Người 'chép sử' bằng nghệ thuật điêu khắc
Gần 80 năm tuổi đời và hơn 60 năm tuổi nghề, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo được xem là “tượng đài” của điêu khắc Việt Nam. Dù sở hữu một “kho tàng” đồ sộ các tác phẩm nghệ thuật, nhưng phải vào ngày 25/12 tới đây, lần đầu tiên ông mới tổ chức triển lãm cá nhân ghi dấu hành trình làm nghệ thuật của mình. Nhân dịp này, nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo đã có những chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết.
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo.
PV:Thưa ông! Tại sao phải đợi gần 60 năm làm nghề, ông mới tổ chức triển lãm cá nhân?
Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo: Trong sự nghiệp sáng tác, tôi đã tham gia nhiều triển lãm lớn nhỏ, tuy nhiên, tất cả đều là những triển lãm tập thể, và đây là lần đầu tiên tôi tổ chức triển lãm cá nhân. Việc tổ chức triển lãm cá nhân lần này cũng là nhờ sự góp sức rất lớn của Lunet Art Galerie, chứ bản thân tôi giờ tuổi đã già không thể đứng ra cáng đáng được mọi việc. Bởi tổ chức một triển lãm có rất nhiều việc phải làm. Ý định ban đầu của tôi là tổ chức triển lãm để chào mừng kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhưng thời gian quá gấp rút nên phải chuyển sang khai mạc vào ngày Noel. Gần 60 tác phẩm được chọn trưng bày lần này là từ hàng trăm tác phẩm - một quá trình sáng tác của tôi trong một thời gian dài, ghi dấu những quá trình lịch sử của đất nước.
Bên cạnh những tác phẩm mang chủ đề lịch sử, tiêu bản của những bức tượng đang được trưng bày tại các bảo tàng trong cả nước còn có rất nhiều các tác phẩm tôi mới sáng tác. Đó là hình tượng người phụ nữ Việt Nam uyển chuyển nhưng cũng không kém phần khỏe khoắn, rắn chắc. Đó là hình tượng mang tính biểu tượng cho những khoảnh khắc bất chợt trong cuộc sống. Hay đó là đôi nét lãng mạn trong những bức tượng tràn ngập tình yêu say đắm. Và cả những tác phẩm mang đến sự ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem bởi những tầng ý nghĩa ẩn sâu bên trong nó... Tôi rất muốn thông qua các tác phẩm mới này thể hiện những cá tính nghệ thuật của mình.
Điều gì mà ông muốn gửi gắm tới khán giả tại triển lãm lần này?
- Với cá nhân tôi, làm tượng là sống, là vui. Tôi ngộ ra một điều: Trời cho mình mỗi việc nặn tượng, thì mình chuyên nặn tượng. Ăn ngủ vì tượng, suốt ngày vầy đất sét. Đất sét cũng gắn bó với tôi như người tình, thở hơi thở của đất, của đá, của đồng và của thạch cao... Chính vì vậy, điều mà tôi muốn mang đến với khán giả tại triển lãm lần này chính là quan điểm sống của bản thân. Với tôi, một người sinh ra trên cuộc đời này phải sống có lý tưởng, có hoài bão, có ước mơ. Để làm được điều này, con người phải lao động, sáng tạo và để lại cho cuộc đời những giá trị của lao động chân chính thì mới bền vững theo thời gian. Tôi là người lính và đã đi qua các cuộc chiến tranh của đất nước, chính vì vậy, tôi muốn dành phần lớn đời mình cống hiến cho những công trình nghệ thuật lớn lao của đất nước. Đó là những tượng đài chiến thắng, tượng đài tôn vinh sự hy sinh của những anh hùng liệt sĩ, ngợi ca sức chiến đấu của con người Việt Nam.
Với tôi, sức mạnh của người nghệ sĩ là văn hóa, thế mạnh trên thế giới này vẫn là văn hóa dân tộc truyền thống. Chính vì vậy, người nghệ sĩ phải biết kết hợp nghệ thuật dân tộc và nghệ thuật hiện đại, làm thế nào cho cả hai nhuần nhuyễn, không bị khô cứng. Tôi nghĩ, tượng đài không chỉ có giá trị bảo tồn về mặt văn hóa, lịch sử, xã hội mà còn có giá trị lớn trong việc lưu trữ những giá trị nghệ thuật tạo hình. Nghệ thuật phải có tư tưởng, nếu không có tư tưởng thì đó chỉ là nghệ thuật trang trí.
Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn một công trình tâm huyết của Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo được đặt tại đỉnh Cấm Dơi, thị trấn Đông Phú, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Sống với nghề điêu khắc hơn 60 năm, ông đánh giá sao về thế hệ các nhà điêu khắc trẻ hiện nay?
- Việt Nam hiện nay đang sở hữu một thế hệ trẻ rất tài năng, cách làm của họ cũng rất trẻ, thể hiện những khát khao tìm ra những ý tưởng mới trong sáng tác. Điểm yếu của các nhà điêu khắc trẻ hiện nay là chưa sáng tác ra được các tác phẩm có chiều sâu về tư tưởng và nội dung. Điều này đòi hỏi các bạn trẻ cần có thời gian để rèn luyện, trau dồi . Để đạt được nghệ thuật đỉnh cao, bản thân người nghệ sĩ phải không ngừng sáng tạo trong lao động nghệ thuật, bên cạnh một cộng đồng yêu nghệ thuật lành mạnh và trong sáng.
Là tác giả của hơn 20 tượng đài từ Bắc vào Nam, ông đánh giá sao về xu hương xây dựng các tượng tài “hoành tráng” ở nhiều tỉnh thành hiện nay?
- Tôi thấy xu thế này trong những năm qua đã giảm đi nhiều rồi đấy. Theo tôi, việc xây dựng các tượng đài đang là câu chuyện của sự “xô bồ”, đánh quả, chính vì nguyên nhân này mà nhiều tượng đài mới được xây dựng có chất lượng không được như mong muốn. Thậm chí còn là việc những người có tài năng trong nghề làm tượng đài thì hầu như không được mời. Chính vì vậy các công trình sau khi hoàn thành đều mang tính “ăn xổi”, không thể hiện được được tính sâu nặng của tác phẩm. Tôi là người sáng tác Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn và Tượng đài Chiến thắng Sông Lô là những tượng đài đầu tiên của đất nước. Tôi là người lính đi tham gia chiến đấu ở mảnh đất Quế Sơn. Địa điểm làm Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn là căn cứ quân sự của Mỹ, ở đó bộ đội hy sinh rất nhiều mới đánh thắng trận Quế Sơn. Tượng đài Chiến thắng Quế Sơn và Tượng đài Chiến thắng sông Lô làm bằng bê tông. Tượng đài Quế Sơn làm mất 4 năm, còn Tượng đài Chiến thắng sông Lô làm hơn 10 năm.
Thú thật, nhiều tượng đài của tôi được dư luận đánh giá là thành công. Tuy vậy, với các công trình tượng đài hoành tráng làm theo đặt hàng này, tôi không bao giờ coi mình là tác giả, bởi những ý tưởng sáng tạo tâm đắc của mình thường bị các tập thể đặt hàng cắt gọt không theo đúng ý tác giả. Nếu tôi và các nhà điêu khắc khác có đóng góp nào đó cho cao trào tượng đài ở nước ta vừa qua thì chỉ là đóng góp để các tượng đài này “đỡ xấu hơn” chứ không thể làm cho chúng “đẹp hơn” như mong muốn.
Trân trọng cảm ơn ông!