Làm sạch nhà máy hạt nhân Fukushima: Nhật Bản điều chỉnh lộ trình

Ngọc Mai 28/12/2019 06:43

Ngày 26/12, Nhật Bản đã điều chỉnh lộ trình làm sạch nhà máy hạt nhân Fukushima vốn bị hư hại nghiêm trọng trong thảm họa động - đất sóng thần năm 2011. Đáng chú ý là việc tiếp tục điều chỉnh thời hạn dỡ bỏ hàng nghìn thanh nhiên liệu đã qua sử dụng hiện vẫn đang nằm trong các bể làm mát từ khi sự cố xảy ra. Đây được coi là “một bước quan trọng” trong toàn bộ tiến trình.

Làm sạch nhà máy hạt nhân Fukushima: Nhật Bản điều chỉnh lộ trình

Lò phản ứng số 4 (trái) và các bể chứa nước nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản cho biết việc trì hoãn này nhằm đảm bảo chuẩn bị tốt các biện pháp an toàn như xây hàng rào xung quanh tổ máy số 1 để ngăn chặn nguy cơ rò rỉ bụi phóng xạ và khử độc ở tổ máy số 2. Đây là lần thứ 4 quy trình này bị trì hoãn. Bộ Nội vụ Nhật Bản cho biết quy trình này rất khó khăn và khó lường, và giới chức luôn ưu tiên sự an toàn của nhân công và khu vực xung quanh.

Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản và Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) vẫn giữ nguyên khung thời gian thực hiện toàn bộ quy trình làm sạch nhà máy điện hạt nhân Fukushima dự kiến kéo dài từ 30 đến 40 năm kể từ năm 2011. Đồng thời có phương án đối với hơn 4.700 thanh nhiên liệu vẫn đang còn nằm trong 3 lò phản ứng bị nóng chảy và hai lò phản ứng khác còn sót lại sau thảm họa. Quy trình này lần gần nhất được dự kiến tiến hành trong khoảng các năm 2023-2024. Tuy nhiên, theo kế hoạch mới, việc dỡ bỏ những thanh nhiên liệu này khỏi các tổ máy số 1 và số 2 được kéo dài thêm 10 năm so với mốc 2018 đưa ra ban đầu.

Như vậy, việc dỡ các thanh niên liệu ở tổ máy số 1 sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2027-2028 sau khi rác thải hạt nhân đã được dọn dẹp và hoàn thiện việc xây dựng các biện pháp bảo vệ phát tán bụi phóng xạ. Việc dỡ bỏ các thanh nhiên liệu tại tổ máy số 2 sẽ bắt đầu vào khoảng năm 2024-2026.

Trước đó, tháng 4/2019, TEPCO đã bắt đầu quá trình dỡ bỏ các thanh nhiên liệu đã qua sử dụng ở các tổ máy số 3 và đã hoàn thiện công việc này ở tổ máy số 4, do tổ máy này không được vận hành trong thời điểm xảy ra thảm họa. Chính phủ Nhật Bản cũng sẽ bắt đầu cho dọn dẹp khoảng 770.000 tấn rác thải hạt nhân tử 3 lò phản ứng có phần lõi đã tan chảy bắt đầu từ tổ máy số 2, sử dụng robot hỗ trợ trong khoảng tháng 3/2021- 3/2022.

Ước tính chi phí làm sạch nhà máy Fukushima có thể lên tới 8.000 tỷ yên (73 tỷ USD), cộng với chi phí đền bù, làm sạch các khu vực xung quanh có thể lên tới 22.000 tỷ yên (200 tỷ USD). Nhật Bản cũng cần khoảng 10.000 công nhân mỗi năm trong những năm tới để thực hiện những công việc này và 1/3 trong số này sẽ làm việc tiếp xúc với nước nhiễm phóng xạ.

Còn nhớ, sau trận động đất (9 độ Richter) và sóng thần xảy ra tại khu vực Đông Bắc của Nhật Bản năm 2011, gây thiệt hại nặng nề trên một diện tích rộng hàng trăm km dọc bờ biển Nhật Bản. Nhiều gia đình có toàn bộ người bị cuốn trôi, nhiều người chết và mất tích, số thương vong lên đến hơn 30,000 người, những người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn lên đến 170,000 người. Ngay sau trận động đất là thảm họa sóng thần, phía Bắc có nhà mày điện hạt nhân Higashi-Dori cho đến phía Nam là nhà máy điện Tokai tổng cộng 15 nhà máy điện hạt nhân bị thiệt hại ở mức lớn nhỏ. Trong số này, nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi bị thiệt hại vô cùng nặng nề. Tại nhà máy này, trong lúc động đất có 3 lò đang hoạt động và 3 lò khác đang nghỉ bảo dưỡng. Tuy các lò ngừng hoạt động ngay lập tức khi có động đất, nhưng ngay sau đó sóng thần ập đến đã tàn phá gần như hoàn toàn hệ thống làm nguội của nhà máy.

Tuy quá trình phát điện đã được dừng ngay lập tức, nhưng những thanh nhiên liệu bên trong vẫn đang ở nhiệt độ rất cao, nếu như không liên tục được làm nguội thì bản thân nó sinh ra một lượng nhiệt vô cùng lớn. Thông thường người ta sẽ dùng hệ thống cấp điện từ bên ngoài để làm nguội những thanh nguyên liệu này. Nếu hoạt động này thất bại người ta cũng dự phòng bằng cách cho chạy 1 máy phát điện khẩn cấp vận hành bằng dầu diesel để cấp điện. Trong trường hợp bất thường khi cả hai phương án trên đều thất bại, người ta đã trang bị sẵn các ắc quy lớn có thể cấp điện trong nhiều giờ để khôi phục việc cấp điện từ bên ngoài. Tuy nhiên với sức mạnh và tàn phá của sóng thần, tất cả các phương án trên đều trở nên vô ích.

Ngọc Mai