VFS, đổi thay để tồn tại và phát triển
Ngày 24/12, tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL), tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Hãng Phim truyện Việt Nam (VFS).
Đại biểu tham dự lễ kỷ niệm.
Quá khứ hào hùng
Đây là lễ kỷ niệm thứ hai sau khi các cán bộ nghệ sĩ điện ảnh đã tổ chức ngày 6/12 tại trụ sở VFS. Các nghệ sĩ điện ảnh đã chọn ngày 6/12/2019 để làm lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hãng Phim truyện Việt Nam. Thế nhưng, trên thực tế, ngày 6/12/1959 là ngày bộ phim truyện nhựa đầu tiên “Chung một dòng sông” (đạo diễn Hồng Nghi, Phạm Hiếu Dân) hoàn thành và công chiếu. Còn trước đó, ngày 15/3/1953, ngành điện ảnh, nhiếp ảnh đã được thành lập từ Sắc lệnh của Hồ Chủ tịch. Sau đó, điện ảnh tách riêng thành Xưởng phim Việt Nam. Việc chọn mốc son 1959 để làm kỷ niệm mang ý nghĩa cán bộ, nghệ sĩ mong muốn làm phim, và chỉ có những bộ phim mới đánh dấu sự tồn tại của họ, của hãng phim.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông ôn lại quá khứ hào hùng của VFS. Bộ phim “Chung một dòng sông” đã đánh dấu sự ra đời của thể loại phim truyện điện ảnh Việt Nam. Và “làm theo lời Bác, các thế hệ nghệ sĩ điện ảnh đã đồng tâm chung sức xây dựng VFS ngày một hoàn thiện về chuyên môn và bản lĩnh chính trị, nghề nghiệp, đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhớ cho đến ngày nay”.
Mảnh đất số 4 Thụy Khuê (Hà Nội) là ngôi nhà thân thương đã vun đắp những tài năng của những nghệ sĩ, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng nhất của điện ảnh Việt Nam. Đó là: NSND Phạm Văn Khoa, NSND Nguyễn Hồng Nghi, NSND Phạm Kỳ Nam (Phạm Hiếu Dân), NSND Trần Vũ, NSND Nguyễn Đăng Bảy, NSND Trần Vũ, NSND Hải Ninh, NSND Đặng Nhật Minh, NSND Bạch Diệp, NSND Trà Giang…
Trong những năm tháng chiến tranh, nhiều nghệ sĩ điện ảnh của VFS đã ngã xuống trên chiến trường trong lúc đang làm nhiệm vụ. Đất nước thống nhất, các cán bộ, nghệ sĩ của Hãng có mặt trên khắp mọi miền đất nước, dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ góp sức xây dựng nền điện ảnh Việt Nam thống nhất, đổi mới, tiên tiến, mang đậm bản sắc dân tộc như: Sao Tháng Tám, Mối tình đầu, Bao giờ cho đến tháng Mười, Đời cát, Ngã ba Đồng Lộc... Các tác phẩm này đã chiếm được trái tim, tình cảm của hàng triệu triệu khán giả. Đó là nguồn động viên vô cùng quý giá dành cho những người làm phim của VFS.
Nhiều tác phẩm, các nghệ sĩ xuất sắc đã được trao những giải thưởng cao quý, với 65 Bông Sen Vàng tại các kỳ LHP quốc gia; những giải thưởng quốc tế quý giá ngay từ trong những năm tháng chiến tranh đã khẳng định vai trò luôn đi đầu của VFS trong các hoạt động điện ảnh, đứng đầu sóng ngọn gió trong mọi sự đổi thay để tồn tại và phát triển, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao phó. Với những cống hiến trên đối với điện ảnh cách mạng Việt Nam, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng 1 Huân chương Độc lập hạng Nhì, 1 Huân chương Độc lập hạng Ba, 5 Huân chương Lao động hạng Nhất, 6 Huân chương Lao động hạng Nhì, 6 Huân chương Lao động hạng Ba, 6 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 13 Giải thưởng Nhà nước cho các Nghệ sĩ tài năng của Hãng.
Hiện tại… rối bời
Phát biểu của Thứ trưởng Tạ Quang Đông không đề cập đến các sai phạm của quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam. Trả lời phóng viên báo chí sau Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói: “Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam Thanh tra Chính phủ đã kết luận rồi, mọi việc đang được thực hiện theo tiến độ pháp luật hiện hành”. Với câu hỏi “Khi nào nhà đầu tư chiến lược VIVASO thoái vốn theo kết luận của Thanh ra Chính phủ?”, Thứ trưởng cho biết: “Vẫn chưa hết thời hạn của Thanh tra Chính phủ về việc thoái vốn của VIVASO”.
NSƯT đạo diễn Bùi Tuấn Dũng- đại diện một số cán bộ nghệ sĩ đến tham dự, phát biểu: “VFS có truyền thống, có nền tảng, điều đó không thể phủ định, xóa sổ được. Cổ phần hóa là kinh nghiệm đau đớn không chỉ cho anh chị em nghệ sĩ mà với cả đối tác đã tham gia quá trình này. Cổ phần hóa đã đẩy VFS vào một vũng lầy và đẩy anh chị em chúng tôi vào một giới hạn, mà sức chịu đựng của con người khó để vượt qua”.
Khi ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VHTTDL) đọc danh sách các cán bộ, nghệ sĩ được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp điện ảnh thì các cán bộ, nghệ sĩ không ai lên để Thứ trưởng Tạ Quang Đông trao tặng. Nói về việc không nhận kỷ niệm chương, đạo diễn Nguyễn Xuân Thành nói: “Cổ phần hóa không phải là để xóa sổ hãng phim. Chúng tôi cần giải quyết vấn đề cổ phần hóa theo kết luận đã ban hành của Thanh tra Chính phủ…”.