Lo ngại chất lượng rau củ quả
Rau xanh là loại thực phẩm thiết yếu không thể thiếu trong mỗi bữa ăn, thế nhưng tình trạng sản xuất rau xanh hiện nay lại đang khiến người tiêu dùng lo ngại. Nhiều ý kiến cho rằng, các sở, ngành chức năng và doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ cần tăng cường vai trò giám sát nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng rau, củ, quả không an toàn lưu thông và tiêu thụ trên thị trường.
Người tiêu dùng luôn lo ngại về chấtlượng rau xanh bày bán ngoài chợ.
Mặc dù cung cấp khá nhiều rau củ quả cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, song không ít người tiêu dùng và giới chuyên môn bày tỏ quan ngại về chất lượng rau xanh chưa được quản lý chặt. “Mua rau trong siêu thị là mua niềm tin, còn rau ngoài chợ thực sự không biết an toàn như thế nào. Nói ăn nhiều rau tốt nhưng tôi ăn rau mà vẫn cảm giác...sợ” - bà Trương Thị Hoa (ngụ quận 9) lo lắng.
Sợ rau xanh phun thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm tươi sống tồn dư kháng sinh ở liều cao,… người tiêu dùng loay hoay tìm thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ. Có cầu ắt có cung. Hệ thống phân phối, cửa hàng thực phẩm hữu cơ mọc lên như nấm. Ngoài những hệ thống phân phối thực phẩm hữu cơ quy mô lớn, các cửa hàng thực phẩm hữu cơ cũng đua nhau chen chân trên thị trường. Với bảng hiệu ghi rõ dòng chữ thực phẩm organic, phân phối thực phẩm organica, sản phẩm 100% hữu cơ, sản phẩm sạch,… đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng. Tuy nhiên, chất lượng thực phẩm hữu cơ trên thị trường có tuyệt đối an toàn không thì người tiêu dùng lại không dám chắc.
Chia sẻ về an toàn vệ sinh thực phẩm đối với rau củ quả tiêu thụ trên địa bàn thành phố, đại diện Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM cho hay, tỷ lệ sản xuất và cung ứng thực phẩm đạt tiêu chuẩn (chỉ tính các chuỗi thực phẩm an toàn và các sản phẩm nông nghiệp của thành phố đạt VietGAP, GlobalGAP, HACCP, ISO...) thì chỉ đạt sản lượng 202.965, 87 tấn/năm (chiếm tỷ lệ 11,27%) nhu cầu tiêu dùng sản phẩm rau, củ, quả của người dân thành phố.
Bà Nguyễn Thị Diệp - đại diện Hội Nông dân huyện Cần Giờ cũng băn khoăn: “Các chợ đầu mối hiện nay chưa kiểm soát được sản phẩm sạch”. Theo bà Diệp, quy chuẩn kiểm soát chất lượng cần thực hiện ngay từ các chợ đầu mối để lựa chọn được rau an toàn. Làm được điều này, những hộ sản xuất hàng đúng quy chuẩn chất lượng sẽ có động lực, ngược lại các hộ khác phải cố gắng thay đổi, tuân thủ quy định không thì sẽ tự loại mình ra khỏi thị trường.
Tương tự, ông Phạm Quốc Cường - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi cũng cho rằng: “Các sở, ngành chức năng và doanh nghiệp bán lẻ cần tăng cường vai trò giám sát an toàn thực phẩm, nhằm hạn chế thấp nhất tình trạng rau, củ, quả không an toàn lưu thông và tiêu thụ trên địa bàn thành phố”.
Theo giới chuyên gia trong ngành, hiện nay nông dân còn thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật và thị trường để đầu tư phục vụ sản xuất hàng hóa tập trung. Tổ chức sản xuất còn manh mún, hiệu quả thấp, sản xuất mang tính tự phát, chưa có hướng dẫn chung về định hướng và quy hoạch vùng sản xuất cho từng loại sản phẩm theo nhóm cây chủ lực. Bên cạnh đó, việc liên kết trong nông dân, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản xuất còn rời rạc. Để cung cấp cho thị trường lượng rau an toàn, một số ý kiến cho rằng, cần nghiên cứu quy hoạch vùng sản xuất tập trung như vậy sẽ dễ quản lý. TP HCM cần có chủ trương đầu tư xây dựng trung tâm giao dịch nông sản trên địa bàn. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối cung - cầu, quảng bá sản phẩm, giới thiệu các đơn vị kinh doanh bán lẻ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn VietGAP thông qua các hợp đồng dài hạn.