Thịt lợn chiếm đến 70% trong rổ thực phẩm: Quá lớn!
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018. Theo lãnh đạo Bộ NNPTNT, thời gian tới sẽ giảm lượng thịt lợn trong cơ cấu thịt, vì hiện nay tỷ trọng thịt lợn trong rổ thực phẩm của người Việt lên đến 70% là quá nhiều.
Giá thịt lợn ngày 27/12 đã có dấu hiệu chững lại.
Thông tin từ Bộ NN&PTNT cho biết, đến thời điểm này đã có 6.020 xã (chiếm 71% tổng số xã có dịch) thuộc 412 huyện của 56 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày mà chưa tái xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi. Riêng tỉnh Hưng Yên và Hải Dương đã hết dịch. Trong tháng 12, số lợn tiêu hủy là khoảng 50 nghìn con, giảm 67% so với tháng 11 và giảm 96% so với tháng 5 (tháng cao điểm, buộc phải tiêu hủy hơn 1,27 triệu con lợn). Sản lượng thịt hơi các loại cả năm 2019 ước đạt khoảng 5 triệu tấn, giảm 6,23% so với năm 2018.
Thịt lợn là thực phẩm chính trong bữa ăn của người Việt nên việc giảm nguồn cung thịt lợn thực sự đặt ra bài toán khó cho ngành chăn nuôi nước nhà. Nhằm bù đắp nguồn cung thịt lợn thiếu hụt, một trong các giải pháp mà Bộ NNPTNT đưa ra đó là việc tái đàn lợn trong điều kiện phải đảm bảo an toàn sinh học.
Về vấn đề tái đàn, theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, DN phải là “hạt nhân” với vai trò vừa là người dẫn dắt giá vừa là nơi cung cấp nguồn cung con giống, quy trình kỹ thuật an toàn sinh học. Bởi lượng con giống và lợn nái hiện nay chủ yếu chủ yếu tập trung là cơ sở chăn nuôi của các DN lớn với 109 nghìn con, và 2,7 triệu lợn nái. Bên cạnh đó, khu vực này đóng vai trò quyết định đến chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và an toàn.
“Trong tái đàn phải cung ứng những sản phẩm tốt nhất, đặc biệt là trong kỹ thuật về an toàn sinh học, phổ biến đến bà con chăn nuôi, những điểm vệ tinh của các công ty, kể cả những điểm mua giống của các doanh nghiệp với trách nhiệm hướng dẫn đó phối hợp cùng các cơ quan quản lý nhà nước ở địa điểm đó” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Bộ NNPTNT, thúc đẩy sản xuất an toàn dịch bệnh, đến nay các cơ sở được công bố hết dịch tả lợn châu Phi đã chủ động tái đàn ngay từ đầu quý IV/2019 theo hướng dẫn của Bộ NNPTNT. Cũng theo nhận định của ngành nông nghiệp, nguồn cung thịt lợn cho thị trường sẽ được bổ sung từ cuối quý 1 năm 2020 và từ quý 2, sản lượng thịt lợn xuất chuồng sẽ tiếp tục được tăng lên. Như vậy, nỗi lo về thiếu thịt lợn sẽ được hạ nhiệt sớm ngay trong quý 1 của năm 2020 với những nỗ lực của nhà quản lý.
Tuy nhiên, về lâu dài, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải giảm cơ cấu thịt lợn trong bữa ăn gia đình, bởi hiện nay với tỷ trọng 70% thịt lợn trong rổ thực phẩm của người Việt là quá lớn.
Nhấn mạnh hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết, cơ cấu ngành chăn nuôi thời gian tới sẽ hướng đến giảm thịt lợn, hạ mức 70% tỉ trọng thịt lợn trong rổ thực phẩm của người Việt xuống mức thấp hơn. Và để thực hiện điều này, tới đây sẽ đẩy mạnh phát triển gia súc gia cầm và nhiều loại hình nuôi trồng khác như thủy hải sản....
“Việc đa dạng hóa các loại hình sản xuất góp phần khơi được tất cả các tiềm năng của ngành chăn nuôi, đảm bảo nhu cầu về dinh dưỡng cũng như các yêu nhu cầu khác của người tiêu dùng” - ông Tiến nhấn mạnh. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen của người tiêu dùng với việc sử dụng thịt lợn là món ăn chính cũng không phải là điều dễ dàng. “Việc này cần phải có thời gian và có sự tuyên truyền tích cực của các cơ quan, tổ chức xã hội” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nói.
Nêu lên những giải pháp để “giảm sốc” cơn sốt giá thịt lợn, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Trong chiến lược phát triển chăn nuôi mới sẽ cần làm sao phát triển hài hòa cơ cấu các nhóm thực phẩm, để đảm bảo kinh tế, an toàn sinh học, đồng thời cân đối dinh dưỡng trong bữa ăn. Không thể nào cơ cấu bữa ăn mà 70% thực phẩm trên mâm cơm là thịt lợn. Cái này cần phải đẩy mạnh tuyên truyền để thay đổi nhận thức của người tiêu dùng chuyển hướng sang tiêu dùng hài hòa với các thực phẩm khác.