Hướng nào cho phim đặt hàng

Minh Sơn 24/12/2019 06:30

Năm 2019 ghi dấu nhiều bộ phim do Nhà nước đầu tư đã ra đời. Tuy nhiên, những bộ phim lại tiếp tục gây thất vọng và đang có nguy cơ đi theo những “lối mòn”.

Hướng nào cho phim đặt hàng

Cảnh trong phim “Truyền thuyết Quán Tiên”.

Lép vế tại phòng vé

Cụ thể, 4 bộ phim được Nhà nước đặt hàng và chính thức ra mắt trong năm 2019 gồm “Truyền thuyết về Quán Tiên”, “Thạch Thảo”, “Nơi ta không thuộc về” và “Hợp đồng bán mình”. Nhưng chỉ sau ít ngày ra mắt, cả 4 phim đều chưa đủ thuyết phục người xem về cả mặt chất lượng. Thậm chí về mặt doanh thu, có tác phẩm đã ra rạp, nhưng không tạo được sức hút với khán giả; có tác phẩm chưa ra rạp, nhưng sự phản hồi từ khán giả thông qua truyền thông dành cho bộ phim cũng không mấy mặn mà.

Đơn cử như bộ phim “Hợp đồng bán mình” đánh dấu sự trở lại của Hãng phim Giải phóng thì ngay từ khâu phát hành đã gặp vô số khó khăn. Phim ngay sau khi được công chiếu không được đánh giá cao về nội dung. Thậm chí theo nhiều nhà phê bình điện ảnh, kịch bản “Hợp đồng bán mình” còn nhiều lỗ hổng. Diễn viên vào vai nữ chính không phù hợp với nhân vật được miêu tả, diễn xuất cũng không đạt, chỉ hợp vai phản diện hơn là các cô gái ngây thơ, thánh thiện. Vì nữ chính diễn không đạt nên làm mất đi thông điệp chính của phim… Còn với phim “Thạch Thảo” dù đã ra rạp nhưng không để dấu ấn với doanh thu thấp. Riêng với “Nơi ta không thuộc về” (do Điện ảnh Quân đội sản xuất) chỉ chiếu tuyên truyền, phục vụ trong quân đội.

Trong 4 bộ phim trên là có lẽ bộ phim “Truyền thuyết về Quán Tiên” đồng giải Bông sen bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 21 là được đánh giá tốt hơn cả. Được chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của cố nhà văn Xuân Thiều, nhưng tác phẩm bị đánh giá là chuyển thể chưa đạt, lời thoại vẫn nặng tính văn học và nhìn chung phim chưa tạo được xúc cảm chạm đến trái tim người xem.

Có thể thấy, không có khả năng doanh thu như phim giải trí nhưng chất lượng nghệ thuật của phim do nhà nước tài trợ, đặt hàng cũng không hơn phim do tư nhân sản xuất là điều mà cả người trong và ngoài giới đều bức xúc. Nếu như trước đó, nhiều phim đặt hàng, dù không thể tạo bứt phá ngoài rạp chiếu, thì ít nhất cũng nhận được phản hồi tích cực về tính nghệ thuật, điển hình như phim “Long thành cầm giả ca” của đạo diễn Đào Bá Sơn hay “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ. Một trong những minh chứng rõ nhất tính nghệ thuật của phim được thể hiện rõ qua các giải thưởng mà phim đạt được.

Thận trọng trong đầu tư

Với những “thất bại” của phim Nhà nước đặt hàng đang đặt ra vô số những hoài nghi không chỉ người trong giới mà khán giả cũng chưa lý giải được là vì sao phim nhà nước đặt hàng lại không có những đạo diễn tên tuổi như Charlie Nguyễn, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh... Từ đó, tạo ra cảm giác cơ quan quản lý vẫn chưa thoát khỏi tư duy tiền nhà nước bỏ ra là phải do các hãng phim của nhà nước sản xuất, một hình thức trợ cấp vốn chứ không phải muốn tạo ra những bộ phim thực sự có giá trị về nghệ thuật.

Theo đạo diễn Đào Bá Sơn, việc cấp kinh phí thông qua đơn vị sản xuất là các hãng phim Nhà nước sẽ bị chi phối bởi cách quản lý mang nặng tư duy bao cấp của chính các cơ quan này. Từ đó dẫn đến hệ quả nguồn kinh phí thực sự để đầu tư cho phim không theo kế hoạch. Cũng theo đạo điễn Đào Bá Sơn, phim đặt hàng cần tiếp tục được thực hiện, nhưng phải có sự chọn lựa thận trọng, phải kiểm soát được nguồn kinh phí và phải có sự giám sát chất lượng tác phẩm. Hiện trên thị trường tồn tại 2 dòng phim, phim Nhà nước đặt hàng nhân các sự kiến lớn, các lễ kỷ niệm lớn của dân tộc… vì đây là nhiệm vụ chính trị cũng như duy trì bản sắc Việt trong nghệ thuật và phim tư nhân. Thế nhưng hiện đang tồn tại mâu thuẫn. Trong khi là các hãng phim tư nhân làm phim vì mục đích doanh thu, lợi nhuận thì thực tế đang thắng thế không chỉ ở các phòng vé mà ở cả các giải thưởng. Qua một số giải thưởng, mùa LHP gần đây cho thấy, phim tư nhân luôn thắng thế ở các giải thưởng - vốn đề cao tính nghệ thuật, chuyên môn chứ không coi doanh thu là tiêu chí xét giải. Những mâu thuẫn này chắc sẽ còn tồn tại lâu trong điện ảnh Việt. “Nhiều người vẫn có cảm giác cơ quan quản lý vẫn chưa thoát khỏi tư duy tiền Nhà nước bỏ ra là phải do các hãng phim của Nhà nước sản xuất, một hình thức trợ cấp vốn chứ không phải muốn tạo ra những bộ phim thực sự có giá trị về nghệ thuật” đạo diễn nói.

Mới đây, trong văn bản góp ý vào Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam gửi Bộ VHTTDL, cơ quan này còn thẳng thẳn chỉ ra: Việc đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước gây lãng phí mà chưa đem lại hiệu quả như mong muốn, chưa thể hiện rõ vai trò định hướng, tuyên truyền do không thu hút được người xem. Cơ quan này kiến nghị không nên tiếp tục sử dụng ngân sách nhà nước để đầu tư cho những lĩnh vực nhiều rủi ro và không đo đếm cụ thể được hiệu quả như vậy. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ các quy định về đặt hàng phim sử dụng ngân sách nhà nước. Thay vào đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đẩy mạnh hình thức xã hội hóa huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách để thực hiện chủ trương phát triển phim đặt hàng.

Minh Sơn