Trương Hống, Trương Hát- nhị vị danh tướng hóa Thánh Tam Giang

Phùng Văn Khai 27/12/2019 16:59

Từ thuở sơ khai, người Việt cổ với tục thờ thần sông nước cũng là tín ngưỡng thuần Việt được nhân dân gìn giữ đến hôm nay. Trong các vị thần sông nước, Thánh Tam Giang được thờ ở 372 làng thuộc lưu vực ba con sông Cầu, sông Thương và sông Cà Lồ. Thánh Tam Giang xuất thân là nhân thần mang họ Trương. Đó chính là hai danh tướng Trương Hống, Trương Hát, những vị tướng lập nhiều chiến công trong triều đại Triệu Việt Vương -Triệu Quang Phục đánh giặc Lương.

Trương Hống, Trương Hát- nhị vị danh tướng hóa Thánh Tam Giang

Đền Vân Mẫu (đền Mẫu Tam Giang). (Ảnh: Thế Thành Nguyễn).

Sự tích chép lại rằng: Trương Hống, Trương Hát là con của một người mẹ họ Phùng tên là Phùng Từ Nhan. Năm mười tám tuổi, cô gái họ Phùng nằm chiêm bao thấy thần long quấn mình trên sông Lục Đầu, sau đó cảm động mà mang thai đến mười bốn tháng, sinh ra một bọc năm con bốn trai: Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy và gái gút là Trương Đạm Lương tại làng Vân Mẫu, quận Vũ Ninh. Họ Phùng khi ấy là thế tộc lớn ở đất Vũ Ninh đã đón thầy giỏi là tiên sinh họ Lã về giáo huấn năm anh em. Đến năm mười bảy tuổi, mẹ mất, năm anh em đã chôn cất chu đáo rồi hiếu thảo thờ mẹ đúng ba năm. Dân khắp vùng đất Vũ Ninh đều khen là người chí hiếu.

Sau khi mãn tang mẹ, nhân lúc hịch truyền của Triệu Quang Phục khi đó đang là chủ tướng ở đầm Dạ Trạch vâng mệnh tiên chủ Lý Nam Đế khởi binh đánh giặc Lương, hai anh em Trương Hống, Trương Hát xin với thầy dụng kế lập thân, chiêu mộ người hiền khắp trong vùng. Hai anh em Trương Hống, Trương Hát đến vùng đất Tiên Tảo (nay thuộc Bắc Giang) thấy đồi gò hùng vĩ, sông suối thuận lợi có thể tiến thủ được bèn dựng quân doanh. Vốn giỏi hai đường văn võ, hai anh em bàn nhau soạn tờ chiêu dụ trai tráng khắp nơi. Lời chiêu dụ còn đến hôm nay: “Nước Vạn Xuân ta đang lúc thanh bình, càn nguyên hanh thái, bỗng đâu giặc Lương lại sang xâm lấn, xã tắc đảo điên, muôn dân khốn khổ. Hai anh em Trương Hống, Trương Hát chúng tôi vốn xuất thân ở đất Vân Mẫu, được mẹ mời thầy cho học võ nghệ, may có chút cơ mưu, dám đem sức lực người bản xứ, dấy binh cuốc cày, địch cùng lang sói ngoại bang, giúp Triệu Việt Vương giữ yên bờ cõi. Dám mong chư vị muôn dân hưởng ứng nghĩa quân thì lấy làm may mắn lắm”.

Phụ lão các vùng đất lân cận tiếp tờ chiêu dụ truyền nhau đọc, lại thấy Trương Hống, Trương Hát dung mạo khác thường, uy nghi đường bệ, bèn đua nhau cho con cháu đi theo làm quân sĩ rất đông.

Hai ông Trương Hống, Trương Hát từ khi có được quân sĩ theo về, nhân dân giúp dập rèn quân rất nghiêm, tích trữ lương thảo cho người về liên lạc với Triệu Quang Phục nơi Đầm Dạ Trạch. Triệu Quang Phục được tin anh em họ Trương thảo tờ chiêu dụ đánh giặc Lương mừng lắm bèn cử sứ giả đến phong Trương Hống làm Thượng tướng quân, Trương Hát làm Phó tướng quân, Lã tiên sinh làm Quân sư, Trương Lừng, Trương Lẫy làm Tỳ tướng, Đạm Lương làm Tổng binh lương thảo hẹn ngày cùng tiến đánh giặc Lương ở thành Long Biên.

Đúng kỳ hẹn binh, Dạ Trạch vương Triệu Quang Phục kéo binh thuyền từ Đầm Dạ Trạch tiến lên; Trương Hống, Trương Hát từ miền Tiên Tảo kéo xuống, bốn mặt thủy bộ hợp vây đánh Long Biên rất dữ dội. Tướng giặc là Dương Sằn không chống cự nổi bị Triệu Quang Phục chém chết tại chân thành Long Biên, quân Lương tan vỡ đầu hàng vô số kể. Triệu Quang Phục vào thành Long Biên cùng chúng tướng sửa sang lại thành trì. Các tướng suy tôn Triệu Quang Phục lên nắm giữ ngôi cao xưng là Triệu Việt Vương. Khi luận công ban thưởng, Triệu Việt Vương phong thưởng rất hậu cho hai tướng Trương Hống, Trương Hát, coi là công thần phục quốc, luôn rất trọng dụng hai ông. Triệu Việt Vương lại phong thực ấp cho anh em họ Trương ở vùng Tiên Tảo, Vân Mẫu là nơi đất sinh thành và khởi sự của hai vị tướng. Hai vị tướng họ Trương nhớ ơn sinh thành của mẹ, sự giúp đỡ của dân chúng đã đem những của cải được thưởng về chia khắp cho các hương thân phụ lão trong vùng.

Sau này, khi Lý Phật Tử - vốn là một người cháu của Lý Nam Đế nhiều lần đánh nhau rồi lại giảng hòa với Triệu Việt Vương - bụng dạ rất phản trắc, Trương Hống, Trương Hát nhiều lần khuyên Triệu Việt Vương phải cảnh giác đề phòng. Vương chỉ im lặng không nói gì. Đến khi Lý Phật Tử xin cho con trai là Nhã Lang tới lấy con gái Cảo Nương của Triệu Quang Phục và ở rể, Trương Hống, Trương Hát đã cực lực khuyên can không được, bèn cáo bệnh về quê. Sau thời gian lập mưu để Nhã Lang thông tỏ sự bố phòng binh lương mọi mặt của Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử bất ngờ dùng binh đánh úp, khiến Triệu Việt Vương thua trận mất nước, phải tự vẫn nơi cửa biển, trở thành một trang bi thương trong lịch sử dân tộc.

Lý Phật Tử lên ngôi vua xưng là Hậu Lý Nam Đế, biết hai ông Trương Hống, Trương Hát là bậc tướng tài bèn cho người vời ra làm quan, song các ông một mực chối từ: “Tôi trung không thờ hai vua. Huống hồ Hậu Lý Nam Đế vì lập mưu gian mới có được nước, nay sao còn muốn làm hại đến danh tiết của ta”.

Lý Phật Tử nghe được lời ấy rất cáu giận sai người lùng bắt khiến hai ông phải trốn vào trong núi Phù Long. Lý Phật Tử càng giận, cho truy binh đến vây núi, treo thưởng ngàn vàng cho người nào bắt được Trương Hống, Trương Hát về nộp. Thấy Lý Phật Tử quá tuyệt tình, hai ông bàn nhau đem gia quyến xuôi theo các dòng sông để giữ tấm lòng trung trinh với Triệu Việt Vương. Được một thời gian, vì quá nhớ tiếc họ Triệu, hai ông đã uống thuốc độc tự vẫn. Nhân dân dọc theo dòng sông Cầu và các nơi hai ông từng mộ quân đánh giặc vô cùng khâm phục khí tiết của Trương Hống, Trương Hát đã lập đền thờ làm thần. Sau này các ông hóa thành Thánh Tam Giang.

Hai vị danh tướng Trương Hống, Trương Hát còn gắn liền với câu chuyện và sự ra đời của bài thơ Nam Quốc sơn hà - bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Đại Việt. Trong nhiều lần đánh giặc Tống, Nguyên, Minh, Thanh, các đền thờ dọc phòng tuyến sông Cầu ban đêm thường văng vẳng giọng đọc thơ hộ quốc khiến kẻ thù khiếp sợ. Các tướng đời sau mỗi khi đánh giặc phương Bắc đều đến dâng hương cầu nguyện nơi đền miếu thờ nhị vị tướng quân Trương Hống, Trương Hát và vô cùng linh ứng.

Hiện nay, trong các đền thờ Triệu Việt Vương đều có gian thờ nhị vị tướng quân Trương Hống, Trương Hát. Hai ông không chỉ là tướng giỏi giúp Triệu Việt Vương phục quốc mà còn là trung thần, bằng chính khí phách và sự trung quân ái quốc đã nêu một tấm gương sáng trong lịch sử dân tộc. Hình tượng hai vị tướng đã ăn sâu bám rễ trong tiềm thức dân gian, là phúc thần cho hàng trăm đình đền chùa miếu dọc các con sông vùng châu thổ sông Hồng với tư cách Thánh Tam Giang.

Lịch sử Việt Nam là lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Tổ tiên ta trong tiến trình dựng nước và giữ nước đã lập nhiều võ công hiển hách, nhưng cũng có không ít bài học lịch sử đớn đau mà trong đó câu chuyện Mỵ Châu -Trọng Thủy thời An Dương Vương, Nhã Lang - Cảo Nương thời Triệu Việt Vương rất cần đúc rút và soi rọi một cách khoa học. Từ xưa đến nay, dã tâm và sự hiếu chiến của người phương Bắc chưa bao giờ thôi xuất hiện. Dân tộc Việt Nam dẫu sức người sức của chưa bao giờ tương xứng với chúng, nhưng ta đều đã lấy chính nghĩa thắng sự phi nghĩa, đấy là sự thật lịch sử. Hiện nay, Biển Đông đang rất nóng, các cấp lãnh đạo cao nhất, đặc biệt là nhân dân ta cực lực phản đối hành vi xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc trên vùng biển hợp pháp của Việt Nam. Hơn lúc nào hết, những bài học lịch sử, những nhân vật lịch sử đánh giặc ngoại xâm trong bốn nghìn năm rất cần được thế hệ sau học tập noi gương. Những người như Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục, Mai Thúc Loan, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Nguyễn Huệ… những vị vua và danh tướng với võ công đánh giặc phương Bắc vẫn như còn đây, vững vàng, khí phách để con cháu hôm nay có thêm nền tảng từ tri thức tới tiềm lực sẵn sàng đánh bại kẻ thù xâm lược.

Nhân dân Việt Nam, chưa bao giờ không mong muốn hòa bình, đặc biệt là hòa hiếu với lân bang. Vậy tại sao phương Bắc thường sang gây hấn? Đã biết bao lần, bài thơ Thần nơi đền Thánh Tam Giang thờ nhị vị danh tướng Trương Hống, Trương Hát vang lên: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tới bời.

Phùng Văn Khai