Những ý kiến thẳng thắn, chân tình từ hội nghị Mặt trận
Sáng ngày 26/12, Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ hai, khoá IX tiếp tục phiên làm việc ngày thứ hai với sự tham gia ý kiến đóng góp của các vị Ủy viên Ủy ban tại 3 tổ thảo luận. Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh, Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng chủ trì 3 tổ thảo luận.
Chủ tịch Trần Thanh Mẫn dự tổ thảo luận do Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì.
Ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài tham dự các tổ thảo luận.
Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức ngay tại Đại hội MTTQ Việt Nam lần thứ IX để hiệp thương nhiều chức danh quan trọng cho nên Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam lần thứ hai được xem là dịp để các đại biểu, nhất là những vị uỷ viên mới hiến kế nhiều ý kiến cho Mặt trận. Trên cơ sở này, Ban Thường trực sẽ ban hành các văn bản quan trọng, có nội dung, tính chất chi phối hoạt động xuyên suốt của cả nhiệm kỳ 2019 - 2024, là cơ sở để triển khai bài bản, kịp thời, khoa học, hiệu quả Nghị quyết, các chương trình Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam lần thứ IX đã đề ra.
Ông Nguyễn Ngọc Minh, Phó Chủ nhiệm HĐTV về Giáo dục, Khoa học và Môi trường chia sẻ, ông đã tham gia Mặt trận trong nhiều nhiệm kỳ, qua thực tế, việc tổ chức thành công Đại hội IX vừa rồi đã cho thấy sức sống Mặt trận trong lòng dân, sức sống ấy còn được thể hiện trong những dịp tổ chức ngày hội đại đoàn kết.
Nhưng trong giai đoạn mới, ông Minh cho rằng, Mặt trận cần phải hiểu rõ cơ hội và thách thức mà đất nước đang trải qua. Trong đó có những vấn đề tồn tại, chưa được giải quyết dứt điểm như tiêu cực, tham nhũng đang làm xói mòn niềm tin, như đám mây phủ không có lối ra.
Quang cảnh tổ thảo luận do Phó Chủ tịch Trương Thị Ngọc Ánh chủ trì.
Phát biểu tại tổ thảo luận, theo ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, đây là dịp để bàn những vấn đề lâu dài, có tính chất xuyên suốt của cả nhiệm kỳ, trong đó có vấn đề phát huy dân chủ, đối với Mặt trận thì cần đi sâu vào những vấn đề thiết chế dân chủ.
Ông Kim cho rằng, nhiệm kỳ qua, MTTQ Việt Nam đã đi được những bước tiến dài khi Luật MTTQ Việt Nam được ban hành, Bộ Chính trị cũng đã ban hành Quyết định 217,218 về giám sát phản biện và xây dựng Đảng, chính quyền, chính vì vậy, nhiệm kỳ này, Mặt trận cần phải nghiên cứu, cần phải có sáng kiến về pháp luật để đi thêm những bước tiến mới cho quá trình dân chủ.
Theo ông Vũ Trọng Kim, hiện nay chúng ta đã có pháp lệnh về Dân chủ cơ sở nhưng vẫn cần phải đổi mới. Ví dụ mỗi lần Mặt trận giám sát thì phải báo cáo cho cấp uỷ, uỷ ban thì mới được giám sát, làm như vậy là làm mất đi vai trò độc lập của Mặt trận.
“Giám sát của Mặt trận là phục vụ cho mục tiêu của Đảng, nhà nước và phục vụ cho lợi ích của nhân dân thì cớ sao lại phải báo cáo” ông Kim nêu vấn đề và khẳng định, Mặt trận nên đăng ký với Quốc hội một sáng kiến Pháp luật về Luật Dân chủ cơ sở, điều này Mặt trận hoàn toàn đủ sức có thể làm được.
Quanh cảnh tổ thảo luận do Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực chủ trì.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Mặt trận là đem lại dân chủ cho nhân dân, làm cho nhà nước mạnh lên. Đó chính là bước tiến xu thế của thời đại. Không có con đường nào khác là con đường của nhân dân bước vào “lâu đài” dân chủ.
Ông Vũ Trọng Kim cũng cho rằng, để phát huy dân chủ thì giám sát của Mặt trận cần phải đi sâu vào vấn đề của đường lối, vấn đề của chính sách. “Tại sao chúng ta phải mua than, mua cái này, cái khác trong khi chúng ta bỏ mặc những tiềm năng. Nếu chúng ta giám sát những vấn đề này, làm tốt được việc này thì chính là chúng ta đã có một bước tiến trong việc mở rộng dân chủ”, ông Vũ Trọng Kim khẳng định.
Bàn về thiết chế dân chủ ở cơ sở, theo ông Vũ Trọng Kim nên có Đại hội nhân dân ở cơ sở. Những công việc của cơ sở là phải thông qua đại hội của nhân dân, cần phải tìm cách phát huy. Ông Kim lấy ví dụ từ Thuỵ Sĩ, mọi việc đều được “trưng cầu dân ý” từ chuyện nhà hàng nên mở cửa vào lúc mấy giờ thì hợp lý cho đến việc một con đập bị vỡ thì nên sửa như thế nào.
“Việc này tuy có hơi chậm nhưng mà chắc chắn còn hơn là làm nhanh nhưng lại ẩu”, ông Kim nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong, các tổ chức hội được xem là một thiết chế dân chủ cơ sở, tuy nhiên ở rất nhiều nơi, vấn đề tổ chức, quản lý hội đã không được nhận thức đầy đủ. Ví dụ, Hội Cựu thanh niên Xung phong thì được xếp cùng với Hội tù Chính trị, hay có những địa phương, có những đồng chí thanh niên chỉ mới 25-26 tuổi đã làm chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong…
Ông Vũ Trọng Kim phát biểu tại tổ thảo luận.
“Nếu cứ tiếp tục làm “tùm lum” như vậy sẽ làm tan nát những hội mang tính cố kết cộng đồng của Mặt trận. Mặt trận có sứ mệnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Muốn thực hiện được 6 chữ ấy thì trước tiên phải tổ chức quản lý hướng dẫn các hội theo đúng tinh thần cố kết cộng đồng”, ông Vũ Trọng Kim khẳng định.
Đồng tình với quan điểm Mặt trận cần có sáng kiến pháp luật, ông Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, hiện nay chúng ta đang còn nợ nhân dân một số Luật như Luật Hội và Luật Biểu tình. Hai Luật này đều được quy định trong Hiến pháp từ năm 1946 nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được.
Nhấn mạnh đến vai trò của Mặt trận được được đánh giá rất cao, chính vì vậy nhân dân đang nhìn vào Mặt trận, đặt nhiều niềm tin vào Mặt trận thông qua vai trò giám sát, phản biện. Tuy nhiên để Mặt trận làm được như sự mong đợi, chỉ riêng trong năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm của Mặt trận cần phải thể hiện đúng tầm của Mặt trận thông qua những công việc cụ thể, theo đúng chức năng nhiệm vụ.
Nhìn lại nhiệm kỳ qua, Nhà giáo Nhân dân Phan Hoà, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông - Lâm Huế cho rằng, Mặt trận đã thực hiện tốt nhiều cuộc vận động như Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
Tuy nhiên theo ông Phan Hoà, cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh mới chỉ làm rất tốt ở nửa đầu tức là xây dựng nông thôn mới còn đô thị văn minh thì đã thành công? Đặt câu hỏi này ông Phan Hoà chia sẻ, hiện nay nhiều đô thị thua cả nông thôn từ giao thông cho đến quan hệ xã hội chưa kể ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Hà Nội là một ví dụ.
Quang cảnh tổ thảo luận do Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Dũng và Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài chủ trì.
“Tôi mới ra Hà Nội, ra đường không nhìn thấy mặt ai vì ai cũng bịt kín mít. Giàu mà làm gì khi ra đường không nhìn được mặt ai, giàu mà làm gì khi phải sống trong môi trường ô nhiễm nghiêm trọng như vậy”, ông Phan Hoà bức xúc và cho rằng đây chính là vấn đề nhức nhối ở nửa sau của cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh mà Mặt trận cần phải tiếp tục nỗ lực thực hiện vì phát triển kinh tế đến đâu thì vẫn cần phải đảm bảo an ninh môi trường.
Đây cũng là vấn đề mà người dân hiện đang rất mong muốn nhìn thấy sự quyết liệt hơn nữa từ các cơ quan quản lý nhà nước. Đó là tinh thần nói phải dứt khoát đi đôi với làm.
Ông Phan Hoà cho rằng, có rất nhiều vấn đề khi nhân dân phát hiện nhà nước vào cuộc xử lý và cam kết “ sẽ xử lý nghiêm” nhưng chờ mãi không thấy xử lý dứt điểm như vụ nhà 8B Lê Trực, vấn đề Thủ Thiêm, hàng lậu, hàng nhái…
“Người dân mong mỏi nhà nước cần phải xử lý dứt điểm những vấn đề như vậy, không nên để năm này qua năm khác” ông Phan Hoà nhấn mạnh.
Giáo sư Trần Đông A cho rằng việc tập hợp, phản ảnh ý kiến, kiến nghị của nhân dân thời gian qua của Mặt trận các cấp càng ngày càng nề nếp và chất lượng hơn, trong đó việc chủ động tích cực đấu tranh, phòng ngừa tội phạm ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, theo ông Trần Đông A, mặc dù Mặt trận các cấp đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành Công an và các cơ quan liên quan có nhiều biện pháp kịp thời đấu tranh chống lại tội phạm, nhưng hiện nay, tình hình tội phạm vẫn diễn biễn phức tạp. Để giải quyết tận gốc vấn đề này thì Mặt trận cần cùng với cơ quan nhà nước tìm ra nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự gia tăng của tình hình tội phạm như hiện nay, từ đó góp phần giúp nhân dân yên tâm sản xuất, kinh doanh.
Nhấn mạnh tới những nét đổi mới trong hoạt động của các tổ chức thành viên, GS Vũ Anh, Hội Y tế Công cộng Việt Nam bày tỏ niềm vui mừng trước những đổi mới của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới, đặc biệt là vai trò của các tổ chức thành viên ngày càng phát huy, các tổ chức đã phối hợp với nhau chặt chẽ hơn thông qua các cụm thi đua.
Từ thực tế mỗi tổ chức trong cụm đều có những phong trào thi đua thiết thực, tạo sức lan tỏa mạnh trong hệ thống của mình, GS Vũ Anh cho rằng, Mặt trận cần cụ thể hóa các tiêu chí thi đua đối với mỗi tổ chức thành viên theo hướng cụ thể hơn, tạo sự gắn kết hơn nữa.
GS Vũ Anh, Hội Y tế Công cộng Việt Nam phát biểu tại tổ thảo luận.
“Mặt trận cần vào cuộc để kết nối và hình thành kênh thông tin chính thức để tạo sinh khí mới, sự gắn kết mới trong việc triển khai các phong trào cụ thể giữa các tổ chức”, GS Vũ Anh bày tỏ.
Đồng quan điểm với GS Vũ Anh, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng, Mặt trận đã tập hợp, huy động sự tham gia nhiệt thành của mỗi tổ chức thành viên vào các phong trào thi đua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động. Từ vai trò kết nối của Mặt trận, các tổ chức thành viên đã tiếp tục cụ thể hóa hoạt động của mình thông qua các chương trình hành động sát với đoàn viên, hội viên của mình.
Để phát huy mạnh mẽ vai trò của các cấp hội, bà Phạm Thị Hải Chuyền mong muốn sớm có khuân khổ pháp lý chính thức cho hoạt động của các cấp hội, vì chỉ khi các cấp hội vững mạnh thì khối đại đoàn kết mới ngày càng được tăng cường và củng cố.
Ở góc độ Mặt trận địa phương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu bày tỏ, trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, vị thế và vai trò của Mặt trận ngày càng được khẳng định khi đã trực tiếp có ý kiến đối với nhân sự tham gia Ủy viên Ủy ban các cấp, với sự vào cuộc quyết liệt, thẳng thắn, đội ngũ Ủy viên Ủy ban trong nhiệm kỳ mới đã đảm bảo theo đúng cơ cấu đã đề ra, đặc biệt là cơ cấu Ủy viên ngoài đảng và các vị nhân sĩ - trí thức tiêu biểu. Đây là điểm mới và nổi bật.
Để tiếp tục khẳng định vị trí của Mặt trận, bà Tô Thị Bích Châu cho rằng, hướng tới Đại hội Đảng bộ các cấp, Mặt trận cần quan tâm tới cơ cấu nhân sự của mình khi tham ra cấp ủy. Bên cạnh đó, đối với việc triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW, những địa phương đã triển khai cần có Hội nghị sơ kết, đánh giá những ưu, nhược điểm, phải thẳng thắn đánh giá và không để hiện tượng “miệng nói nhưng lòng không phải vậy”, từ đó xây dựng được những người đứng đầu quyết liệt trong triển khai hoạt động giám sát, phản biện, nhất là thực hiện giám sát với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu phát biểu tại tổ thảo luận.
“Không thể để tình trạng đưa những cán bộ thiếu kinh nghiệm, không có khả năng tham mưu với Đảng phương hướng phát triển và không đánh giá, nhận diện và phát huy vai trò của mỗi Ủy viên Ủy ban về làm công tác Mặt trận. Cán bộ Mặt trận phải là những người được đào tạo bài bản về kỹ năng, được trang bị đầy đủ kiến thức để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và bảo đảm quyền và lợi ích của nhân dân”, bà Tô Thị Bích Châu nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Ca, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho rằng, cần phải tiêu chuẩn hóa những người làm công tác Mặt trận, phải có tiêu chí rõ ràng với cơ quan Thường trực ở các tỉnh để từ đó các tỉnh làm căn cứ lựa chọn những người có năng lực và nắm vững hoạt động của Mặt trận.
Nhắc tới vấn đề cấp thiết trong việc bố trí, sắp xếp bộ máy ở cấp tỉnh, cấp huyện hiện nay, ông Nguyễn Xuân Ca kiến nghị cần phải tạo sự thống nhất, không để tình trạng địa phương tự bố trí, sắp xếp, bởi nếu có sự thống nhất thì sẽ tạo được sự thông suốt trong quá trình chỉ đạo.
Băn khoăn đối với việc triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW, ông Lê Thành Công, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Đồng Tháp mong muốn cần có sự thống nhất trong việc triển khai, cần có quy định rõ ràng cấp nào được áp dụng Chủ tịch Mặt trận kiêm Trưởng Ban Dân vận, cấp nào không.
“Nếu thực hiện hai vai và làm không rõ thì sẽ mất đi vai trò phản biện của Mặt trận trước cấp ủy”, ông Lê Thành Công nói.
Nhấn mạnh tới vai trò tuyên truyền của các cơ quan báo chí trong hệ thống Mặt trận, ông Nguyễn Trọng Ánh Đông, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng cho rằng thời gian tơi cần phải đổi mới phương thức tuyên truyền theo hướng gắn với công nghệ và tập trung tuyên truyền các mô hình điển hình, các hoạt động nổi bật của cụm thi đua.
“Mỗi cơ quan cần đánh giá và xâm nhập vào các vấn đề nổi bật ở các cụm thi đua và các tổ chức thành viên để tạo sức lan tỏa trong hoạt động của Mặt trận”, ông Đông đề nghị.
Phát biểu thảo luận tại tổ, ông Đặng Văn Khoa, Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, bày tỏ đồng tình với nội dung trong các dự thảo văn bản, và mong muốn phát huy cao hơn nữa sự đóng góp của các uỷ viên uỷ ban Trung ương, để Mặt trận bám nhanh hơn, kịp thời hơn các vấn đề của đất nước, cũng như công tác Mặt trận.
Bên cạnh đó, ông Khoa cho rằng, Ban Thường trực cần đề nghị xem xét nội dung, chuyên đề phù hợp, để có thể tăng cường Hội nghị UBTƯ MTTQ Việt Nam theo hình thức trực tuyến.
Ông Đặng Văn Khoa cũng nhấn mạnh, trong năm 2020, nhiệm vụ trọng tâm là chọn lọc, kết tinh được trí tuệ toàn dân góp ý vào văn kiện xây dựng Đảng. Ông Khoa “bày tỏ sự thiết tha mong mỏi” cá nhân mình cũng như các vị Ủy viên Ủy ban dành nhiều thời gian góp ý vào văn kiện xây dựng Đảng.
Bàn về hoạt động giám sát, ông Đặng Văn Khoa cho rằng, ở địa phương nào, ở dự thảo nào có sự giám sát phản biện của Mặt trận thì nội dung đó, dự thảo đó tốt đẹp hơn, sáng trong hơn, hiệu quả hơn và nhận được sự đồng thuận của xã hội hơn. Và nơi nào có sự lắng nghe và tôn trọng ý kiến khác nhau thì nơi đó hiệu quả của giám sát rõ ràng được sự ủng hộ của xã hội.
Ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất, hoạt động giám sát và phản biện của Mặt trận có nhiều nét tương đồng với hoạt động giám sát thẩm tra, chất vấn giải trình của cơ quan Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Vì vậy, trước hết, theo ông Phúc phải bổ sung trong quy chế hoạt động của UBTƯ, Đoàn Chủ tịch, Ban thường trực và đặc biệt là các Hộ đồng tư vấn nội dung về sự phối hợp chặt chẽ với Quốc hội và cơ quan Quốc hội.
“Nếu phối hợp tốt sẽ nhân sức mạnh của cả hai cơ quan, hai lực lượng này, vì hai tổ chức này đều la đại diện của nhân dân”, ông Phúc nhấn mạnh.
Đề cao vai trò của Mặt trận trong tình hình mới, ông Lù Văn Que, Uỷ viên Đoàn Chủ tịch cho rằng, Mặt trận phải hiểu được niềm vui và nỗi lo của người dân. Người dân hiện đang lo về thực trạng mất an toàn giao thông, tệ nạn xã hội ngày càng nhiều, thực phẩm bẩn... những vấn đề trực tiếp ảnh hưởng tới đời sống. Bên cạnh đó, với nỗi lo như thiên tai, địch hoạ, vậy chúng ta cần phải làm gì?
Ông Lù Văn Que cho rằng, Mặt trận cần bàn cách giải quyết, giám sát tư vấn phản biện để chủ trương, chính sách của Đảng sao cho phù hợp. UBTƯ MTTQ phải nêu cao vai trò của mình trong tình hình mới, phải nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đoàn MTTQViệt Nam để đủ sức quy tụ lại hoạt động của MTTQ.
Theo ông Lù Văn Que, muốn nâng cao vai trò của Mặt trận, mỗi bản thân Ủy viên Ủy ban phải gương mẫu, lo cho dân. Mặt trận phải bám vào dân vì sức mạnh của Mặt trận là ở lòng dân, cùng với đó Mặt trận phải xây dựng thế trận lòng dân trong các vấn đề biển Đông, biên giới... Đồng thời Mặt trận phải nắm, tập hợp được người tiêu biểu để họ trực tiếp gặp người dân, nối dài cánh tay Mặt trận ở các địa bàn dân cư.
Tiếp thu các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại tổ thảo luận, các Phó Chủ tịch chủ trì tại các tổ thảo luận khẳng định, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ tiếp thu để hoàn thiện các nội dung đề ra.