Yêu thương lan tỏa, trách nhiệm nhân đôi
Đạo Công giáo mới du nhập vào Việt Nam chưa đầy 500 năm nhưng không ai phủ nhận những đóng góp của đạo trong phát triển văn hóa, xã hội nước ta trước kia cũng như bây giờ. Cuộc trò chuyện giữa PV Tinh hoa Việt với TS Phạm Huy Thông - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội - được bắt đầu từ những phân tích nhỏ về việc làm thế nào phát huy nguồn lực của Đạo Công giáo trong xây dựng xã hội văn minh, hiện đại để đáp ứng sự phát triển như vũ bão trong giai đoạn cách mạng 4.0 hiện nay.
Ông Phạm Huy Thông.
Cung cấp cho xã hội nguồn nhân lực “sạch”
TS Phạm Huy Thông nhận định: Trong các nguồn lực của xã hội thì nhân lực là nguồn lực quan trọng nhất vì con người chính là chủ của sáng tạo, đổi mới và chủ thể của năng suất lao động, giá trị thặng dư cũng như là chủ của xã hội. Chúng ta đang sống trong xã hội với nhiều thành tựu nhưng cũng nhiều thách đố. Báo chí hàng ngày phản ánh biết bao hiện tượng như môi trường ô nhiễm, thực phẩm “bẩn”, văn hóa xuống cấp, đạo đức thoái hóa. Tiêu cực len lỏi vào những nơi xưa nay được coi là chuẩn mực, thánh thiêng như trường học, nhà thờ, nhà chùa. Hiện tượng buôn thần, bán thánh, học giả, bằng giả, gian dối trong làm ăn kinh tế cũng như trong đời sống không phải hiếm gặp. Không ai lạ gì cảnh “gà hai chuồng, rau hai luống” và bây giờ là “tài vụ hai quyết toán và giáo sư hai giáo án”. Tất cả những hiện tượng đó là do “con người giả” gây ra. Người giả đó có trong mọi thành phần xã hội từ người nông dân quê mùa đến vị giáo sư đạo mạo, từ em học sinh đến ông cán bộ cao cấp. Những con người giả đó đang làm tha hóa xã hội và tha hóa chính bản thân họ. Người giả không từ tên trời rơi xuống hay từ dưới đất chui lên. Họ cũng chính là những người bình thường trong xã hội nhưng bị môi trường xã hội “nhuộm đen” cái chất “người thật” biến thành chất “người giả”. Rồi đến lượt những “người giả” này làm xã hội ngày càng bẩn hơn. Trong vòng xoáy đó, Đạo Công giáo cũng như nhiều tôn giáo khác, với thuộc tính yêu người, đã góp phần tạo ra những con người “sạch” hơn cho xã hội.
PV:Như ông vừa nhắc tới, Đạo Công giáo tạo ra những con người “sạch” và những người tốt hơn cho xã hội. Nhưng, trong sự vận động ngày nay, khi cái tốt đan xen với cái xấu và sự tử tế của con người cũng bị giới hạn, điều này được người Công giáo nhìn nhận thế nào, thưa ông?
- Sách vở của Đạo Công giáo rất nhiều, giáo lý, giáo luật cũng rất lắm điều khoản. Thế nhưng lại có thể tóm gọn trong một điều là “Kính Chúa, yêu người”. Nhưng thế nào là “kính Chúa”? Theo Phúc âm dạy: “Nếu chúng con yêu mến Thày, chúng con hãy tuân giữ lời răn của Thày”. Lời răn của Chúa được ghi trong 10 điều, trong đó chỉ có 3 điều nói về Chúa, còn 7 điều nói về tương quan giữa con người với nhau. Con người không được gây tội ác với đồng loại như giết người, không được vi phạm luật công bằng như lấy của cải người khác, không được trái luân lý đạo làm người như bất hiếu với cha mẹ hay tà dâm với người khác ngoài vợ chồng. Những lời răn đó không chỉ cấm hành động sai trái mà còn cấm cả suy nghĩ, tư tưởng không lành mạnh như ao ước chiếm đoạt tài sản cuả người khác, mơ tưởng chiếm đoạt thân xác với người khác ngoài hôn nhân. Tức là ngăn chặn sự xấu xa từ “trong trứng nước” của người tín hữu.
Chúa truyền cho tín hữu điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thày đã yêu thương anh em”. Mà Chúa thì yêu thương nhân loại khi đưa con người lên hàng bạn hữu của Chúa và cao nhất là hy sinh bản thân để cứu nhân loại. Cho nên yêu thương người khác như chính mình, mà người khác là những người thân cận mình như cha mẹ, vợ con, người trong gia đình, họ hàng, làng xóm, cộng đồng và cả nhân loại. Sự yêu thương đó thể hiện “Điều gì con không thích thì cũng đừng làm cho ai” và “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta”. Nếu vậy, làm gì có chuyện, mình thích ăn rau sạch mà lại trồng rau bẩn bán ra chợ? Làm gì có chuyện mình không muốn mất một xu nào nhưng lại đi lừa người cả bạc tỷ?
Đạo Công giáo đi xa hơn khi khuyên tín đồ phải yêu thương cả kẻ thù “Phải yêu mến kẻ thù” và buộc tội “Ai ghét anh em mình là kẻ giết người”. Đây là điều khó chấp nhận với tâm lý, tình cảm con người bình thường nhưng lại được thể hiện khá rõ nét trong các tín đồ của đạo, thưa ông?
- Đạo Công giáo cho rằng nếu yêu thương những người thân, người thương yêu mình thì quá đơn giản vì có đi, có lại. Nhưng tín đồ Công giáo phải yêu thương cả người thù ghét mình. Tội phạm là điều đạo Công giáo phê phán, lên án và tín đồ phải tránh xa, nhưng người phạm tội lại phải được yêu mến nhiều hơn vì họ là “người bệnh tật” mà thày thuốc phải yêu thương và chăm sóc hơn những người khỏe mạnh. Nếu điều này được phổ cập trong xã hội thì không thể có những vụ án đánh, giết người dã man và xung đột chiến tranh thảm khốc giữa các dân tộc, quốc gia.
Yêu người là thuộc tính quan trọng nhất của đạo Công giáo. Và lòng nhân ái cao cả được thể hiện khi họ đối xử với những người có số phận kém may mắn như bị các căn bệnh phong cùi, HIV/AIDS. Lúc này, người tín đồ không còn quan niệm đấy là người bệnh khốn khổ mà là chính Chúa hiện diện để họ có cơ hội thể hiện lòng mến Chúa. Vì vậy, sẽ khó có thể tìm được một người không tôn giáo làm được những việc như sơ Mai Thị Mậu 40 năm gắn bó với những bệnh nhân phong ở Di Linh đã được tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2006 như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét: “Chị phải được phong hai lần anh hùng mới xứng đáng. Sự tận tụy hết lòng với những người kém may mắn như sơ Mậu không thể mua được bằng tiền hay vinh thăng chức tước”. Hay như khi TPHCM lập Trung tâm Chăm sóc người bị bệnh HIV/AIDS giai đoạn cuối ở xã Đức Hạnh, Bình Phước năm 2004. Dù đã có quyết định tăng lương cao cho đội ngũ y, bác sĩ phục vụ ở đây nhưng không thể tìm ra người phục vụ. Cuối cùng thành phố phải nhờ Tòa Tổng Giám mục, và 8 nữ tu đầu tiên đã đi nhận nhiệm sở. Thật khó có thể kiếm ra được người làm công ăn lương phục vụ bệnh nhân như các nữ tu Công giáo. Bác sĩ Trần Hữu Ngoạn, Giám đốc trại phong Quy Hòa, người đã dám tiêm trực khuẩn Hasen vào cơ thể để chứng minh rằng bệnh phong không lây nhiễm, sau 31 năm gắn bó với bệnh nhân phong, bác sĩ được đề nghị nhận giải thưởng quốc tế trị giá 30.000 đôla. Bác sĩ đã từ chối và nói: Tôi là đảng viên, là Giám đốc ăn lương Nhà nước làm được một số việc có gì là lạ. Người đáng nhận thưởng là các nữ tu Phan Sinh. Họ không phải công chức, chỉ làm với tình thương. Họ làm được những việc mà người khác không dám làm.
Đúng là chỉ với “lòng bác ái cao cả” của người Công giáo, mới xuất hiện những tấm gương mà không tôn giáo nào có như bà Nguyễn Thị Nhiệm (Sóc Sơn, Hà Nội), Nguyễn Văn Bao (Nam Định), Tống Phước Phúc (Nha Trang)… hàng ngày đi thu gom những thai nhi đưa về chôn cất chu đáo ở nghĩa trang thai nhi. Hay hàng chục tỷ đồng cho công tác từ thiện được quyên góp hàng năm từ người Công giáo.
Góp phần xây dựng lối sống lành mạnh
Từ khi ra đời cho đến nay, Đạo Công giáo luôn hướng tín đồ của mình đến một lối sống lành mạnh, ông có thể phân tích rõ hơn cái được của hình mẫu đó?
- Ngay từ khi du nhập vào kinh thành Thăng Long hồi giữa thế kỷ XVII, những người Công giáo đối xử với nhau quá tốt lành, đầy tình thương yêu, nên người dân lúc đó đã gọi tôn giáo này là “đạo yêu nhau”. Họ không chỉ đối xử thảo hiếu với cha mẹ mà đối xử tử tế với người ở, kẻ làm công, chăm sóc, chữa trị cho người bệnh tật, khuyên bảo kẻ bất lương… tạo ra lối sống tốt lành trong xã hội. Khi nạn ma túy hoành hành nhiều nơi ở Việt Nam, Hồng y Phạm Đình Tụng đã có Thư chung ngày 22-10-1996 kêu gọi mọi người hãy chung tay góp sức chặn đứng và tẩy sạch tệ nạn này ra khỏi gia đình và làng xóm, đồng thời đề nghị các Cha rao giảng về tai hại của tệ nạn này để mọi người hiểu rõ. Mỗi xứ họ cần có kế hoạch điều tra và phát hiện kịp thời số người nghiện hút. Các bậc cha mẹ phải thường xuyên theo dõi con em, không để chúng đi lại những nơi có nguy cơ bị lôi cuốn hay giao tiếp với những con nghiện.
Đối với những người đã trót nghiện, chúng ta hãy lấy tinh thần bác ái khuyên bảo và làm mọi cách giúp đỡ họ cai nghiện càng sớm càng tốt. Nếu không bệnh của họ sẽ lây lan sang người khác một cách nhanh chóng như vết dầu loang.
Có lẽ ở vùng giáo, các tín đồ luôn được giáo huấn như vậy nên ít tội phạm hình sự hơn, ít các tệ nạn xã hội hơn. Tất nhiên Giáo hội cũng phải cập nhật giáo huấn của mình. Ví dụ, trước đây, Giáo hội chỉ cấm nghiện hút thuốc phiện, đến khi có một số giáo dân dính vào lao lý do buôn ma túy, Giáo hội đã đưa hành vi buôn ma túy thành tội, giáo dân phải tránh phạm cũng như các tệ nạn của mặt trái nền kinh tế thị trường. Hay như trong mỗi gia đình, đạo Công giáo rất chú trọng xây dựng gia đình bền vững, coi hôn nhân là Bí tích thánh thiêng và chuẩn bị chu đáo cho tiến trình này. Công giáo cấm sống thử, cấm phá thai, hôn nhân đồng giới và kết hôn không tự nguyện, nhất là không được ly hôn. Chúng ta hãy cùng nhìn vào thực tế trong khi tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam ngày càng cao thì ở hôn nhân các gia đình Công giáo bền vững hơn. Ví như làng Công giáo Trung Thành (Hải Vân, Hải Hậu, Nam Định) có 6.000 người nhưng từ năm 1945 đến nay chỉ có 2 cặp ly hôn. Làng Hà Hồi (Hà Nội) có 1.500 nhân danh mà 70 năm qua cũng chỉ có 2 đôi ly thân, cùng với đó việc cưới xin, tang ma phía Công giáo đỡ tốn kém về chi phí và đơn giản về thủ tục. Nạn phá thai được giảm thiểu vì Công giáo coi phá thai là tội phạm giết người. Nếu có người lỡ mang thai không theo ý muốn, Công giáo có nhiều nhà nuôi dưỡng cả mẹ và con. Ý thức phục vụ ở các trường mẫu giáo hay trung tâm chăm sóc người già, trẻ khuyết tật do Công giáo đảm nhận luôn được cộng đồng xã hội khen ngợi.
Tinh thần từ thiện, bác ái là truyền thống của người Công giáo. Điều đó minh chứng qua Thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô khi nói: “Mình là bạn của người nghèo”. Tinh thần đó đã được người Công giáo Thủ đô thực hiện ra sao, thưa ông?
- Người Công giáo làm từ thiện, bác ái không chỉ vì lòng thương người mà còn mang ý nghĩa công bằng xã hội. Người Công giáo quan niệm trái đất, vũ trụ này, tài nguyên, thiên nhiên này Thiên Chúa ban tặng không phải cho riêng mình mà cho tất cả loài người trên trái đất, cho thế hệ trước cũng như thế hệ sau này. Về nguyên tắc, người Công giáo vẫn ủng hộ quyền sở hữu tài sản, được quyền chiếm hữu nhưng cũng phải luôn nhớ đến người khác và nhớ đến thế hệ mai sau. Nếu anh có 3 cái áo thì anh chỉ mặc 2 cái còn một cái anh nợ của người nghèo. Hay như khi gặt lúa ngoài đồng thì phải cố tình để quên dăm ba bó lúa để cho người ta mót. Người Công giáo làm bác ái không chỉ vì lòng thương người mà còn vì nghĩa công bằng xã hội. Cho nên khi khai thác tài nguyên thiên nhiên hay làm bất cứ điều gì, người Công giáo đều bớt cho thế hệ mai sau. Hay như việc chúng ta làm ô nhiễm môi trường thì chúng ta đang nợ thế hệ sau. Trái đất này, Thiên Chúa xây dựng nên vốn xinh đẹp. Món quà quý giá Thiên chúa dành tặng mà mình không tôn trọng món quà đó, mình làm hỏng hóc đi thì mình phải tự chịu trách nhiệm. Chúng ta không bảo vệ môi trường thì chúng ta có lỗi với người trao tặng cái đó. Do đó, Giáo hội Công giáo không chỉ có sáng kiến lấy ngày 1-9 hàng năm là ngày bảo vệ môi trường thế giới mà còn quy kết thành tội lỗi của con người với quà tặng của Chúa nếu người tín hữu không có ý thức bảo vệ. Vì thế thái độ của tín hữu với việc bảo vệ môi trường không còn là khẩu hiệu mà là ý thức phải tuân giữ và phải hành động để thể hiện ý thức đó.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố Hà Nội trao nhà Đại đoàn kết cho người nghèo.
Phát huy nguồn lực tôn giáo trong phát triển đất nước
Chỉ thị số 18-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII đặc biệt nhắc tới tôn giáo là một nguồn lực trong phát triển đất nước hiện nay. Theo ông, cần phải làm gì để huy động được nguồn lực đó trong các tôn giáo?
- Từ chỗ thừa nhận các giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo đến chỉ thị 18/CT ngày 18-1-2018 của Bộ Chính trị đã xác định “tôn giáo là một nguồn lực quốc gia”. Chỉ nói riêng lĩnh vực giáo dục của các tôn giáo, trong đó có giáo dục Công giáo, nếu được huy động tham gia vào việc xã hội hóa lĩnh vực này, nó có thể góp phần làm lành mạnh hóa giáo dục Việt Nam.
Nếu nói đến giáo dục, các tôn giáo đều có truyền thống giáo dục lâu đời và được làm rất tốt. Chúng tôi chưa có điều kiện để so sánh những ưu điểm của các trường Công giáo nhưng chỉ cần xem qua các trường mẫu giáo do các nữ tu Công giáo điều hành sẽ thấy ở các trường này rất ít tiêu cực nhũng nhiễu, chắc chắn không có chuyện bạo hành trẻ em. Vậy điều gì đã làm nên khác biệt của trường Công giáo? Đó chính là đội ngũ giáo viên. Họ sống theo niềm tin tôn giáo. Họ dạy học sinh bằng cái tâm của mình. Như tại cơ sở giáo dục mầm mon của Dòng Mến thánh giá Hà Nội mỗi năm chỉ tiêu tuyển sinh khoảng 150 học sinh nhưng không bao giờ số lượng người đi xin học không dưới 2.000 học sinh. Điều đó chứng minh môi trường giáo dục ở đây rất tốt. Có những vợ chồng đi công tác xa tận TPHCM gửi con đến cuối tuần mới về đón, nhưng các nữ tu vẫn nuôi dưỡng, chăm sóc các cháu chu đáo mà không cần đưa thêm tiền.
Hay như trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đồng bào công giáo cũng có nhiều cách làm bài bản. Tại nhiều xứ họ đạo ở các huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, Sóc Sơn, Thanh Trì đồng bào công giáo đã ủng hộ hàng chục ngàn mét vuông đất để làm đường giao thông. Trong thời buổi “tấc đất tấc vàng” mà có những họ giáo đã ủng hộ đến 1.700 m2 để mở đường mà không lấy một đồng bồi thường và cũng không thiếu những gia đình hiến tặng 200-300 m2 để cùng góp sức xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, những năm gần đây người Công giáo Thủ đô cũng đi đầu trong việc phát triển kinh tế qua việc khôi phục những làng nghề truyền thống như nghề nấu xôi ở Phú Thượng, làng trồng đào ở Phú Thụy, trồng hoa cây cảnh ở Bắc Từ Liêm, làng nghề gốm sứ ở Bát Tràng… Những đóng góp tích cực đó của người Công giáo đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Nếu như cách đây khoảng 5 năm, thu nhập cao nhất của hộ công giáo chỉ khoảng 500 triệu/ năm thì đến những năm 2018 nhiều hộ gia đình đã có thu nhập từ 1 đến 2 tỷ đồng/ năm. Từ chỗ thu nhập cao, đời sống của đồng bào công giáo ngày càng phát triển, có điều kiện để đóng góp xây dựng nhà thờ, xây dựng những công trình của địa phương như nhà văn hóa, trường học. Những mô hình thực tế mà tôn giáo đang làm nếu thực sự được tận dụng và phát huy sẽ chính là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước.
Mùa Giáng Sinh đang tới rất gần, Ủy ban Đoàn kết công giáo Thành phố sẽ có các hoạt động cụ thể gì để đón mùa Giáng Sinh an lành, thưa ông?.
- Mùa Giáng sinh năm nay chúng tôi làm sớm hơn. Tinh thần đón Giáng sinh của người Công giáo là trọng thể, tiết kiệm nhưng hướng tới tinh thần người Công giáo là muốn biến niềm vui Giáng sinh lan tỏa đến người khác đó là “muốn lan tỏa niềm vui chúa Giáng sinh xuống thế làm người và đem tin mừng trước hết cho người nghèo và chia sẻ những vật chất, tình thương của người Công giáo đối với người nghèo”. Năm nay chúng tôi sẽ có khoảng 200 phần quà dành tặng cho người nghèo và Ủy ban Đoàn kết Công giáo thành phố cũng sẽ đi theo các Linh mục, Ban Hành giáo và Mặt trận để động viên mọi người có một mùa giáng sinh vui vẻ, tiết kiệm theo tinh thần của “Giáo hội là nhân đôi niềm vui”.
Và để làm được điều đó người Công giáo phải nhân đôi trách nhiệm của mình tức là vừa trách nhiệm của một Kitô giáo, vừa trách nhiệm của một công dân. Chắc chắn với tinh thần này nếu người Công giáo thực hiện đúng thì người Công giáo sẽ phải làm tốt hơn nữa mọi nghĩa vụ công dân của mình.
Trân trọng cám ơn ông!