Chuẩn bị cho một cái tết đến sớm
Năm nay, Tết Nguyên đán đến sớm. Chỉ hơn 20 ngày sau kỳ nghỉ tết dương lịch là đã đến tết ta. Vậy mà ngoảnh đi ngoảnh lại đã sắp hết năm dương lịch 2019 rồi. Người ta nói rằng, năm nay tết đến thật hối hả. Chuẩn bị cái tết đủ đầy, ấm cúng cho người dân vì thế ngay tại thời điểm này đã được các cấp, các ngành, các địa phương lo toan.
Nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia bình ổn thịt rường.
Mới đây, Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 40-CT/TƯ, về việc tổ chức tết năm 2020.
Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt công tác chuẩn bị điều kiện để nhân dân đón mừng năm mới Tết Canh Tý 2020 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế, phấn khởi thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, chuẩn bị tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Chỉ thị nêu rất cụ thể từng việc, trước hết là phải chăm lo thật tốt cho các gia đình chính sách, hộ người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đồng bào vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; công nhân các khu công nghiệp, khu chế xuất..., bảo đảm mọi nhà, mọi người đều được vui tết, đón xuân.
Ban Bí thư cũng lưu ý công tác quản lý và tổ chức lễ hội, các hoạt động vui chơi cần thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn minh, truyền thống văn hóa dân tộc và thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của từng địa phương ; cấm sử dụng ngân sách, phương tiện, tài sản công trái quy định vào các hoạt động lễ hội, vui chơi trong dịp Tết. Việc tổ chức bắn pháo hoa chào mừng năm mới và Tết Canh Tý 2020 phải thiết thực, phù hợp với điều kiện, khả năng của từng địa phương, bảo đảm tuyệt đối an toàn và không được sử dụng ngân sách nhà nước.
Chỉ thị cũng yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; trong đó phải thực hiện nghiêm chủ trương cấm biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo các cấp dưới mọi hình thức…
Để người dân đón tết an lành, Chỉ thị cũng nêu rõ phải triển khai đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; tăng cường các biện pháp phòng, chống, xử lý vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; phòng, chống cháy, nổ… Và, “quản lý tốt thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau Tết”.
Những ngày này, khi năm mới 2020 đã cận kề và Tết Nguyên đán cũng sắp tới, việc chuẩn bị tết đã được mọi nơi, mọi nhà nghĩ tới. Trong sự chộn rộn thì nổi lên nỗi lo giá cả, nhất là đối với những mặt hàng thực phẩm không thể thiếu cho một cái tết truyền thống. Năm 2019, một năm “được mùa” của nông nghiệp đất nước, nhưng cũng là năm cả nước phải chống chọi với dịch tả lợn châu Phi. Dịch tả lợn này đã quét qua cả 63 tỉnh thành cả nước, khiến cho cả nước thiệt hại khoảng 6 triệu con lợn, giảm 22% tổng đàn. Đây là khó khăn rất lớn do cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày của người Việt Nam tiêu thụ nhiều thịt lợn. Trong các món ăn ngày tết thịt lợn cũng chiếm tỉ lệ lớn.
Cũng chính vì thế mà những ngày qua giá thịt lợn tăng cao. Không chỉ ở các thành phố lớn, tại các địa phương nông nghiệp, vùng núi, vùng biển… giá thịt lợn cũng leo thang từng ngày. So với đầu năm, giá thịt lợn đã tăng gần 2 lần. Từ đó, giá một số loại thực phẩm khác cũng theo đó mà tăng lên.
Dù là do khách quan nhưng cũng không thể phủ nhận việc thiếu chủ động trong tái đàn lợn nói riêng và cung cấp thực phẩm nói chung, để bình ổn giá, giảm bớt khó khăn cho người tiêu dùng. Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019. Trong đó Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương báo cáo Thủ tướng về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019 theo đúng chỉ đạo. Phê bình và yêu cầu Bộ NNPTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng giao. Bộ NNPTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.
Tết đã đến rất gần. Những giải pháp để đảm bảo một cái Tết ấm áp, ai cũng có tết rất được Đảng, Chính phủ quan tâm. Vì thế, dù còn khó khăn nhưng hy vọng rằng khắp nơi trong cả nước mọi người đều được đón một mùa xuân vui tươi. Nhất là khi giá cả được bình ổn, không còn leo thang, như Chỉ thị số 40-CT/TƯ yêu cầu: “Quản lý tốt thị trường, ổn định giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trước, trong và sau Tết”.