Minh bạch chất lượng bệnh viện
Điểm nổi bật trong danh sách xếp hạng bệnh viện do Sở Y tế TP HCM công bố là có tên cụ thể của 6 bệnh viện nằm chót bảng, trong đó có một bệnh viện công lập. Việc đánh giá dựa trên kết quả kiểm tra, đánh giá chất lượng đối với tất cả bệnh viện trên địa bàn TP HCM dựa theo Bộ Tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam (phiên bản 2.0) do Bộ Y tế ban hành.
Trong số 110 bệnh viện của đô thị lớn nhất nước được đánh giá chất lượng có 2 bệnh viện không được đánh giá là Bệnh viện Tân Sơn Nhất và Phẫu thuật Thẩm mỹ Sài Gòn do các cơ sở y tế này hiện đã tạm ngừng hoạt động. Cũng theo kết quả được báo cáo thì các tiêu chí đánh giá cũng đã được thực hiện chặt chẽ, minh bạch hơn. Theo đó, so với năm 2018 chỉ có 12 bệnh viện đạt điểm trung bình (từ 4 điểm trở lên), tương đương với mức chất lượng tốt) thì năm nay các đoàn thanh tra, kiểm tra của Sở Y tế TP HCM đã đánh giá các cơ sở có chất lượng tốt đã tăng số lượng lên con số 20 bệnh viện. Điều đó rõ ràng cho thấy sự tiến triển mạnh mẽ trong việc cạnh tranh minh bạch, tích cực giữa các bệnh viện nhờ Bộ Tiêu chí đánh giá mới theo quy định của Bộ Y tế.
Báo cáo chất lượng bệnh viện của ngành y tế TP HCM năm nay cũng cho thấy thực trạng, mặt bằng chung của tuyến các bệnh viện quận, huyện. Một số bệnh viện như Bệnh viện Q.Thủ Đức, Bệnh viện Q.11 và Bệnh viện Q.2 được đánh giá đã có những bước tiến triển về mặt chất lượng phục vụ cũng như đầu tư trang thiết bị y tế để đáp ứng yêu cầu về chăm sóc sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, một trong những chủ trương của ngành y tế TP HCM cũng cho thấy hiệu quả khi nhiều bệnh viện qua kiểm tra đã chủ động phân bổ được nguồn lực và cải tiến chất lượng trong các lĩnh vực hoạt động, với mục tiêu chung là lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ.
Mặc dù vậy, bảng xếp hạng bệnh viện do ngành ytế TP HCM công bố cũng đã chỉ ra những bệnh viện còn chưa xứng tầm với kỳ vọng của người bệnh, đồng thời cũng không duy trì được chất lượng phục vụ đạt chuẩn ổn định theo từng năm. Có những bệnh viện “có tiếng nhưng lại không có tín”, được chính ngành y tế TP HCM phê bình về việc chưa chú trọng đến công tác quản trị bệnh viện. Mặc dù, các cơ sở y tế kêu “gặp khó” do thiếu các nguồn lực và kể cả nhân lực quản lý chuyên trách, thế nhưng việc đánh giá chất lượng chưa đạt yêu cầu của một số bệnh viện đã cho thấy năng lực quản lý bệnh viện còn nhiều bất cập, hạn chế. Thực tế này xuất phát từ việc một số cơ sở vẫn tồn tại việc lãnh đạo phòng chức năng thường kiêm nhiệm nhiều việc, do đó đã không “toàn tâm” chú ý được đến việc phát triển chuyên môn kỹ thuật, nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe.
Điểm nhấn đáng chú ý của công bố xếp hạng bệnh viện của ngành y tế TP HCM của năm nay cũng mạnh mẽ, quyết liệt chỉ ra các bất cập của tuyến bệnh viện trực thuộc bộ, ngành, lâu nay được đánh giá là “vùng cấm” đối với sự đánh giá của địa phương. Thế nhưng, đối với hai cái tên bệnh viện trực thuộc bộ, ngành được công bố thẳng thắn về chất lượng y tế không cao, gồm Bệnh viện Bưu Điện (tiền thân là Bệnh xá ngành bưu điện) và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TPHCM (thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy sự quyết tâm rất cao của ngành Y tế TPHCM trong minh bạch hóa đánh giá chất lượng bệnh viện và các cơ sở y tế trên địa bàn.
Có thể nói, dù chỉ là một báo cáo xếp hạng được phân loại hàng năm nhưng những con số biết nói đã cho thấy sự chuyển biến về nhận thức và quan điểm quản lý mới của ngành y tế TP HCM. Hơn bao giờ hết, quyết tâm minh bạch hóa và hướng đến cạnh tranh công bằng, lành mạnh trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng sẽ giúp đô thị lớn nhất nước cải thiện được một trong những lĩnh vực dân sinh được người dân đặc biệt quan tâm.