Nga-Ukraine đạt thỏa thuận tiếp tục vận chuyển khí đốt tới châu Âu
Người phát ngôn Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom Sergei Kupriyanov xác nhận, Nga và Ukraine đã ký nghị định thư bổ sung thỏa thuận về tiếp tục vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu qua lãnh thổ Ukraine.
Nhân viên vận hành đường ống dẫn khí đốt tại thị trấn Boyarka thuộc vùng Kiev của Ukraine. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, tối 20/12, Nga và Ukraine đã ký nghị định thư bổ sung thỏa thuận về tiếp tục vận chuyển khí đốt từ Nga tới châu Âu qua lãnh thổ Ukraine và điều chỉnh các yêu cầu chung.
Đây là kết quả cuộc đàm phán giữa hai bên diễn ra tại thủ đô Minsk của Belarus.
Người phát ngôn Tập đoàn khí đốt Nga Gazprom Sergei Kupriyanov đã xác nhận thông tin trên.
Đồng thời, hai bên đã dàn xếp những vấn đề còn khúc mắc để đạt được thỏa thuận mới có hiệu lực trong 5 năm, thay thế thỏa thuận hiện hành (thời hạn 10 năm) sẽ hết hạn ngày 31/12 tới.
Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) ra tuyên bố nêu rõ thỏa thuận vừa đạt được cho thấy Nga tiếp tục là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy trên thị trường châu Âu.
Hồi năm ngoái, tập đoàn Gazprom đã cung cấp cho châu Âu khoảng 200 tỷ m3 khí đốt, 40% trong số này đi qua Ukraine, giúp Kiev thu về 3 tỷ USD tiền phí vận chuyển mỗi năm.
Tuy nhiên, đàm phán giữa hai bên về hợp đồng mới thời gian qua gặp nhiều trục trặc do căng thẳng chính trị giữa Moskva và Kiev, cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và tranh chấp pháp lý giữa nhà cung cấp khí đốt Gazprom của Nga và công ty năng lượng Naftogaz của Ukraine.
Trước đó, trong buổi họp báo cuối năm thường niên ngày 19/12 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định vẫn muốn tiếp tục vận chuyển khí đốt tới châu Âu qua đường ống dẫn của Ukraine, bất chấp việc Moskva đã xây dựng các hệ thống đường ống dẫn khác; trong đó có dự án Dòng chảy phương Bắc 2 có khả năng vận chuyển lượng khí đốt gấp 2 lần tới Đức.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hợp đồng hiện tại giữa Nga và Ukraine sắp hết hạn vào ngày 31/12 tới, sẽ giúp tránh nguy cơ tái hiện cái gọi là cuộc "chiến tranh khí đốt" như hồi năm 2009.
Thời điểm đó, do Moskva và Kiev chưa thống nhất được về giá cả nên việc vận chuyển khí đốt bị đình trệ, khiến nhiều vùng của châu Âu không có khí sưởi ấm trong mùa Đông lạnh giá.