Philippines thắt chặt quy định nhập cảnh với công dân Mỹ
Philippines vừa công bố lệnh cấm 2 nhà lập pháp Mỹ tới nước này và dự định còn tiếp tục đưa ra nhiều lệnh giới hạn nhập cảnh nghiêm ngặt hơn đối với công dân Mỹ, nếu như Washington thực thi các lệnh trừng phạt nhằm phản ứng trước việc Manila bắt giữ một nhà phê bình chính phủ.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte không ngần ngại chỉ trích nhiều động thái của Mỹ. (Nguồn: Reuters).
Trừng phạt qua lại
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ áp đặt các quy định thị thực đối với công dân Mỹ nếu như bất kỳ quan chức nào của Philippines có liên quan tới vụ bắt giữ Thượng nghị sĩ Leila de Lima bị Mỹ từ chối cho nhập cảnh. Được biết, dự luật trừng phạt của Mỹ được soạn thảo bởi 2 thượng nghị sĩ là Richar Durbin và Patrick Leahy.
Động thái của ông Duterte xuất hiện ngay sau khi Quốc hội Mỹ phê chuẩn Luật Ngân sách 2020 trong đó bao gồm một điều khoản mà 2 nghị sĩ trên đưa ra nhằm trừng phạt bất cứ ai liên quan tới vụ bắt giữ nghị sĩ De Lima - người bị cáo buộc nhiều tội danh liên quan tới ma túy từ đầu năm 2017 sau khi bà dẫn dắt một cuộc điều tra nhằm vào các vụ giết người xảy ra trong chiến dịch chống ma túy của Tổng thống Duterte.
“Chúng tôi sẽ không ngồi yên nếu như họ tiếp tục can thiệp vào công việc của chúng tôi” - Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines, Salvador Panelo, nói trong cuộc họp báo hôm 27/12.
Philippines vốn miễn trừ thị thực khoảng 30 ngày cho công dân Mỹ, 792.000 người thuộc diện này đã tới thăm Philippines trong vòng 9 tháng đầu năm 2019, gần 13% tổng lượng khách nước ngoài đến nước này - theo dữ liệu Chính phủ Philippines.
Đại sứ quán Mỹ tại Manila hiện chưa đưa ra bình luận gì trước sự việc.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với Đài CBS mới đây, ông Leahy cho rằng, hành động bắt giữ bà De Lima là một “vụ bắt giam sai trái,” đồng thời chỉ trích ông Panelo vì đã phát biểu rằng Mỹ can thiệp vào công việc của Philippines thông qua lệnh cấm đi lại được đề xuất nhằm vào các quan chức Philippines liên quan đến vụ việc.
Ông Panelo khẳng định, tuyên bố của ông Leahy làm ra vẻ có đủ kiến thức về pháp luật của Philippines và đã nghiên cứu vụ việc của bà De Lima một cách cá nhân, tuy nhiên Thượng nghị sỹ Mỹ này chưa bao giờ đến Philippines để tự kiểm tra về vụ việc này.
Trong cuộc họp báo, ông Panelo nói rằng việc hạn chế nhập cảnh liên quan tới vụ bắt giữ bà de Lima là vô nghĩa bởi người này không phải bị bắt một cách vô lý mà đã qua quá trình xét xử đúng quy trình.
“Vụ án Thượng nghị sĩ De Lima không phải là sự ngược đãi mà là một quá trình tố tụng” - ông Panelo nói.
Tranh cãi
Tổng thống Duterte vốn là người không ngần ngại thể hiện công khai sự bất bình của mình trước Mỹ và cái mà ông coi là sự can thiệp và hành động “đạo đức giả” của Mỹ, mặc dù ông thừa nhận rằng phần lớn người dân Philippines và quân đội của ông rất tôn trọng nước Mỹ.
Mỹ hiện là đồng minh quân sự lớn nhất của Philippines. Hàng triệu người Philippines có thân nhân là công dân Mỹ.
Bà De Lima - vị cựu Bộ trưởng Tư pháp của chính quyền cũ - trong hôm thứ Tư vừa qua đã thể hiện rõ cái mà bà mô tả là lòng biết ơn trước hành động của Quốc hội Mỹ. Bà De Lima từng giành vô số giải thường từ các tổ chức nhân quyền, từng nhiều lần công khai chỉ trích ông Duterte và kêu gọi cộng đồng quốc tế mở cuộc điều tra về cuộc chiến chống ma túy của ông - trong đó đã có hàng nghìn người thiệt mạng.
Tổng thống Rodrigo Duterte đã phát động chiến dịch chống ma tuý vào năm 2016, để đối phó với vấn đề ma túy ở diện rộng. Kể từ đó, ít nhất 6.600 người buôn bán hoặc sử dụng mà túy bị giết, theo cảnh sát. Nhưng các nhà hoạt động nói rằng con số thực cao hơn nhiều và ở mức hơn 27.000. Ông Duterte và chiến dịch chống ma tuý của ông được người dân Philippines ủng hộ nhiều. Một cuộc thăm dò ý kiến đầu năm nay cho thấy ông đạt tỷ lệ tín nhiệm là 79%.