Tăng cường kiểm soát buôn bán ngà voi và động vật hoang dã
Trong 3 ngày (25 - 27/12), tại Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) phối hợp với Chi cục Kiểm lâm vùng IV tổ chức tập huấn Tăng cường kiểm soát buôn bán ngà voi và các loài hoang dã cho các tỉnh có đường biên giới ở Tây Nguyên.
Các đại biểu tập huấn, tìm hiểu, thảo luận về những nội dung: buôn bán bất hợp pháp các loài hoang dã trên thế giới, khu vực; các thủ đoạn buôn lậu, giấu hàng và tham nhũng; nhận dạng ngà voi, sừng tê giác, xương hổ, vảy tê tê và giới thiệu các tài liệu nhận dạng; công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) và thực thi công ước CITES ở Việt Nam;...
Theo đánh giá của một số chuyên gia quốc tế, Việt Nam đang trở thành điểm nóng về buôn bán và sử dụng sản phẩm từ động, thực vật hoang dã ở Đông Nam Á. Cạnh đó, nước ta cũng được biết đến là địa bàn trung chuyển lớn trong khu vực về buôn bán các sản phẩm từ động vật hoang dã. Các chuyên gia cũng thông tin về nhiều văn bản, chính sách pháp luật như: Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm tại Điều 244 Bộ luật Hình sự; Thông tư 27/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản; Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã, nguy cấp; Nghị định 35/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; những lưu ý trong thực hiện các văn bản, chính sách pháp luật. Ngoài ra, các đại biểu sẽ thảo luận về buôn bán động vật hoang dã và thách thức trong thực thi pháp luật tại các tỉnh, chia sẻ kinh nghiệm trong đánh án, khởi tố hình sự, xử lý tang vật; đi thực địa hiện trường và xử lý các vụ vi phạm.
Bà Nguyễn Đào Ngọc Vân - Quản lý Dự án ngăn chặn buôn bán động vật hoang dã của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) tại Việt Nam, cho biết, nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm từ động vật hoang dã đã và đang thúc đẩy nạn săn trộm, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Tuy nhiên, tội phạm săn bắt, buôn bán động vật hoang dã chưa được xử lý thích đáng và nhận thức của cộng đồng về tội phạm buôn bán, săn bắt động vật hoang dã chưa cao dẫn đến động vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Theo ông Tô Xuân Đam - Chi Cục phó Chi cục Kiểm lâm Vùng IV, hiện nay trên thị trường, phần lớn ngà voi không phải có nguồn gốc của Việt Nam, sản phẩm làm từ ngà voi rất dễ phân biệt thật – giả. qua chương Qua tập huấn, các đại biểu có thể nhận biết được sản phẩm làm từ động vật hoang dã, chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và nâng cao nhận thức về vai trò của từng cơ quan thực thi pháp luật trong giám sát việc buôn bán quốc tế các loài hoang dã tại địa bàn.