, năng lực. Do đó, cách thức đánh giá cũng thay đổi, từ đánh giá đầu ra theo chuẩn kiến thức kĩ năng, chuyển sang đánh giá theo chuẩn phẩm chất, năng lực.

Ông Nguyễn Hữu Độ cũng chia sẻ, hiện về đánh giá học sinh tiểu học, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, sau đó có sửa đổi bằng Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT. Hai thông tư này đánh giá theo định hướng tiếp cận năng lực, cánh đánh giá đã tiệm cận với quốc tế, vừa đánh giá thường xuyên kết hợp với đánh giá định kỳ. Thực tế qua 5 năm triển khai Thông tư số 30, sau đó sửa đổi trong Thông tư 22, công tác đánh giá học sinh tiểu học đã có nhiều kết quả tích cực, bước đầu tạo chuyển biến trong nhận thức về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận năng lực.

Ông Thái Văn Tài -Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) khẳng định, việc triển khai Thông tư 22 về đánh giá học sinh tiểu học trong những năm qua là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đánh giá học sinh theo chương trình GDPT mới. Trong chương trình mới, việc đánh giá học sinh dựa trên phẩm chất và năng lực được quy định trong chương trình tổng thể và chương trình môn học, hoạt động giáo dục, chứ không phụ thuộc vào nội dung kiến thức trong SGK. Do vậy, kiến thức trong SGK chỉ là tài liệu dạy học để hình thành phẩm chất và năng lực của học sinh. Ví dụ, đánh giá học sinh lớp 1 khi kết thúc học kỳ I về môn Tiếng Việt thì giáo viên sẽ yêu cầu học sinh đọc được 30 tiết/phút…

Đánh giá thường xuyên kết hợp với định kỳ

Để triển khai Chương trình GDPT mới bắt đầu với lớp 1 vào năm học 2020-2021, Bộ GDĐT đã xây dựng văn bản hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo chương trình mới. Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Công Khanh - Chủ nhiệm đề tài cấp quốc gia “Đánh giá học sinh tiểu học theo tiếp cận năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình GDPT” cũng đã giới thiệu dự thảo Khung chuẩn đánh giá các phẩm chất, năng lực chung và năng lực đặc thù của học sinh lớp 1. Trong đó, riêng về đánh giá học sinh tiểu học, đổi mới lần này đi theo hướng tiếp cận phẩm chất năng lực; cách đánh giá đã tiệm cận với quốc tế - vừa đánh giá thường xuyên kết hợp với đánh giá định kỳ.

Hiện nay, Bộ trưởng Bộ GDĐT cũng đã phê duyệt 5 bộ SGK lớp 1. Để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bắt đầu với lớp 1 vào năm học 2020-2021, Bộ GDĐT sẽ khẩn trương xây dựng và thu thập góp ý của giáo viên địa phương cả nước về văn bản hướng dẫn đánh giá học sinh lớp 1 theo chương trình GDPT mới. Dự kiến văn bản này sẽ giúp giáo viên các địa phương lấy đó làm căn cứ cho việc đánh giá được đồng đều nhất khi thực hiện việc một chương trình dạy bằng nhiều bộ sách, nhưng vẫn đảm bảo tính thống nhất trong chất lượng học sinh.

Ông Nguyễn Hữu Độ bày tỏ hi vọng các thầy cô, với kinh nghiệm từ thực tế triển khai sẽ có những ý kiến đóng góp giúp Bộ GDĐT ban hành văn bản mới phù hợp.

Theo TS Đỗ Anh Dũng-Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT): Đánh giá kết quả học tập của học sinh đối với các môn học và hoạt động giáo dục theo quá trình hay ở mỗi giai đoạn học tập chính là biện pháp chủ yếu nhằm xác định mức độ thực hiện mục tiêu dạy học về kiến thức, kĩ năng, thái độ và năng lực, đồng thời có vai trò quan trọng trong việc cải thiện kết quả học tập của học sinh.

Trong đánh giá thành tích học tập của học sinh không chỉ đánh giá kết quả mà chú ý cả quá trình học tập. Đánh giá thành tích học tập theo quan điểm phát triển năng lực, không giới hạn vào khả năng tái hiện tri thức mà chú trọng khả năng vận dụng tri thức trong việc giải quyết các nhiệm vụ phức hợp. Cần sử dụng phối hợp các hình thức, phương pháp kiểm tra, đánh giá khác nhau. Kết hợp giữa kiểm tra miệng, kiểm tra viết, bài tập thực hành; kết hợp giữa trắc nghiệm tự luận và trắc nghiệm khách quan…

Minh Quang