Nước đến chân mới nhảy

Minh Phương 26/12/2019 08:00

Cho tới thời điểm này, dù dịch tả lợn châu Phi đã lắng xuống nhưng những tổn thất mà “bão dịch” để lại cho ngành chăn nuôi nước nhà là quá lớn. Gần hai tháng nay, giá thịt lợn tăng với tốc độ chóng mặt; các cơ quan quản lý đã ngồi lại để bàn nhiều giải pháp bình ổn song dường như các giải pháp đưa ra đều bất lực trước cơn tăng giá “phi mã” của mặt hàng này. Tết đã đến rất gần, vấn đề vì thế lại càng thêm nóng.

Nước đến chân mới nhảy

Người tiêu dùng (chợ Bến Thành, quận 1, TP HCM) băn khoăn khi giá thịt lợn quá cao. Ảnh: Tấn Thạnh/NLĐ.

Có thể nói, chưa bao giờ thịt lợn lại tăng giá chóng mặt đến vậy. Ngoài nguyên nhân thiếu thịt do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi bùng phát, không thể tái đàn tại vùng dịch, Bộ Công thương cho rằng, việc kiểm soát dịch bệnh, hạn chế lưu thông giữa các địa phương đã làm mất cân đối cung cầu cục bộ, đẩy giá tăng cục bộ ảnh hưởng chung tới thị trường. Thêm vào đó, Bộ này cũng cho rằng, trong khi nhu cầu tiêu dùng dịp cuối năm tăng cao, một bộ phận người chăn nuôi, nhà sản xuất lại “găm” hàng chưa bán, chờ giá tăng cao hơn, do đó đây cũng là nguyên nhân đẩy giá thịt lợn leo thang.

Ngoài ra, theo phản ánh của một số nhà phân phối, siêu thị về việc khó tiếp cận nguồn hàng thịt lợn của các nhà sản xuất, trang trại, công ty chăn nuôi (trong đó có Công ty CP chăn nuôi CP Việt Nam) mặc dù các nhà sản xuất này còn nguồn hàng. Như vậy, rõ ràng có tình trạng “găm” hàng chờ giá hộ chăn nuôi, thậm chí cả các DN lớn.

Những diễn biến trên thị trường thịt lợn cho thấy, các giải pháp đưa ra nhằm bình ổn thị trường này vẫn chưa có dấu hiệu khả quan. Thậm chí, ngay cả những doanh nghiệp nằm trong diện bình ổn giá, đã cam kết với nhà quản lý là sẽ không tăng giá thịt lợn song đến nay cũng đã “đứng ngồi không yên”, nhấp nhổm đòi tăng giá khi thấy giá thịt lợn hơi tăng quá cao.

Trước tình hình giá thịt lợn tăng quá nhanh và quá mạnh, Chính phủ đã có văn bản phê bình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về những chậm trễ liên quan đến bình ổn mặt hàng thịt lợn. Và ngay sau khi bị nhắc nhở, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã họp gấp với một số doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong lĩnh vực chăn nuôi bàn về các giải pháp ổn định nguồn cung và thị trường mặt hàng thịt lợn trong dịp Tết Canh Tý 2020.

Tuy nhiên, hiệu ứng thị trường từ những động thái trên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hầu như không được như kỳ vọng. Giá thịt vẫn tăng tốc từng ngày.

Câu chuyện giá thịt lợn dù là một “hiện tượng”, nhưng cũng không phải là điều bất ngờ đối với câu chuyện giá. Chúng ta đã từng chứng kiến nhiều sản phẩm nông sản khi khan hiếm nguồn cung thì giá bị đẩy lên cao, còn khi cung thừa giá lại bị rơi rớt thảm hại. Chẳng thế mà chính sản phẩm thịt lợn đã từng có thời điểm được kêu gọi “giải cứu” do giá xuống quá thấp. Thế nên mới có chuyện, nhiều người tiêu dùng nói rằng, với việc giá thịt lợn tăng chóng mặt hiện nay thì cũng đừng kêu gọi giải cứu khi rớt giá. Suy cho cùng, việc giá tăng giảm đối với một mặt hàng nào đó khi nguồn cung quá lớn hoặc quá hiếm, âu cũng là quy luật của thị trường. Tuy nhiên, nếu để tình trạng giá thịt lợn tăng đến mức khó kiểm soát như hiện nay, cần phải nhìn nhận lại vai trò của nhà quản lý.

Trên thực tế giá thịt lợn đã manh nha bị đẩy lên từ khoảng hai tháng trở lại đây, thế nhưng thời điểm này, Bộ Công thương mới cho biết đang có kế hoạch thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành (Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công thương và lực lượng công an, thú y…) thực hiện kiểm tra, kiểm soát thị trường, trong đó tập trung vào việc kiểm tra tình trạng lũng đoạn, găm hàng, tăng giá gây bất ổn thị trường của các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn. “Nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính hoặc xử phạt hình sự tùy theo mức độ”- Bộ này nhấn mạnh. Phải chăng, cơ quan quản lý vẫn chậm hơn rất nhiều so với những diễn biến của thị trường?

Quay trở lại với vấn đề về nguồn cung thịt lợn, mặc dù nhà quản lý đang cố gắng đưa ra những giải pháp nhằm ổn định nguồn cung, song việc thiếu hụt trầm trọng nguồn cung thịt lợn không còn là nguy cơ nữa mà nó là một thực tế đang tác động hàng ngày đến đời sống dân sinh, nhất là dịp cuối năm nhu cầu về thịt lợn tăng cao. Vậy nhưng thời điểm này, cả Bộ NNPTNT và Bộ Công thương vẫn chỉ đang bàn giải pháp để nhập khẩu thịt lợn, xem nhập khẩu bao nhiêu, đánh thuế thế nào và doanh nghiệp nào đủ điều kiện nhập thịt lợn… thì thật là khó hiểu. Thực tế thì thời điểm này mới bàn giải pháp nhập khẩu thịt lợn là quá muộn. Bình ổn thị trường là phải chủ động, chứ không phải là kiểu “nước đến chân mới nhảy”.

Minh Phương