Mùa thu thăm nhà thơ Giang Nam
Nhà thơ Giang Nam, tên thật là Nguyễn Sung, sinh ngày 2/2/1929 tại xã Ninh Bình, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa trong một gia đình nho học. Tham gia Việt Minh từ tháng 8/1945, làm Phó trưởng Ty Thông báo tin Khánh Hòa, sau 1954 bác hoạt động ở miền Nam, làm Phó ban Tuyên huấn Khánh Hòa, Phó Tổng Thư ký Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam, Trưởng Tiểu ban Văn nghệ, Ủy viên Ban Tuyên huấn khu Sài Gòn - Gia Định.
Từ 1975, là đại biểu Quốc hội khóa VI, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa II, III, Tổng Biên tập báo Văn nghệ, Chủ tịch Hội Văn nghệ Phú Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa. Giải thưởng Nhà nước về VHNT đợt 1 (năm 2001). Bài thơ Quê hương nổi tiếng của bác có một lịch sử mà đến nay ít người biết.
Nhà thơ Giang Nam (trái). (Ảnh: Khải An).
Tôi về Nha Trang đi dự Hội nghị khoa học. Khi tôi đến báo cáo nhà thơ Hữu Thỉnh ý muốn đến thăm nhà thơ Giang Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh vui vẻ nói: Hay quá, nên thế. Rồi ông gửi hộp trà làm quà cho thi sĩ Giang Nam.
Tôi điện trước cho nhà thơ Giang Nam, hẹn sẽ đến thăm bác vào ngày 9/8/2019. Về Nha Trang, tôi đến Hội Văn nghệ Khánh Hòa, đặt vấn đề với Chủ tịch Hội - nhà văn Nguyễn Sỹ Chức - và họa sĩ Trần Hà, TBT tạp chí Văn nghệ Nha Trang, muốn các anh cùng đi. Các anh vui vẻ nhận lời nhưng đề nghị tôi đến thăm ngắn thôi vì sợ bác mệt. 3 chúng tôi đến 46 phố Yersin thì người bảo vệ bảo tôi: Bác Giang Nam hình như đang chờ các anh đấy. Tôi thấy bác cứ ra ra vào vào và ngó ra đường. Nghe thế, tôi cảm động lắm.
Lúc nãy, qua điện thoại bác Giang Nam nói với tôi: Không được rồi, chiều nay tôi bận tiếp một nhà văn Hà Nội. Tôi nói chỉ xin bác 10 phút thôi. Nhà thơ Hữu Thỉnh gửi quà thăm bác. Bác nói: Đến ngay đi. Nhưng tôi đoán, chắc bác chờ gặp tôi, chính là nhà văn Hà Nội đấy.
Một bác già nhỏ thó, tóc đã bạc phơ ra tận cửa đón chúng tôi niềm nở. Bác tự giới thiệu tôi là Giang Nam, chỉ tiếp các anh được ít thôi. Tôi có khách Hà Nội vào. Tôi bảo: Cháu ở Hà Nội vào đây. Bác nhìn tôi ngạc nhiên: Anh ở chỗ anh Hữu Thỉnh vào? Tôi đáp vâng. Bác cười hồn nhiên: Tôi chờ anh đấy. Thì ra, bác cẩn thận trong nghi lễ đón khách.
Tôi vui vẻ mở gói quà nhà thơ Hữu Thỉnh tặng bác: Hai hộp trà Thái Nguyên loại thượng hạng. Bác vui quá, bấm máy điện ngay cho Hữu Thỉnh. Nháy máy mãi mà vẫn không nghe đầu dây bên kia trả lời. Tôi biết giờ này, ông không nghe máy. Làm việc với Hữu Thỉnh mãi, tôi biết qui luật làm việc của ông. Buổi chiều từ 13-14 h là không nghe máy đâu.
Qua câu chuyện với người bảo vệ giúp việc cho bác Giang Nam, tôi hiểu. Bác già 90 tuổi ấy sống một mình, cũng cô đơn, cho dù Hội Văn nghệ ở gần đây, đi dăm bước là đến. Hội cũng bận việc. Con cháu thì cũng bận việc nhà nước. Nhà thơ có người bạn đời yêu quí đã mất mấy năm nay. Mà tôi, so với bác chỉ là bậc con cháu. Bác cùng tuổi với bố tôi, mà bố tôi đã mất từ 3 năm nay rồi. Tâm lý người già, lại là nhà thơ nổi tiếng, là chính khách, bác thích giao lưu. Bọn trẻ thì không hợp chuyện. Bạn già thì còn mấy ai độ tuổi như bác. Nên buồn. Tôi chưa bao giờ gặp bác nên phải hẹn trước cẩn thận. Bác tưởng tôi là nhân vật nổi tiếng nào đó từ Hà Nội vào.
Tôi nhìn trên bàn: Trà thơm vừa mới pha, kẹo lạc và cam. Chứng tỏ bác có chuẩn bị để đón khách và hàn huyên. Tôi với bác, tuổi cách rất xa nhau, và tài năng văn chương cũng cách xa, nhưng bác mến khách lạ như thế làm tôi cảm động. Tôi chưa kịp nói chuyện nhiều, bác đã bảo: Để tôi vào lấy sách thơ tặng bạn thơ Hà Nội. Nhà thơ nhà văn, bao giờ chả thế. Khách đến chơi nhà là tặng sách cho nhau. Văn hóa của các nhà thơ là thế. Như vậy để chứng tỏ ta còn viết, còn sáng tác. Nhưng bác tìm mãi chưa ra sách mới để tặng. Bác hẹn tôi chiều mai đến lấy sách tặng.
Hôm sau, tôi mời GS Võ Trọng Hùng, thầy dạy ở trường Đại học Mỏ Địa Chất, là Tổng Biên tập tạp chí Khoa học công nghệ mỏ cùng đến nhà bác Giang Nam. Được hỏi: Giang Nam nào? Tôi nói diễn luôn: Nhà thơ Giang Nam có bài thơ nổi tiếng Quê hương, mà mỗi khi trà dư tửu hậu, các thầy hay xuyên tạc: Xưa yêu quê hương vì có chim có bướm... Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết còn có lần nói đùa với chị em phụ nữ bằng câu thơ Giang Nam: Ai bảo chăn trâu là khổ, em chăn chồng còn khổ hơn trâu… Võ Trọng Hùng trố mắt ngạc nhiên, nói vội: Tôi đi với anh vì tôi rất ngưỡng mộ Giang Nam. Lần đầu tiên gặp và lại ngưỡng mộ, nên đến nhà bác Giang Nam, anh chụp ảnh lia lịa. nhà thơ Giang Nam cũng hứa tặng sách cho GS Hùng nên anh vui lắm.
Trong lúc chờ nhà thơ Giang Nam đi tìm sách tặng, tôi ngồi ngắm lại cái giường ngủ của bác. Cái giường ngủ rất thi sĩ. Quần áo, chăn gối, bút... lộn xộn. Sách vở, bản thảo ngồn ngang đầu giường. Tôi nhớ đến bố tôi xưa. Bác cũng thế. Giường ngủ cũng là chỗ làm việc. Cái quan trọng là thuận tiện. Với tay phải là có sách, với tay trái là bật điện. Và cái quan trọng nhất phải là quần áo ngay cạnh và... kín gió. Đột ngột gió lạ là rất nguy hiểm cho người cao tuổi.
Về lai lịch bài thơ Quê hương, nhà thơ Giang Nam kể: Bài thơ ấy nói về người tôi yêu, Phạm Thị Chiều. Tôi gặp Chiều ở khu căn cứ miền rừng. Một người con gái xinh đẹp và là đảng viên. Bí thư Tỉnh ủy rất muốn Chiều làm em dâu nên hỏi Chiều: Cháu đã có ai chưa? Chiều bảo chưa, nhưng tôi thì phải nói thật: Chiều đã yêu cháu rồi. Sau Hiệp định Genève 1954, được lệnh chuẩn bị tập kết ra miền Bắc, nhưng tôi xin ở lại miền Nam chiến đấu vì còn một lý do nữa, Phạm Thị Chiều ở lại miền Nam. Sau 2 năm, Hiệp định bị phá vỡ nhưng chúng tôi vẫn cưới nhau và có với nhau một cháu gái. Tuy nhiên, vợ tôi hoạt động ở Sài Gòn, tôi hoạt động bí mật trên căn cứ, không có liên hệ với nhau. Mấy năm sau, tôi được tin hai mẹ con bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam vào nhà lao Sài Gòn đến 4 năm rồi. Vợ tôi là đảng viên, bị biệt giam. Con gái tôi được các tù chính trị của ta nuôi chu đáo, nhưng địch không cho gặp mẹ. Thâm ý của địch là tìm cách đưa vụ án vợ tôi thêm lên 5 năm tù để khép vợ tôi vào án tử hình, mà vợ tôi và cháu đã bị giam 4 năm rồi. Ở trên căn cứ, tôi không biết tý gì về vợ con ở Sài Gòn. Một hôm, Bí thư Tỉnh ủy cùng quê gặp tôi và nói rất hệ trọng: Mình nói để Nguyễn Sung (tức Giang Nam) biết, nhưng phải thật bình tĩnh. Vợ con anh đã bị chính quyền Ngô Đình Diệm sát hại ở Sài Gòn theo luật 10/59. Tôi nghe mà đau xót quá. Đêm đó, tôi thức trắng đêm để làm bài thơ Quê hương. Tôi không nói tôi có vợ có con cái gì đâu mà chỉ là nói về người yêu đi du kích bị giặc giết. Bài thơ ra đời, anh em đưa về Sài Gòn, truyền bá nhanh lắm. Ngay sau đó, báo GIÓ MỚI công khai đã đăng bài thơ này lên báo và sinh viên đã chuyền cho nhau đọc. Nhiều người thuộc lòng. Bài thơ được gửi ra miền Bắc và đăng trên báo THỐNG NHẤT. Hội Nhà văn đề nghị trao giải cao nhất. Bác Hồ đã đọc. Tuy nhiên có ý kiến đề nghị không nên trao giải vì nói đến chết chóc làm ảnh hưởng đến tinh thần người chiến đấu. Nhưng sau này, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Hoàng Minh Giám điện cho tôi nói là bài thơ đã được trao giải Nhì.
Về vụ án của vợ tôi, được một luật sư người Biên Hòa tranh cãi rất có lợi. Ông ra kiến nghị, án của vợ tôi chỉ 4 năm, mà đã giam 4 năm rồi là được ra tù, không xử nữa. Mặt khác, người tù phải nuôi con nhỏ trong tù, quốc gia không thể vô đạo đức như thế. Hôm công bố luận tội vợ tôi chỉ bị tù 4 năm, cả phiên tòa vỗ tay. Lịch sử các phiên tòa, chưa bao giờ có việc vỗ tay một vụ án cộng sản như vậy. Và sau này, người ta nói, sau phiên tòa ấy, vợ con tôi được ra tù nhưng nhiều năm sau tôi không hề biết.
Tôi còn được biết, người bạn đời của nhà thơ Giang Nam, sau khi bài thơ Quê hương đã nổi tiếng khắp ba miền đất nước, bác Phạm Thị Chiều, được ra tù năm 1962, nhưng sau đó, lại bị bắt đày ra Côn Đảo. Mãi năm 1973, sau Hiệp định Paris được ký kết, hai bác mới được sum họp với nhau.
Chia tay thi sĩ Giang Nam khi mùa thu đang độ chín. Trời Nha Trang nắng vàng tươi. Bác ra tận đầu đường Yersin tiễn tôi và GS Võ Trọng Hùng. Bác không quên nhắn: Anh Lộc cho tôi gửi lời thăm và cảm ơn nhà thơ Hữu Thỉnh. Hai tay tôi nắm bàn tay khẳng khiu, ấm nóng của bác, nhìn nét mặt có nếp nhăn nheo, khuôn mặt vuông phúc hậu và nụ cười chân thành của bác, tôi có một cảm giác lạ: Bác được trời cho đấy. Người bạn đời trong bài thơ Quê hương, tưởng mất, lại về với bác cho đến khi 82 tuổi mới chính thức chia tay bác để lên trời.