Bản sắc văn hóa Tây Nam Bộ trước nhiều thách thức

Thành Luân 25/12/2019 06:38

Ngày 24/12, tại TP Trà Vinh, đã diễn ra hội thảo khoa học “Văn hóa Tây Nam Bộ - Đặc trưng và giá trị”. Báo cáo đề dẫn tại Hội thảo, PGS.TS Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho biết, Tây Nam Bộ còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long có lịch sử hình thành, phát triển đặc biệt trên nhiều phương diện lịch sử, văn hóa và con người; tuy nhiên, hiện nay vùng đất này đang đứng trước nhiều vấn đề xã hội phức tạp như đói nghèo, bất bình đẳng xã hội, di cư lao động, tội phạm…

Trong khi đó, PGS.TS Huỳnh Ngọc Thu-Trưởng khoa Nhân học -Trường ĐH KHXH-NV TP HCM xác định đang có những biên giới mờ về tiêu chí văn hóa trong quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa giữ các tộc người của khu vực Tây Nam Bộ. Hệ quả được cảnh báo trong tương lai sẽ dẫn đến sự khó khăn khi dùng tiêu chí “đặc trưng văn hóa” để xác định thành phần tộc người ở khu vực này. Tuy nhiên, PGS Huỳnh Ngọc Thu cũng thừa nhận quá trình biến đổi và pha trộn ở Tây Nam Bộ là không thể tránh khỏi trong quá trình sống cộng cư bên nhau của các cộng đồng tộc người. Đó là quá trình cùng sống, chịu sự chi phối trong một môi trường địa lý sinh thái, cùng trải qua những biến động xã hội, quá trình hôn nhân hỗn hợp giữa các tộc người.

Còn ông Quốc Chiến- đại diện Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Long nhìn nhận quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa Tây Nam Bộ thời gian qua khiến văn hóa Việt của vùng ít chất thuần Việt nhưng vẫn không tự đánh mất mình. Đó là quá trình tự thân biến đổi để thích nghi với các giá trị văn hóa mà nó tự thu nạp, vừa tái tạo ra các giá trị mới, thích ứng với nhu cầu của người Việt trên vùng đất mới. Do đó, giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa của vùng Tây Nam Bộ cần được các địa phương trong vùng chung tay tìm kiếm những giải pháp chung và xuyên suốt, dài hơi hơn nữa. Từ đó, không gian văn hóa của người Tây Nam Bộ tiếp tục được lan tỏa, giữ được sự đa dạng, phong phú, đặc sắc, giàu tính hỗn dung và cũng rất phóng khoáng như bản chất của người Nam Bộ.

Thành Luân