Giáng sinh và sự hoà hợp

Cẩm Thuý 25/12/2019 08:00

Chúc nhau một Giáng sinh vui vẻ an lành bây giờ đã là một cử chỉ văn hoá không còn xa lạ đối với người Việt Nam, bất kể có phải là người theo đạo Ki tô giáo hay không. Truyền thống của một đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, với đặc điểm của một nền văn hoá bao dung và hoà hợp đã tạo ra những sinh hoạt văn hoá ngày càng phong phú trong đời sống tinh thần người Việt.

Giáng sinh và sự hoà hợp

Nhà thờ lớn Hà Nội mùa Giáng sinh.

Lễ Giáng sinh không có nguồn gốc ở Việt Nam, nó nguyên là ngày lễ của những người theo Ki tô giáo như đạo Thiên chúa, đạo Tin lành… Thế nhưng, càng ngày, cứ đến đầu tháng 12 thì ở khắp nơi, nhất là các thành phố lớn, không ai không nhận thấy không khí của ngày lễ Giáng sinh đang đến gần với khung cảnh trang trí rực rỡ, các mặt hàng phục vụ cho lễ Noel phong phú và người ta bắt đầu lên kế hoạch vui chơi cho đêm Giáng sinh. Với đa số người Việt Nam, chào đón đêm Giáng sinh không nhất thiết là để phục vụ một nhu cầu tâm linh, đón Giáng sinh đã trở thành một nét văn hoá lễ hội, một sự hoà nhập và tận hưởng một tập tục đẹp. Trẻ em háo hức chờ quà của ông già Noel, người lớn tặng quà cho nhau và chúc nhau những lời tốt đẹp, những gia đình và bạn bè quây quần bên nhau ở nhà, ở quán ăn hoặc quán café… Không khí yêu thương, ấm cúng và bình an…

Cách đón Giáng sinh của người có đạo và người không theo đạo Thiên chúa, đạo Tin lành có thể khác nhau, nhưng cùng chung một điểm: Trao gửi cho nhau những yêu thương và cùng nhau hướng tới sự an lành, hạnh phúc.

Vào những năm tháng đầu tiên của mở cửa và hội nhập, chúng ta từng lo lắng về sự lai căng văn hoá. Cho đến thời điểm này, sự lo lắng ấy không phải là vô cớ. Quả là trong sự tiếp nhận văn hoá nước ngoài vào Việt Nam không phải không có những thứ chưa phù hợp với thuần phong mỹ tục dân tộc. Trong nhiều thập niên qua không phải không có những sự lai căng, mất gốc, xuống cấp về văn hoá và đạo đức. Nhưng cũng phải thấy nhiều nét văn hoá mới, hiện đại, văn minh đã được chúng ta tiếp nhận một cách chọn lọc. Lễ Giáng sinh là một trong số ấy. Tuy nhiên, điều gì đã khiến Giáng sinh cũng như nhiều sinh hoạt văn hoá lành mạnh khác được chào đón hồ hởi đến vậy? Có lẽ phải lý giải điều này từ gốc rễ của đặc điểm văn hoá dân tộc. Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, trong suốt nhiều ngàn năm lịch sử, nền văn hoá Việt Nam luôn luôn thích ứng với hoàn cảnh, tiếp nhận các sinh hoạt tôn giáo mới một cách nhanh chóng, nhưng lại làm cho nó hoà hợp với văn hoá bản địa, hoà hợp với các tôn giáo khác. Người Việt Nam đoàn kết giữa các tôn giáo với nhau, mà các nhà nghiên cứu gọi đó là tính hỗn dung tôn giáo có lẽ bắt nguồn từ tinh thần nhân ái, nhân bản. Bởi vì suy cho cùng tôn giáo nào cũng hướng thiện, tôn giáo nào cũng hướng con người tới đời sống hạnh phúc hơn.

Đêm qua, mọi người ở khắp nơi chào đón lễ Giáng sinh, dù ở nơi se se lạnh hay nơi khí hậu ấm áp, thông điệp yêu thương mà con người trao gửi cho nhau thì không nơi nào là khác. Điều đó lý giải tại sao ngày lễ Giáng sinh được chào đón, góp phần làm phong phú thêm đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hoá của người Việt, trên bước đường hội nhập cùng thế giới. Không có khoảng cách nào giữa con người với con người khi người ở bên nhau, cùng cầu nguyện cho sự an lành, sự yêu thương và đoàn kết.

Không có gì mạnh mẽ hơn việc thông qua sinh hoạt văn hoá tâm linh cộng đồng, người dân là những người theo đạo hay không theo đạo đều có dịp hiểu và đoàn kết nhau hơn, tăng cường đoàn kết giữa các tôn giáo, các dân tộc. Nhận thức rõ được điều này thì trong bối cảnh toàn cầu hoá, chúng ta vẫn không lo sợ việc đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc, bởi vì truyền thống dung hoà văn hoá - tôn giáo, đang làm cho nền văn hoá dân tộc phong phú hơn lên.

Tiếp nhận văn hóa của những tôn giáo vào Việt Nam, văn hóa Việt Nam đang được làm giàu thêm bởi những yếu tố văn hóa, đạo Thiên chúa hay đạo Tin lành trải qua thời gian đều đang có những đóng góp đáng kể cho nền văn hóa Việt Nam. Hội nhập Công giáo vào Việt Nam đã làm cho nền văn hóa ấy trở nên phong phú, đa dạng, cũng giống như Khổng giáo, Lão giáo, Phật giáo đã làm trước kia. Trong sự hội nhập này không có gì mất đi, trái lại cả văn hóa Việt Nam cũng như các tôn giáo, đều có thêm những nét độc đáo của riêng mình. Các tôn giáo vào Việt Nam đã được bản địa hóa, tiếp nhận những dấu ấn của văn hóa Việt Nam.

Đêm Giáng sinh với những bản nhạc đã vang lên, người ta nắm tay nhau cùng cầu mong hạnh phúc. Lễ Noel đã thực sự trở thành một phần của sinh hoạt văn hoá và tín ngưỡng của mọi người Việt Nam, không phân biệt tôn giáo. Một mùa Lễ Giáng sinh ấm áp và an lành đã được đón mừng, chờ một năm mới đến, trong yêu thương.

Cẩm Thuý