Vụ giao đất 'vàng' tại TP Hồ Chí Minh cho Vũ 'nhôm': Thừa nhận phạm pháp nhưng vẫn đổ trách nhiệm
Ngày 26/12, TAND TP HCM mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín (62 tuổi) và các đồng phạm nguyên là lãnh đạo Sở ngành của TP HCM.
Các bị cáo bị truy tố xét xử tội danh “Vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí” trong vụ án liên quan đến khu đất vàng (ở địa chỉ số 15 Thi Sách, quận 1) giao cho bị án Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”), Chủ tịch HĐQT của Công ty Cp Xây dựng Bắc Nam 79.
Ông Nguyễn Hữu Tín mệt mỏi khi được dẫn giải khỏi phiên xét xử vào chiều 26/12.
Các bị cáo thừa nhận sai phạm
Trong ngày đầu xét xử vụ án, HĐXX đã xét hỏi ông Nguyễn Hữu Tín và các đồng phạm về quy trình, thẩm quyền trong quá trình ban hành, ký duyệt các quyết định liên quan đến việc giao khu đất 15 Thi Sách (Q.1) cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm”. Trước tòa, ông Nguyễn Hữu Tín trình bày khu đất tại địa chỉ trên là tài sản Nhà nước quản lý (đất công). Khi nhận văn bản đề nghị giao đất từ Bộ Công an, ông đã bút phê vào văn bản, chỉ đạo thuộc cấp là ông Lê Văn Thanh- nguyên Phó Chánh Văn phòng UBND TP HCM (vào thời điểm đó), sau đó chuyển văn bản này đến các sở ngành liên quan để thẩm định, tham mưu phù hợp cho UBND TP HCM. Sau đó, ông Nguyễn Hữu Tín đồng ý với nội dung tham mưu từ cấp dưới nên ký văn bản giao khu “đất vàng” cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm”.
Ngay tại phiên xét hỏi đầu tiên, ông Tín đã thừa nhận việc ký duyệt giao đất cho công ty của Vũ “nhôm” là vi phạm pháp luật: “Thưa HĐXX, tôi biết tôi sai rồi, bởi vì những bút phê đó mang tính chất nội bộ chứ không phải văn bản chỉ đạo chính thức”. Ông Tín cũng thừa nhận việc chấp nhận nội dung tham mưu, sau đó ký công văn đồng ý chủ trương chấp thuận doanh nghiệp trên thuê đất xây dựng văn phòng phục vụ công tác an ninh. Nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, việc duyệt nhanh cho công ty của Vũ “nhôm” xuất phát từ lý do trên và nếu là doanh nghiệp bình thường xin thuê đất do nhà nước quản lý thì quy trình duyệt hồ sơ sẽ không như thế.
Dù nhận sai nhưng suốt quá trình xét hỏi, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín nhiều lần nhắc đến các công văn của Bộ Công an đề nghị UBND TP HCM hỗ trợ Công ty Bắc Nam 79 nên mới dẫn đến hệ quả làm sai quy trình và vi phạm pháp luật. Trong toàn bộ vụ việc, ông Nguyễn Hữu Tín cho rằng bản thân không hề vụ lợi hay có động cơ cá nhân. Ngoài ra, ông Tín cũng khai việc gửi văn bản báo cáo cấp trên về quyết định giao khu đất ở số 15 Thi Sách cho Ban chỉ đạo 09 - TP HCM, Ban thường trực Thành ủy TP HCM.
Cũng trong ngày đầu xét xử, các bị cáo Trương Văn Út (49 tuổi, nguyên Phó trưởng Phòng Quản lý đất đai thuộc Sở TNMT TP), Lê Văn Thanh (nguyên Phó chánh Văn phòng UBND TP) và Nguyễn Thanh Chương (nguyên trưởng Phòng Đô thị thuộc Văn phòng UBND TP) cũng thừa nhận cáo trạng truy tố không oan sai nhưng chỉ ra nguyên nhân diễn biến nêu trên khiến tất cả quy trình và các phòng ban, sở ngành thành phố tham mưu sai quy định pháp luật. Riêng ông Đào Anh Kiệt- nguyên Giám đốc Sở TNMT TP HCM thừa nhận đã có các văn bản tham mưu cho ông Tín ký ban hành chủ trương, quyết định cho Công ty Bắc Nam 79 thuê đất, khấu trừ tiền thuê đất đối với nhà đất số 15 Thi Sách không đúng quy định, đã gây thiệt hại đặc biệt lớn về tài sản cho Nhà nước.
Đổ qua đổ lại trách nhiệm
Tại tòa, khi đồng phạm đổ lỗi cho UBND TP HCM chỉ đạo, ông Nguyễn Hữu Tín cũng trình bày với HĐXX, nếu không có văn bản tham mưu của Sở TNMT thì ông sẽ không thể ký công văn đồng ý cho thuê đất thời hạn 50 năm như vậy. Ngược lại, ông Kiệt lại cho rằng, nếu không có sự chỉ đạo từ UBND TP HCM thì đơn vị trực thuộc sở ngành không thể thực hiện xem xét, ban hành văn bản tham mưu lại cho UBND TP.
Trong vụ việc này, ông Nguyễn Hữu Tín thừa nhận bản thân nhận thức việc ký cho công ty của ông Vũ “nhôm” thuê đất 50 năm dù với mục đích gì cũng đã gây ra thiệt hại cho Nhà nước, nên đã bàn với gia đình nộp tiền để bù đắp thiệt hại, với số tiền 1,5 tỷ đồng từ trước khi vụ án được đưa ra xét xử sơ thẩm.
Ngoài ra, các bị cáo Nguyễn Thanh Chương, Lê Văn Thanh, Trương Văn Út đều nộp 500 triệu đồng mỗi người để khắc phục hậu quả của vụ án. Riêng ông Đào Anh Kiệt cùng gia đình đã nộp 400 triệu đồng. “Với trách nhiệm giám đốc sở, bị cáo chỉ đạo cuộc họp lấy ý kiến thành viên các sở có liên quan. Bị cáo thật sự muốn trung thực nhưng có một số việc bị cáo không làm, không biết”- ông Kiệt trả lời HĐXX vào cuối buổi chiều 26/12. Hôm nay (27/12), phiên tòa tiếp tục.