Kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 30 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân: Định hình các hoạt động trong khu vực, quốc tế
Việt Nam là 1 trong 125 nước đang đóng góp lực lượng cho các Phái bộ Gìn giữ hòa bình LHQ làm nhiệm vụ tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan. Việc cử người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ đã thể hiện trách nhiệm của QĐND Việt Nam trong chủ động, sẵn sàng, thích ứng tốt với nhiệm vụ giúp đỡ các nước khác củng cố hòa bình, tái thiết đất nước.
Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng - Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình, Bộ Quốc phòng - cho rằng hiếm có lực lượng quân sự nào lại có tác phong gần dân, chia sẻ với những khó khăn, nỗi đau của nhân dân như Quân đội Việt Nam.
Các bác sĩ quân y Việt Nam giương cao hai lá cờ của Liên hợp quốc và Việt Nam tại sân bay quốc tế Juba, bắt đầu thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan.
PV: Thưa ông, thời gian qua Việt Nam đã cử người tham gia vào lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã hoàn thành nhiệm vụ và về nước, ông có thể khái quát về những thành tựu của chúng ta khi cử người tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ trong năm qua?
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng: Trong năm qua, các lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Việt Nam có dấu ấn rất lớn. Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tham gia là hình thức đơn vị đầu tiên sau 4 năm trước đó đã triển khai các lực lượng cá nhân. Triển khai các hình thức cá nhân chỉ mang tính chất đơn lẻ là những điều phối viên, quan sát viên, hay liên lạc, hoặc sĩ quan tham mưu. Nhưng khi triển khai đơn vị chúng ta phải đảm trách một lĩnh vực hoạt động riêng biệt và phải chủ động triển khai, triển khai tốt theo đòi hỏi của LHQ trong lĩnh vực đào tạo y tế. LHQ đánh giá rất khắt khe bệnh viện của ta, trong năm qua bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tuy là đơn vị lần đầu tiên tham gia nhưng đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ này. Nó đánh dấu sự trưởng thành của chúng ta khi đưa đơn vị đi, đồng thời cũng khẳng định sĩ quan của ta không chỉ làm tốt trên cương vị cá nhân ở các phái bộ như trước đây, mà bây giờ ở cương vị là đơn vị thì chúng ta vẫn làm tốt.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 vừa rồi đã hoàn thành nhiệm vụ, kết thúc 1 năm làm việc đã được LHQ trao tặng 63 huy chương Vì sự nghiệp gìn giữ hòa bình của LHQ, 4 người được tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc, trong đó tập thể được Phái bộ của LHQ tại Nam Sudan tặng bằng khen về thành tích hoạt động của mình, 2 lần được thư khen của Phó Tổng thư ký LHQ và Cố vấn của Tổng thư ký LHQ về năng lực và trình độ. Điểm nhấn là từ trước đến nay tại Nam Sudan chưa có bệnh viện cấp 2 hoặc tương đương có thể điều trị 2.022 bệnh nhân trong 1 năm như bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam. Bình thường con số này chỉ ở mức 200 bệnh nhân. Trong phát biểu tại Lễ trao huy chương cho lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam, chỉ huy của Phái bộ có nói rằng chưa có bệnh viện nào đạt được kỷ lục này và không có bệnh viện dã chiến cấp 2 nào tốt như bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 của Việt Nam tại Nam Sudan. Tôi xin nhấn mạnh rằng, đây là niềm vinh dự của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam nói chung và các lực lượng tham gia nói riêng khi trong năm vừa qua chúng ta đã đạt được thành tích đáng kể.
Một điều quan trọng nữa là chúng ta đã mở rộng các hình thức tham gia, và được LHQ đề nghị mở rộng, kể cả sĩ quan tham mưu, sĩ quan phân tích tình báo, hay các sĩ quan huấn luyện tại địa bàn, con số cá nhân của chúng ta tại 2 Phái bộ là 11 đồng chí. Bên cạnh đó đã cho các đồng chí có kinh nghiệm tại Phái bộ ứng thí vào các tổ chức của LHQ. Vừa qua có 1 đồng chí đã vượt qua cả 3 kỳ thi của LHQ và được LHQ chọn làm sĩ quan đầu tiên của Việt Nam được làm việc trong cơ quan của LHQ. Đó là điểm phấn khởi, chúng tôi coi đây là bước trưởng thành của các lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của LHQ.
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trở về nước, còn bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đã lên đường triển khai nhiệm vụ. Ông kỳ vọng gì về hoạt động của bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 tại Nam Sudan?
- Sau khi bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã thành công trở về, được LHQ đánh giá cao, điều mong muốn của chúng tôi trên cương vị cơ quan quản lý chỉ huy, điều hành bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 mong rằng kết quả đạt được tương đương hoặc tốt hơn. Tôi tin tưởng vì lực lượng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 được huấn luyện dài ngày hơn, họ có năng lực và tiếng Anh rất tốt. Các bác sĩ, y tế, nhân viên y tế là những người được trải nghiệm qua thực tiễn ở các bệnh viện ở phía Bắc, được đào tạo trong môi trường của Học viện Quân y và được trải nghiệm ở các bệnh viện ở các cấp chiến dịch, hay bệnh viện dã chiến. Cho nên với kinh nghiệm và sự truyền đạt lại của bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1, và cơ sở vật chất mà bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 đã để lại, tôi tin chúng ta có nhiều cơ sở để bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 của ta hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, cũng như yêu cầu của LHQ.
Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng.
Trong năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhận vai trò là Chủ tịch của ASEAN, riêng Quân đội sẽ đảm nhận vai trò Chủ tịch Mạng lưới các trung tâm Gìn giữ hòa bình ASEAN và Chủ tịch Trung tâm Gìn giữ hòa bình Châu Á - Thái Bình Dương. Vậy hiện ta đã chuẩn bị như thế nào để đảm nhiệm tốt trên cương vị này, thưa ông?
- Đây là 2 hội nghị vô cùng quan trọng của khu vực ASEAN. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các nước, nhất là Hội đồng thư ký của Cục Gìn giữ hòa bình Châu Á -Thái Bình Dương (AAPTC), và Mạng lưới các trung tâm Gìn giữ hòa bình ASEAN (APCN) để làm tốt công tác chuẩn bị. Được sự lãnh đạo và chỉ đạo sát sao của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đảm bảo làm tốt 2 hội nghị này để chứng minh Việt Nam không chỉ đóng góp tốt trên thực địa, mà còn đóng góp tốt trong việc định hình các hoạt động trong khu vực và quốc tế trong tương lai. Chúng ta xây dựng phương án phối hợp hành động trong khu vực cũng như phương án để phối hợp giữa các trung tâm huấn luyện với nhau, nhằm nâng cao năng lực, chuẩn bị các lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình LHQ.
Riêng trong lĩnh vực gìn giữ hòa bình, ông có thể cho biết về hành động cụ thể của chúng ta trong tham gia gìn giữ hòa bình LHQ trong những năm tới để khẳng định trách nhiệm và sự cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế?
- Trong thời gian tới chúng tôi đang nghiên cứu để mở rộng các hình thức tham gia, có thể ứng thí vào các vị trí dân sự ở các Phái bộ. Vừa qua, chúng ta đã cử 1 lực lượng sang để nghiên cứu ở địa bàn Cộng hòa Mali, cử các máy bay trực thăng vận tải của Việt Nam sang tham gia Phái bộ tại LHQ. Chúng ta đang nghiên cứu hình thức cử các sĩ quan đi làm nhiệm vụ bảo vệ, quân cảnh. Trong tương lai có phương án đưa lực lượng cảnh sát, công an tham gia, vì đây là hoạt động sẽ phải mở rộng trong lĩnh vực tham gia gìn giữ hòa bình.
Bên cạnh đó, trong môi trường đối ngoại quốc phòng năm vừa qua đánh dấu bước tiến bộ khi chúng ta đã mở rộng hợp tác với EU, cộng đồng Châu Ấu có 28 quốc gia, cả 28 quốc gia này đều mong muốn Việt Nam có những hình thức hợp tác với họ. Chúng tôi đã ký văn bản hợp tác với EU nhằm mục đích trao đổi chuyên gia, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng đã đón nhận chuyên gia đại diện của EU sang làm việc tại Cục. Dự kiến sẽ chuẩn bị 2-3 giáo viên được cử sang để huấn luyện đào tạo cho các lực lượng phái bộ cho EU tại châu Phi. Đây là điều kiện để tăng cường hợp tác quốc tế. Năm 2018 đánh dấu bước quan trọng khi Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam được UNDP, LHQ lựa chọn là 1 trong 4 Trung tâm xuất sắc của châu Á để triển khai các khóa huấn luyện 3 bên, hợp tác giữa: UNDP - Nhật Bản và 1 nước sở tại. Chúng ta đã triển khai rất thành công vấn đề này. Tháng 11/2018 là khóa đầu tiên, hiện đang triển khai khóa thứ 2. Vừa qua Đoàn kiểm tra của LHQ sang đánh giá năng lực giáo viên, học viên của ta. Dự kiến đến tháng 2-2020 LHQ đề nghị Việt Nam triển khai thêm khóa thứ 2 về huấn luyện 3 bên.
Tôi cho rằng, đây là thành công đáng kể trong giai đoạn 5 năm đầu mà Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ.
Trân trọng cảm ơn ông!