Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Nhiều chỉ tiêu vượt so với kế hoạch

Lê Bảo 21/12/2019 07:00

Theo Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến hết tháng 11/2019, có 2 chỉ tiêu đã vượt kế hoạch được giao. Theo đó, cả nước có 533.000 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 113% kế hoạch giao; 85,29 triệu người tham gia BHYT (đạt 100,15% kế hoạch giao). Các chỉ tiêu còn lại cũng đạt ở mức cao, xấp xỉ với kế hoạch được giao. Trong đó, cả nước có khoảng 15,065 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 99,6% so với kế hoạch giao; khoảng 13,193 triệu người tham gia BH tự nguyện đạt 99,7% kế hoạch giao.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Nhiều chỉ tiêu vượt so với kế hoạch

Nhiều chỉ tiêu được Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cán đích sớm so với kế hoạch.

Nhiều chỉ tiêu cán đích

Cụ thể, theo thống kê đến hết tháng 11 năm nay, cả nước có khoảng 15,065 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 99,6% so với kế hoạch giao. Riêng lĩnh vực BHXH tự nguyện thu hút 533.000 người tham gia, đạt 113% kế hoạch giao. Bên cạnh đó, khoảng 13,2 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Con số tham gia Bảo hiểm y tế (BHYT) cán mốc 85,29 triệu người, đạt 100,15% kế hoạch giao. Về số thu, toàn ngành đã thu BHXH, BHYT, BHTN được số tiền 322.316 tỷ đồng (đạt 89,6% kế hoạch giao). Trong đó, thu BHXH là 218.687 tỷ đồng, thu BHTN là 15.522 tỷ đồng, thu BHYT là 87.576 tỷ đồng. Tổng số nợ BHXH phải tính lãi (từ 1 tháng trở lên) đạt khoảng 7.286 tỷ đồng, bằng 2,03% so với kế hoạch thu được giao năm 2019.

Ngoài ra toàn ngành cũng đã giải quyết 107.440 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng; 775.543 người hưởng trợ cấp 1 lần; 9.876.261 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; thanh toán chi phí KCB BHYT khoảng 167,828 triệu lượt người; phối hợp với ngành LĐTB&XH giải quyết 878.418 người hưởng chế độ BHTN.

Để đạt được kết quả tích cực nêu trên, toàn ngành BHXH đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), triển khai giao dịch điện tử đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như: tổ chức bộ phận “Một cửa” tại BHXH cấp tỉnh, cấp huyện; vận hành có hiệu quả hệ thống “Một cửa điện tử”…

Ngay trong tháng 11/2019, BHXH Việt Nam đã phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông chính thức khai trương cơ sở dữ liệu chuyên ngành BHXH và kết nối hệ thống thông tin quản lý hộ tịch qua trục dữ liệu quốc gia phục vụ liên thông khai sinh, cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi… Mới đây nhất, 1 trong 5 dịch vụ công sẽ được cung cấp đầu tiên trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG) thực hiện tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước là dịch vụ cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng. Đặc biệt trong tháng 12/2019, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ LĐTB&XH và các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các văn bản, quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của BHXH địa phương để triển khai trong toàn ngành Đề án “Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”. Tập trung hướng dẫn, xử lý những tồn tại, vướng mắc trong triển khai, thực hiện các chế độ, chính sách BHXH, BHYT; phối hợp với ngành Bưu điện quản lý chặt chẽ đối tượng thụ hưởng, đổi mới phương thức phục vụ, chi trả qua các tổ chức dịch vụ công; đẩy mạnh việc chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ.

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng kể nêu trên, nhưng theo đánh giá của BHXH Việt Nam, tại một số tỉnh, thành phố, nhất là các tỉnh, thành phố lớn, số nợ phải tính lãi vẫn ở mức cao. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT đã có sự chuyển biến, nhưng đang có dấu hiệu chững lại, nhất là BHXH tự nguyện. Công tác kiểm soát chi phí KCB BHYT tại một số địa phương chưa tốt. Việc thực hiện giám định trên Hệ thống thông tin giám định điện tử tại một số tỉnh, thành phố chưa đạt yêu cầu đề ra, kết quả từ chối thanh toán giám định theo các chuyên đề còn thấp, dẫn đến nguy cơ cao vượt dự toán chi KCB BHYT được giao năm 2019. Công tác rà soát, xử lý trùng dữ liệu, cấp mã số BHXH cho người tham gia vẫn chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra…

Hoàn thành tốt chỉ tiêu

Về những giải pháp thực hiện kế hoạch thu, phát triển đối tượng cần tập trung quyết liệt trong tháng 12/2019, ông Dương Văn Hào - Trưởng Ban Thu BHXH Việt Nam cho rằng, cần tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra đột xuất tại các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng BHXH, BHYT. Đồng thời, đẩy mạnh đôn đốc BHXH các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp. Bên cạnh đó, duy trì, tổ chức Hội nghị trực tuyến hàng tháng để kịp thời tháo gỡ vướng mắc. Tập trung nguồn lực cho việc đôn đốc thu, giảm nợ xuống mức thấp nhất; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tài chính, cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT trong việc chuyển tiền ngân sách đóng, hỗ trợ đóng BHYT, BHXH tự nguyện. Đặc biệt, cần tiếp tục bám sát đơn vị sử dụng lao động để thu đủ số tiền phát sinh phải thu trong tháng 12 và số tiền còn phải thu của những tháng trước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý đối tượng tham gia BHYT rà soát, đối chiếu, lập danh sách tăng, giảm người tham gia BHYT năm 2020.

Đề cập đến tình hình triển khai các dự án công nghệ thông tin (CNTT) phải hoàn thành trong năm 2019, ông Lê Nguyên Bồng- Giám đốc Trung tâm CNTT đã cho biết, hiện nay, Trung tâm CNTT đã thực hiện việc triển khai sử dụng cổng thông tin điện tử tập trung 63 BHXH tỉnh, thành phố, đảm bảo an toàn thông tin mạng trong toàn ngành theo đúng tiêu chuẩn. Ngoài ra, phần mềm Data WareHouse cũng đang hoạt động tốt, đảm bảo chất lượng.

Để hoàn thành các mục tiêu trong năm 2019, tạo đà cho thực hiện các mục tiêu năm 2020, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu cho rằng, BHXH các tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng, thực hiện các giải pháp để đảm bảo cân bằng tỷ lệ giữa phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Đặc biệt, đối với địa phương chưa đạt chỉ tiêu phát triển đối tượng BHXH tự nguyện, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu yêu cầu BHXH các tỉnh cần đẩy mạnh phối hợp với Bưu điện để tăng cường chất lượng công tác tuyên truyền, vận động người dân, nâng cao tỷ lệ phát triển đối tượng BHXH tự nguyện. quyết liệt nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong dịp cuối năm. Trong đó, toàn ngành tập trung hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị thực hiện tốt kế hoạch đề ra; tiếp tục đốc thu, phát triển đối tượng; đặc biệt đối với các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện. Tăng cường kiểm soát chi phí KCB BHYT. Đối với các địa phương có chi phí KCB BHYT tăng cao, cần nhanh chóng rà soát, kiểm tra, giám định, báo cáo chỉ rõ những bất cập để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Bên cạnh đó các đơn vị cần phối hợp nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện các phần mềm, quy trình, nguyên tắc quản lý nghiệp vụ trong ngành, đảm bảo số liệu, dữ liệu chặt chẽ, chính xác. Cùng với đó, cần tiếp tục thực hiện rà soát, cấp mã số định danh BHXH đảm bảo thận trọng, chính xác; thực hiện đúng tiến độ, hiệu quả, chất lượng công việc được giao…

Lê Bảo